1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự kiên cường của người Nhật Bản sau mùa hè “thảm họa”

(Dân trí) - Người dân Nhật Bản vẫn luôn giữ cho mình sự bình thản và kiên nhẫn ngay cả khi phải đối mặt với những thảm họa liên tiếp từ động đất cho tới lũ lụt trong mùa hè năm nay.

Người Nhật xếp hàng mua đồ sau trận động đất ở Hokkaido (Ảnh: Japan Today)
Người Nhật xếp hàng mua đồ sau trận động đất ở Hokkaido (Ảnh: Japan Today)

Các dịch vụ phương tiện công cộng đều tạm dừng trên toàn thành phố khi các trận động đất làm rung chuyển hai thành phố Osaka hồi tháng 6 và Hokkaido vào tuần trước. Tuy nhiên điều đó không cản trở những người đàn ông và phụ nữ Nhật Bản, trong những bộ vest tối màu, đến cơ quan làm việc. Thậm chí có những người phải đi bộ ít nhất một tiếng đồng hồ để tới chỗ làm.

Trong khi đó, ở bên ngoài các cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, những nơi vẫn hoạt động sau các trận động đất, từng đoàn người vẫn kiên nhẫn xếp hàng theo trật tự để chờ mua các đồ dùng cần thiết. Mới đây, truyền hình Nhật Bản đã công bố những hình ảnh cho thấy cảnh người dân xếp hàng sạc điện thoại tại các điểm sạc công cộng miễn phí ở Sapporo do thành phố này bị mất điện sau động đất.

Cảnh tượng đổ nát sau trận lũ tại Nhật Bản hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)
Cảnh tượng đổ nát sau trận lũ tại Nhật Bản hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)

Bất chấp những trận lũ lụt khủng khiếp xảy ra trên diện rộng ở phía tây Nhật Bản hay những trận sạt lở đất bất ngờ có thể vùi lấp các căn nhà sau trận mưa lịch sử hồi tháng 7, nhiều người vẫn lựa chọn ở lại và tái thiết cuộc sống sau thiên tai.

Mùa hè năm 2018 thực sự là “cơn ác mộng” khủng khiếp với người dân Nhật Bản - quốc gia thường xuyên phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên. Chỉ trong vài tháng, Nhật Bản phải hứng chịu liên tiếp hai trận động đất lớn và cơn bão mạnh nhất trong vòng 25 năm qua. Chưa hết, quốc gia này còn phải chống chọi với những trận mưa lịch sử và những đợt nắng nóng khủng khiếp.

Tuy vậy, sự kiên cường nổi tiếng của người Nhật Bản đã được chứng minh trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Điều đó được thể hiện trong câu khẩu hiệu "shikata ga nai" hay "sho ga nai", tạm dịch là “không thể giúp được gì” hay “không còn cách nào khác”.

Sự kiên cường đã dẫn dắt đất nước Nhật Bản - nơi chọn ngày 1/9 làm Ngày Ngăn ngừa Thảm họa để tưởng niệm trận động đất Kanto lịch sử từng tàn phá thủ đô Tokyo và cướp đi sinh mạng của hơn 140.000 người Nhật Bản vào năm 1923.

Sự mất cảnh giác

Trẻ em Nhật Bản học cách trú ẩn an toàn bên dưới bàn học khi xảy ra động đất (Ảnh: Reuters)
Trẻ em Nhật Bản học cách trú ẩn an toàn bên dưới bàn học khi xảy ra động đất (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Nhật Bản thường xuyên xảy ra thiên tai, song người dân Tokyo có thể sẽ không phải hứng chịu những thảm họa khủng khiếp như từng xảy ra với người dân ở Hokkaido hay Osaka. Theo Straits Times, do những thảm họa lớn tại Nhật Bản hiếm khi xảy ra lặp lại cùng một vị trí với cùng một cấp độ, nên ngày càng nhiều người Nhật Bản tin rằng họ có thể sẽ không phải đối mặt với bất kỳ thảm họa lớn nào trong cuộc đời nếu như thảm họa đó đã từng xảy ra ở nơi họ sống.

Trong cuộc họp báo hồi năm ngoái, Giáo sư Naoshi Hirata, lãnh đạo Ủy ban Nghiên cứu Động đất thuộc chính phủ Nhật Bản, cho biết chính tâm lý trên của người Nhật Bản đã giải thích lý do nhiều người lơ là cảnh giác trước các thảm họa. Và khi có động đất, họ lại nói rằng họ “chưa bao giờ nghĩ thảm họa đó sẽ xảy ra trong cuộc đời của mình”.

Đây được xem là mặt trái của tinh thần "shikata ga nai" khi một số người Nhật Bản chọn cách phớt lờ những yêu cầu sơ tán không bắt buộc trong trường hợp xảy ra thiên tai. Họ xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của thảm họa khi so sánh nó với các trận thảm họa từng xảy ra trước đó ở khu vực họ sống.

Các chuyên gia chỉ ra rằng đây chính là lý do giải thích cho việc các trận mưa lớn gây lũ lụt và sạt lở đất gần đây đã khiến ít nhất 225 người thiệt mạng tại Nhật Bản. Ngoài ra, một phần trong tâm lý "shikata ga nai" khiến nhiều người Nhật Bản tin rằng họ có thể bỏ chạy khi thảm họa xảy ra, nhưng kể cả như vậy họ cũng không có nơi để ẩn náu.

Các nhân viên cứu hộ giúp người dân sơ tán sau trận lũ tại Nhật Bản hồi tháng 7 (Ảnh: PA)
Các nhân viên cứu hộ giúp người dân sơ tán sau trận lũ tại Nhật Bản hồi tháng 7 (Ảnh: PA)

Là nơi dễ xảy ra các cơn địa chấn, Nhật Bản chiếm tới 20% số vụ động đất trên thế giới với cường độ thấp nhất khoảng 6 độ Richter. Nhật Bản hứng chịu khoảng 1.500 trận động đất mỗi năm, tuy nhiên phần lớn là những trận động đất nhỏ.

Ngoài ra, đất nước với 126,7 triệu dân này cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn bão. Với 73% địa hình là đồi núi, nhiều khu vực dân cư tại Nhật Bản được xây dựng trên hoặc bên cạnh các sườn núi. Do vậy khi xảy ra sạt lở đất, nhiều ngôi nhà có thể bị cuốn trôi. Trong khi đó, các thành phố tại Nhật Bản thường nằm ven biển hoặc ở vùng trũng, do vậy những khu vực này rất dễ bị ngập lụt.

Nhiều khu vực rộng lớn ở Tokyo nằm dưới mực nước biển. Theo các nhà nghiên cứu địa chấn, 70% khả năng Tokyo sẽ phải hứng chịu một trận động đất với cường độ ít nhất 7 độ Richter trong vòng 30 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo của hãng tư vấn rủi ro RMS nhận định kỹ thuật xây dựng làm tăng tính đàn hồi của các công trình tại Nhật Bản đã giúp giảm thiểu nguy cơ thiệt hại khi thảm họa xảy ra.

Bộ Du lịch, Giao thông, Cơ sở Hạ tầng và Đất đai Nhật Bản đã đề xuất chi 19% ngân sách cho năm tài khóa 2019 để cải thiện cơ sở hạ tầng đã lỗi thời nhằm đối phó với các thảm họa khắc nghiệt.

“Cần thiết phải duy trì những nỗ lực không mệt mỏi để tăng cường sự chuẩn bị ứng phó trước các thảm họa. Không ai tại Nhật Bản được quên một thực tế rằng, chúng ta đang sống trên một quần đảo luôn có xu hướng đối mặt với thảm họa”, bài xã luận trên nhật báo Yomiuri của Nhật Bản viết hôm 31/8.

Thành Đạt

Theo Straitstimes