1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sau Tổng thống Ukraine, ông Trump lại vướng phải lùm xùm điện đàm với Thủ tướng Úc

(Dân trí) - Trong bối cảnh Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ dẫn đầu đã chính thức mở một cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Trump liên quan tới cuộc điện đàm gây tranh cãi với Tổng thống Ukraine, ông chủ Nhà Trắng lại đối mặt với các thông tin bất lợi mới từ cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc.

Sau Tổng thống Ukraine, ông Trump lại vướng phải lùm xùm điện đàm với Thủ tướng Úc - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: AFP/GETTY)

Báo New York Times ngày 30/9 dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên đưa tin, trong một cuộc điện đàm gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Thủ tướng Australia Scott Morrison trợ giúp Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William P. Barr thu nhập thông tin cho một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp mà ông Trump hi vọng có thể làm mất uy tín cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller nhằm vào cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Cụ thể, ông Trump đã thúc giục ông Morrison và Australia trợ giúp Bộ Tư pháp Mỹ điều tra nguồn gốc của cuộc điều tra của ông Muller.

Theo New York Times, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr chính là người đề nghị Tổng thống Mỹ đề cập trực tiếp với Thủ tướng Morrison về vấn đề trên.

Australia đã lên tiếng xác nhận cuộc điện đàm nói trên, và cho biết Thủ tướng nước này đã đồng ý trợ giúp Mỹ.

Cũng theo một trong số nguồn tin trên của New York Times, Nhà Trắng đã hạn chế việc tiếp cận bản ghi ghép cuộc điện đàm cho một nhóm nhỏ quan chức cố vấn của ông Trump. Việc hạn chế như vậy là bất thường và điều này giống với cách xử lý cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7, gây ra những lo ngại rằng đội ngũ nhân viên Nhà Trắng đã cố tình giấu ghi chép các cuộc điện đàm của ông Trump với một số nhà lãnh đạo nước ngoài.

Theo New York Times, cũng giống cuộc điện đàm Trump-Zelensky, cuộc điện đàm giữa ông chủ Nhà Trắng với nhà lãnh đạo Australia có thể là một dấu hiệu nữa cho thấy Tổng thống Mỹ đang dùng ngoại giao cấp cao để hỗ trợ các lợi ích chính trị cá nhân.

Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh Tổng thống Trump đang đối mặt với nguy cơ luận tội liên quan tới cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine. Ông Trump bị cáo buộc đã gây sức ép với ông Zelensky để điều tra đối thủ chính trị Joe Biden trong một cuộc điện đàm bị người tố giác tiết lộ hồi tuần trước. Cuộc điện đàm đã đã khiến đảng Dân chủ khởi động các tiến trình luận tội, và luật sư cá nhân của ông Trump là Rudy Giuliani ngày 30/9 đã nhận được trát hầu tòa.

Cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Muller đã điều tra xem liệu ông Trump có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không. Báo cáo điều tra chính thức, được công bố hồi tháng 4, xác định rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump không phạm tội thông đồng với Nga để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Nhưng báo cáo cũng không nói rằng liệu ông Trump có phạm tội cản trở công lý hay không.

Cuộc điều tra của ông Muller đã khiến ông Trump nổi giận, và Tổng thống Mỹ đã nhiều lần gọi đó là “một cuộc đi săn phù thủy”. Hồi tháng 5, ông Trump thông báo rằng Bộ trưởng Tư pháp William Barr sẽ điều tra xem cuộc điều tra của ông Muller bắt nguồn từ đâu.

Đại sứ Australia tại Mỹ Joe Hockey đã viết thư cho Nhà Trắng ngay sau đó đề nghị trợ giúp trong bất kỳ xem xét nào, theo báo chí Australia.

Chính phủ Australia lên tiếng

Trong một tuyên bố phát đi hôm nay, chính phủ Australia cho biết nước này “luôn sẵn sàng trợ giúp và hợp tác với các nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những vẫn đề đang được điều tra. Thủ tướng nhấn mạnh sự sẵn sàng này một lần nữa”.

Thủ tướng Morrison là một trong những đồng minh quốc tế thân cận nhất của Tổng thống Trump và ông đã được đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức hồi tuần trước.

Theo New York Times, cuộc điều thoại thảo luận về cuộc điều tra của ông Mueller diễn ra ngay trước chuyến thăm nói trên.

Cuộc điều tra về mối quan hệ giữa ông Trump và Nga một phần bắt nguồn từ việc các quan chức Australia liên lạc với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) để trao đổi về những lo ngại của một nhà ngoại giao hàng đầu.

Ông Alexander Downer, từng là Cao ủy của Australia tại Anh, tiết lộ rằng, cựu cố vấn George Papadopoulos của ông Trump đã nói với ông vào tháng 5/2016 rằng Moscow đã có hành động “chơi xấu” đối với bà Hillary Clinton - khi đó là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đối thủ trực tiếp của ông Trump trong cuộc bầu cử.

“Ông ấy nói… rằng Nga có thể tung ra một số thông tin có thể gây bất lợi cho bà Clinton”, ông Downer cho biết với hãng tin ABC của Australia.

Ông Papadopoulos bác bỏ từng thảo luận các chi tiết như vậy. Ông này đã ngồi tù 2 tuần vào năm 2018 sau khi thừa nhận nói dối FBI về các cuộc gặp mà ông từng thực hiện với các nhân vật được cho là làm trung gian cho Nga.

An Bình

Theo NYT, BBC