1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí hạt nhân chiến lược Nga/Mỹ:

Sau “tái sinh” là gì?

(Dân trí) - Hòn đá tảng cho việc kiểm soát vũ chiến lược giữa Mỹ và Nga, START I, đã hết hiệu lực ngày 5/12/2009. Thỏa thuận ảnh hưởng rất lớn đến an ninh thế giới này vừa được Mỹ và Nga tuyên bố "sắp được tái sinh”, nhưng sau tái sinh là gì?

20 năm với một loạt thỏa thuận

Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí hạt nhân chiến lược (START I) được ký tháng 7/1991, trước khi Liên bang Xôviết tan rã, nhưng chỉ có hiệu lực từ tháng 12/1994. Hiệp ước này yêu cầu các bên tham gia cắt giảm đáng kể vũ khí tiến công chiến lược (chủ yếu là đầu đạn hạt nhân, ngoài ra còn có tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom) xuống mức không quá 1.600 phương tiện, đồng thời đề ra thủ tục giám sát quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Mỗi bên tham gia START I cũng được phép duy trì không quá 6.000 đầu đạn hạt nhân. Hiệp ước chính thức có hiệu lực tháng 12/1994. Tại thời điểm ký kết, Liên Xô sở hữu 2.500 phương tiện và 10.271 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 2.246 phương tiện và 10.563 đầu đạn hạt nhân.

Sau “tái sinh” là gì? - 1

Tổng thống Mỹ Bush (cha) và Tổng thống Nga Yelsin ký kết START I -1993

Việc cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược sẽ được thực hiện trong vòng 7 năm. Ngày 6/12/2001, các bên đã tuyên bố thỏa mãn tất cả các điều khoản của hiệp ước. Thời điểm đó, Nga có 1.136 phương tiện và 5.518 đầu đạn; Mỹ có 1.237 phương tiện và 5.948 đầu đạn.

START I cũng hạn chế nghiêm ngặt việc triển khai các lực lượng hạt nhân hiện có – ví dụ như tại các khu vực những hệ thống tên lửa di động có thể được lắp đặt.

Tháng 1/1993, Nga và Mỹ đã ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn hai ( START-2), quy định cắt giảm mạnh số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và số đầu đạn hạn nhân. Trong đó, Mỹ cắt giảm 3.500 đầu đạn hạt nhân; còn Nga cắt giảm 3.000 đầu đạn hạt nhân .Tuy nhiên, Hiệp ước chưa bao giờ được thực thi, và đến năm 2002, Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước này nhằm phản đối việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) ký năm 1972. Tuy nhiên, hai bên đã hoàn thành các điều khoản của START II tương ứng với lợi ích quốc gia của hai nước.

Một tháng trước đó, tại Mátxcơva, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược (SORT) được ký. Điều duy nhất hai bên có thể thỏa thuận là mức cắt giảm tối thiếu các đầu đạn hạt nhân chiến lược sẵn sàng hoạt động (vào khoảng từ 1.700 đến 2.200) vào năm 2002. Mặc dù có mức trần quy định cắt giảm cho mỗi bên vào khoảng 1.700-2.200 đầu đạn, nhưng Hiệp ước không đề cập tới số lượng phương tiện và số đầu đạn trên mỗi phương tiện. Bởi vậy, mỗi nước được tự do quyết định việc cơ cấu các lực lượng hạt nhân của mình. Hiệp ước không đưa ra một cơ chế kiểm soát cho từng bên; thay vào đó, các bên tự hạn chế bằng cách tham khảo START-I và tiến hành họp Ủy ban Thực thi Hiệp ước hai năm một lần.

Đến thời điểm START I hết hạn vào tháng 12/2009, toàn bộ quy định về thanh sát và kiểm tra cũng sẽ dừng lại; các phương tiện, đầu đạn sẽ được tích lũy trong kho vũ khí và khi cần sẽ nhanh chóng trở lại nhiệm vụ chiến đấu.

Sau “tái sinh” là gì? - 2
 
20 năm qua, chỉ có một thỏa thuận cơ bản có hiệu lực, đó là hiệp ước START I

Tất cả những điều trên chứng tỏ rằng trong 20 năm qua, chỉ có một thỏa thuận cơ bản có hiệu lực, đó là hiệp ướcSTART I. Tất cả những thỏa thuận giải giáp hạt nhân khác hoàn toàn hoặc một phần căn cứ vào thỏa thuận này. Trong tháng 7/2009,Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý tiến tới một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý mới thay thế hiệp ước START I vẫn còn có giá trị. Tuy nhiên, hai bên không đáp ứng thời hạn chót để thỏa thuận này có hiệu lực là sau ngày 5/12 năm ngoái.

Ý nghĩa không chỉ với Nga hay Mỹ

Theo các nhà phân tích, một hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí chiến lược luôn là điều cần thiết đối với cả hai bên Mỹ và Nga.

Dưới thời Tổng thống Mỹ George.W Bush, đàm phán về hiệp ước thay thế START I ít đạt tiến bộ. Tuy nhiên, sau khi bước vào Nhà Trắng, Chính quyền Obama đã thay đổi chính sách đối ngoại trước đó của người tiền nhiệm. Do vậy, việc Nga và Mỹ bắt đầu đàm phán về một Hiệp ước mới thay thế START I nằm trong mục tiêu chung được cả Tổng thống Nga D.Medvedev và người đồng cấp Mỹ "bật đèn xanh" tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở London ngày 1/4/2009.

Sau “tái sinh” là gì? - 3

Tổng thống Nga, Mỹ bàn về kế hoạch thay thế START I

Việc ký kết được Hiệp ước sẽ góp phần nâng cao uy tín chính trị không nhỏ của cả hai cường quốc hàng đầu về vũ khí hạt nhân đối với thế giới. Đối với Nga (vốn coi START I là một bước ngoặt trong việc kiểm soát vũ khí sau Chiến tranh Lạnh và cho rằng nếu Hiệp ước này hết hiệu lực mà không có cái thay thế có thể ảnh hưởng xấu đến cân bằng chiến lược), bước giảm tiếp theo của kho vũ khí hạt nhân sẽ giúp họ tiết kiệm được một số lượng đáng kể ngân sách để duy trì và bảo đảm cho hệ thống này. Còn đối với chính quyền Obama, một Hiệp ước mới sẽ là bước đầu tiên trong chương trình kiểm soát vũ khí đầy tham vọng của chính quyền Obama và cần tới sự ủng hộ của Mátxcơva; đồng thời là minh chứng khẳng định về một bộ mặt mới, một thiện chí mới của Mỹ trên trường quốc tế. Tổng thống Obama đã cam kết phấn đấu cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân và muốn tái lập các thể chế không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới

Nga cũng như Mỹ đều coi Hiệp ước mới là cách để “nhấn nút khởi động lại” cho mối quan hệ giữa hai nước vốn bị sứt mẻ bởi một loạt vấn đề như: cuộc chiến Nga-Gruzia, tấm chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu và việc gia nhập NATO của Ukraine và Gruzia... Việc không đạt được mục tiêu này sẽ là bất lợi về mặt ngoại giao, vì các cuộc thương lượng về vấn đề này sẽ là phép thử đầu tiên đối với việc Mátxcơva và Washington hợp tác với nhau như thế nào về những vấn đề phức tạp và chấm dứt di sản thù địch của thời Chiến tranh Lạnh là hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của hai nước luôn sẵn sàng trên bệ phóng.

Việc đạt được một hiệp ước START mới là khả thi vì cả hai bên đều muốn thay thế hiệp ước cũ và tán thành một số mục tiêu. Tuy nhiên, các nhà thương lượng bị thách thức bởi nhiều năm nghi kị lẫn nhau. Cả hai bên đã có rất nhiều bất đồng cần tháo gỡ: bất đồng liên quan đến kế hoạch của Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu, vấn đề cắt giảm số đầu đạn hạt nhân được lưu giữ trong các kho chứa. Mỹ cho biết chỉ sẵn sàng xem xét việc cắt giảm các đầu đạn và vật mang đầu đạn tham gia trực chiến hiện nay. Trong khi đó, phía Nga lại đòi cắt giảm cả những đầu đạn đang được lưu giữ trong các kho chứa.

Nếu START mới được ký, thì sau 7 năm Mỹ sẽ duy trì khoảng 800 vật phóng và Nga sẽ có ít nhất 600 phương tiện phóng. Về tên lửa chiến lược thì hai bên sẽ duy trì số lượng ngang nhau. Ngoài ra, với việc hạn chế nghiêm ngặt vũ khí chiến lược của Nga và Mỹ, các lực lượng hạt nhân của một số nước như Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakixtan và Ấn Độ sẽ trở thành tâm điểm chú ý. Vai trò hạt nhân của những nước này sẽ gia tăng đáng kể. Để so sánh, số phương tiện phóng tên lửa đạn đạo chiến lược hiện có ở các cường quốc hạt nhân như sau: Trung Quốc - dưới 100 đơn vị, Pháp có gần 300 đơn vị và Anh có dưới 200 đơn vị.

Nguyễn Viết
Tổng hợp