1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sau “quan ngại” là hành động?

Các vấn đề “nóng” hiện nay, trong đó có tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông, đã được các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đề cập và nhấn mạnh trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tổ chức đầu tuần này.

Sau “quan ngại” là hành động?
Việc đưa an ninh hàng hải và tranh chấp biển tại khu vực vào Tuyên bố chung là một điểm nhấn trong Hội nghị G7 năm nay

Đây không phải là lần đầu tiên các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông được đưa vào văn bản cuối cùng của Hội nghị nhóm G7. Vấn đề an ninh hàng hải và các tranh chấp tại hai vùng biển quan trọng này lần đầu tiên được đề cập thành một tuyên bố riêng biệt tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra hồi tháng Tư.

Rõ ràng, tình hình khu vực đã có nhiều dấu hiệu căng thẳng khiến các nước lớn phải lên tiếng. Từ cuối tháng Năm vừa qua, Mỹ xác nhận Trung Quốc đã chuyển vũ khí đến một đảo nhân tạo nước này đang xây dựng. Tiếp đó, đầu tháng Sáu, thái độ quyết liệt của Trung Quốc trước việc Mỹ triển khai máy bay tuần tra ở Biển Đông khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xung đột ở khu vực. Căng thẳng gia tăng nhưng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, vấn đề an ninh hàng hải và tranh chấp trên biển trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 là điều dễ hiểu.

Trong Tuyên bố chung, G7 đã nhấn mạnh cần duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi quan ngại về những căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, cũng như việc sử dụng các vùng biển trên thế giới một cách tự do và đúng pháp luật. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc đe dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực, cũng như bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, chẳng hạn việc xây đắp đảo quy mô lớn”.

Bản tuyên bố này đã không trực tiếp đề cập Trung Quốc, dù nói đến những hành động xây dựng bãi đá, đảo nhân tạo của quốc gia này. Việc tránh “chỉ mặt đặt tên” cho thấy các “ông lớn” phương Tây cũng muốn né tránh những va chạm, đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc G7 lên tiếng phản đối những hành động đơn phương trái luật pháp quốc tế thay vì chỉ trích Trung Quốc cũng nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả các bên có liên quan tới tranh chấp tại Biển Đông, Biển Hoa Đông rằng không chỉ Trung Quốc mà bất cứ hành động nhằm thay đổi hiện trạng bất hợp pháp của bất kì quốc gia nào cũng sẽ đều nhận được sự phản đối từ G7.

Bản tuyên bố chung đã thể hiện nỗ lực của các lãnh đạo nhóm G7muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế về biển và nguyên trạng khu vực. Việc đưa vấn đề an ninh hàng hải và các tranh chấp biển tại khu vực vào tuyên bố chung là một điểm nhấn trong Hội nghị lần này cho thấy lo ngại ngày càng tăng của nhóm G7 đối với những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực.

G7 gồm các nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới có thể được coi là những “ông lớn” có khả năng “cầm cân nảy mực” trong trật tự thế giới hiện nay. Những điểm nóng và các vấn đề quốc tế nổi cộm hiện nay đều cần có sự hợp tác và hỗ trợ giải quyết từ các quốc gia này. Bởi thế, trong Tuyên bố chung, G7 cũng đã nỗ lực đưa ra định hướng giải quyết các xung đột đang nổi cộm như cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề hạt nhân của Iran, xung đột ở Trung Đông, vấn đề Bắc Triều Tiên, Libya, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và môi trường...

Như vậy, với vai trò là những “anh cả” trong hệ thống quốc tế đương đại, các nước G7 phải gánh vác trách nhiệm duy trì hoà bình, ổn định của thế giới, trong đó có khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi tiềm tàng những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Sự phát triển của Trung Quốc sẽ không khiến cho Mỹ, Nhật và các nước phương Tây lo ngại nếu như đó thực sự là sự “trỗi dậy hoà bình”. Mặc dù Trung Quốc là một cường quốc có sức ảnh hưởng bậc nhất tại khu vực và cũng là đối tác kinh tế lớn đối với Mỹ và các nước phương Tây nhưng những hành động đơn phương đầy quyết đoán của Trung Quốc tại khu vực đã thách thức vai trò đầu tàu của các quốc gia G7 trong việc duy trì luật lệ cuộc chơi tại châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. “Nhắm mắt cho qua” để Trung Quốc tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các quốc gia khác và sẽ dẫn tới nguy cơ khó lường hơn đối với an ninh khu vực và quốc tế khi luật chơi hiện hành bị phá vỡ.

Hy vọng rằng G7 “nói được sẽ làm được” và phát huy vai trò của mình nhằm bảo vệ an ninh đem lại hoà bình và ổn định cho khu vực và thế giới.

Theo Vũ Anh
Thế giới và Việt Nam