1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sắp đến thời "đi mây về gió"

Một chuyến đi từ TP New York - Mỹ đến TP Thượng Hải - Trung Quốc sẽ chỉ mất 39 phút nếu tham vọng của tỉ phú Elon Musk thành hiện thực

Bất kỳ địa điểm nào trên trái đất cũng có thể mất chưa đến 1 giờ đi lại nếu tỉ phú người Mỹ Elon Musk biến kế hoạch được công bố gần đây thành hiện thực.

Tốc độ 28.000 km/giờ

Tỉ phú Elon Musk tin tưởng loại tên lửa mới mà Công ty SpaceX định chế tạo - gọi là BFR - có tiềm năng đưa con người lên sao Hỏa, cũng như dẫn đến cuộc cách mạng giao thông mới. Với tốc độ tối đa gần 28.000 km/giờ, tên lửa này hứa hẹn những chuyến đi nhanh đến chóng mặt.

Trong tương lai (dù chưa rõ khi nào), theo niềm tin của ông Musk, một chuyến đi từ TP New York - Mỹ đến TP Thượng Hải - Trung Quốc chỉ mất 39 phút, từ New York đến thủ đô London - Anh có thể kéo dài 29 phút, từ Hồng Kông đến Singapore 22 phút, từ TP Los Angeles - Mỹ đến TP Toronto - Canada 24 phút…

Trong nhiều năm, tỉ phú Elon Musk ấp ủ giấc mơ thuộc địa hóa sao Hỏa, thể hiện qua bước đi thành lập Công ty SpaceX năm 2002. Hóa ra, tham vọng của ông không dừng lại ở việc giúp xây một thành phố trên hành tinh đỏ. Cuối tháng rồi, ông bất ngờ tiết lộ BFR có thể được sử dụng để lập căn cứ trên mặt trăng và đưa con người đi đến bất kỳ đâu trên trái đất trong vòng chưa đến 1 giờ. Kế hoạch này được xem là bản cập nhật cho những gì được công bố 1 năm trước đó, thời điểm ông Musk hé lộ nỗ lực giúp con người sống trên nhiều hành tinh khác nhau.


Tỉ phú Elon Musk công bố tham vọng phát triển loại tên lửa giúp con người đi lại siêu nhanh trên trái đất tại một sự kiện ở Úc vào tháng rồi Ảnh: REUTERS

Tỉ phú Elon Musk công bố tham vọng phát triển loại tên lửa giúp con người đi lại siêu nhanh trên trái đất tại một sự kiện ở Úc vào tháng rồi Ảnh: REUTERS

Đóng vai trò quyết định đến thành bại của dự án là BFR, loại tên lửa có đường kính 9 m và khả năng tái sử dụng. Tên lửa này được thiết kế để đưa người, vệ tinh và hàng hóa trong đủ loại sứ mệnh trong vũ trụ với điểm đến trải dài từ Trạm Không gian quốc tế (ISS) tới mặt trăng, sao Hỏa. Điểm nhấn của hệ thống là một tàu không gian (gồm 40 cabin, đủ chỗ cho khoảng 100 người/chuyến) được kỳ vọng đi đến bất kỳ đâu trên hành tinh này. Thêm một hứa hẹn hấp dẫn khác đến từ ông Musk: Giá vé đi tên lửa chỉ tương đương hàng không phổ thông.

Kể từ khi ra đời, SpaceX không chỉ gây xáo trộn mà còn khơi lại sự quan tâm đến ngành công nghiệp không gian. Dù vậy, công ty này cho đến giờ vẫn chưa đưa người nào lên không gian chứ chưa nói đến sao Hỏa. Ngay cả khi sứ mệnh đưa người lên hành tinh đỏ diễn ra vào năm 2024 như mục tiêu của ông Musk, việc đi lại giữa các thành phố bằng tên lửa sẽ đối mặt không ít trở ngại về công nghệ và luật lệ.

Một thách thức khác, như Tạp chí Fortune chỉ ra, là hiện chưa chắc có thị trường tiềm năng nào cho loại hình đi lại với tốc độ siêu cao nêu trên hay không - thể hiện rõ qua số phận hẩm hiu của máy bay siêu thanh Concorde. Chưa hết, đi lại ở tốc độ "khủng" gây sức ép không nhỏ lên cơ thể người - vốn không được đào tạo kỹ như phi hành gia. Trở ngại cuối cùng là vấn đề an toàn: cứ 20 vụ phóng tên lửa lên không gian thì có 1 vụ thất bại (so với tỉ lệ 1/500.000 chuyến bay gặp nạn).

Lướt như bay trong ống chân không

Trong lúc tương lai cuộc cách mạng giao thông nêu trên còn là dấu hỏi lớn, ít ra ông Musk có thể hài lòng khi thấy một cuộc cách mạng khác, diễn ra sớm hơn, tiếp tục phát đi tín hiệu lạc quan.

Vào tuần rồi, tỉ phú người Anh Richard Branson thông báo bỏ tiền đầu tư vào Hyperloop One - một công ty khởi nghiệp đang phát triển hệ thống giao thông tốc độ cao theo ý tưởng của ông Musk. Theo một phần thỏa thuận, công ty sẽ đổi tên thành Virgin Hyperloop One và ông Branson có tên trong hội đồng quản trị doanh nghiệp.

"Sau khi đến thăm địa điểm thử nghiệm của Hyperloop One ở bang Nevada - Mỹ vào mùa hè qua, tôi tin rằng công nghệ đột phá này sẽ thay đổi toàn diện ngành giao thông vận tải và giảm bớt đáng kể thời gian đi lại" - ông Branson giải thích cho động thái đầu tư mới nhất của mình.

Năm 2013, ông Musk thách thức các doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng tạo ra một đường ống chân không khổng lồ với hy vọng một ngày nào đó có thể vận chuyển con người từ TP Los Angeles đến TP New York trong vòng 45 phút. Công nghệ này được tác giả sáng kiến ví von là "sự giao thoa giữa một khẩu súng điện từ, máy bay siêu thanh Concorde và một bàn khúc côn cầu đệm không khí".

Hyperloop One là một trong số không nhiều doanh nghiệp ra đời để theo đuổi ý tưởng trên với một trong những nhà sáng lập là Shervin Pishevar, bạn của ông Musk. Trước khi nhận sự hậu thuẫn của tỉ phú Branson, Hyperloop One thu hút được khoản đầu tư 200 triệu USD. Đầu năm nay, công ty đã hoàn thành tuyến đường chạy thử nghiệm đầu tiên bên ngoài TP Las Vegas.

Trong cuộc thử nghiệm gần đây, theo đài BBC, một tàu nguyên mẫu đạt tốc độ 310 km/giờ bên trong một ống áp suất thấp dài 500 m. Mục tiêu cuối cùng của dự án là chinh phục tốc độ 1.046 km/giờ. Hệ thống này sử dụng công nghệ nâng bằng từ trường và đẩy bằng điện để giúp tàu lướt đi trong ống.

Trong khi đó, tỉ phú Musk cũng đang tham gia một dự án giao thông tốc độ cao khác thông qua một công ty do ông thành lập cuối năm 2016. Công ty có tên gọi The Boring Company này đang xây dựng một mạng lưới đường hầm cho phép đi lại nhanh hơn giữa các thành phố và giúp giảm ùn tắc giao thông.

Hồi tháng 7 qua, doanh nhân nhiều tham vọng này tiết lộ trên Twitter rằng nhà chức trách vừa chấp thuận "bằng miệng" đối với dự án xây một mạng lưới đường ngầm mới dành cho tàu siêu tốc Hyperloop nối liền TP New York và thủ đô Washington, cho phép thời gian đi lại giữa 2 địa điểm cách nhau 370 km này chỉ khoảng 29 phút.

Theo Phương Võ

Người lao động