1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Sập bẫy nợ "Vành đai và Con đường"

Nhiều nước châu Âu chỉ trích BRI cản trở thương mại tự do và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Người đứng đầu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 3-5 cảnh báo các khoản vay thiếu bền vững cho các dự án hạ tầng thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc có thể khiến nhiều quốc gia mắc kẹt trong bẫy nợ.

Nợ chồng nợ

Đánh giá BRI của Bắc Kinh là một chương trình mấu chốt để kết nối các khu vực và mở rộng hội nhập cũng như hợp tác xuyên suốt châu Á, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết tổ chức này sẽ hợp tác với nền kinh tế số hai thế giới khi thích hợp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự cẩn trọng đối với việc vay nợ quá đà để khỏa lấp những khoảng trống hạ tầng. "Nếu các nước vay mượn quá nhiều để phát triển hạ tầng mà không xem xét nghiêm túc tính khả thi và khả năng sinh lợi thì vấn đề trả nợ sẽ vấp phải nhiều rắc rối hơn" - ông Nakao nói trong cuộc họp báo nhân cuộc họp thường niên lần thứ 51 của ADB tại trụ sở ở thủ đô Manila - Philippines.

Lời cảnh báo của lãnh đạo ADB cũng đồng điệu với những lo ngại của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde về các chính sách tài chính rủi ro. Hồi tháng 4, người đứng đầu của IMF nói tại một hội nghị ở Trung Quốc rằng BRI có thể mang lại gánh nặng nợ nần lớn hơn cho những quốc gia đang bị nợ công bủa vây. "Những nước có mức nợ công cao cần thận trọng với điều khoản vay tiền. Điều đó sẽ bảo vệ cả Trung Quốc và các nước đối tác khỏi những thỏa thuận có thể gây ra khó khăn tài chính trong tương lai" - bà Lagarde khuyên.

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013 nhằm phát triển các cơ sở hạ tầng trị giá 8.000 tỉ USD dọc các tuyến đường thương mại giữa châu Á và châu Âu. Theo báo cáo hồi tháng 3 của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD, trụ sở ở thủ đô Washington - Mỹ), 23 nước đối mặt nguy cơ cao về nợ nần xuất phát từ BRI. Trong số này, 8 quốc gia thuộc diện đáng lo ngại gồm Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.


Cảng Hambantota ở Sri Lanka - được xây dựng bằng tiền vay Bắc Kinh - đã phải chuyển giao quyền kiểm soát cho một công ty quốc doanh của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Cảng Hambantota ở Sri Lanka - được xây dựng bằng tiền vay Bắc Kinh - đã phải chuyển giao quyền kiểm soát cho một công ty quốc doanh của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Châu Âu lo ngại

Theo báo cáo của CGD, nguy cơ nợ cao một phần là do các vấn đề trong cách Trung Quốc giải quyết nợ trong quá khứ. "Không như các nước chủ nợ hàng đầu khác trên thế giới, Trung Quốc đã không ký kết một bộ luật ràng buộc để tránh cho vay không bền vững và giải quyết các vấn đề nợ phát sinh" - CGD nhấn mạnh.

Giới chuyên gia đã không ít lần cảnh báo các nước nhỏ láng giềng về cơn ác mộng nợ nần mà họ phải đối mặt từ giấc mộng toàn cầu của Trung Quốc. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển của châu Âu cũng phản ứng BRI, vốn bị cáo buộc là bất công. Báo Handelsblatt của Đức hôm 20-4 đưa tin 27/28 đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh, trừ Hungary, đã ký vào văn kiện chỉ trích BRI cản trở thương mại tự do và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Quan ngại của châu Âu về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại lục địa này có thể phủ bóng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU, dự kiến diễn ra vào tháng 7. Dù hai bên có quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ nhưng EU không ngại chỉ trích vai trò của Trung Quốc tại các nước thành viên như Hy Lạp, Hungary và CH Czech cũng như thái độ của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ.

Theo chuyên gia Jan Weidenfeld của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức), nhiều nước đã tỉnh ngộ sau những hy vọng ban đầu rằng BRI có thể đổ tiền vào những dự án hạ tầng mới. Thế nhưng, Bắc Kinh thực ra chỉ dán nhãn lại một số dự án hiện tại thành một phần của BRI. "Có rất nhiều hứa hẹn đầu tư và cấp vốn và rất ít trong số đó thực sự mang đến kết quả" - ông Weidenfeld chỉ rõ.

Theo Thu Hằng

Người lao động