1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Quốc tế khẩn cấp cứu trợ Nepal sau động đất kinh hoàng

(Dân trí) - Trước sức tàn phá ghê gớm của trận động đất ngày 25/4, chính phủ Nepal đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại vùng bị ảnh hưởng, và kêu gọi quốc tế hỗ trợ. Mỹ, Ấn Độ cùng nhiều nước đã lập tức điều động nhân lực và hàng hóa thiết yếu tới giúp người bị nạn.

Theo AFP, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ đang cử một đội hỗ trợ tới Nepal và cho phép chi 1 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp.

Cơ quan này “đang triển khai một đội DART (cứu trợ thảm họa) tới ứng phó và duyệt một khoản chi ban đầu 1 triệu USD để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết”, Chánh văn phòng hỗ trợ thảm họa nước ngoài Jeremy Konyndyk chia sẻ trên Twitter.

Ấn Độ đã điều động nhiều nhân viên cứu hộ và hàng hóa thiết yếu tới Nepal (Ảnh: Times of India)
Ấn Độ đã điều động nhiều nhân viên cứu hộ và hàng hóa thiết yếu tới Nepal (Ảnh: Times of India)

Hệ thống y tế của Nepal hiện đang trở nên quá tải bởi số người cần điều trị quá lớn. Theo phóng viên AFP tại hiện trường, nhiều bệnh viện ở thủ đô Kathmandu đang phải chưa trị bệnh nhân ngay trên đường phố.

Trước đó Phó Thủ tướng Nepal Bamdev Gautam đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo.

Ấn Độ là nước đầu tiên đã cử phái đoàn cứu trợ tới giúp quốc gia láng giềng. Người phát ngôn Bộ quốc phòng Ấn Độ xác nhận một máy bay vận tải mang theo các nhân viên cứu hộ đã tới thủ đô Nepal.

"Chuyến bay đầu tiên của Ấn Độ mang theo 39 nhân viên cứu hộ và vận dụng cứu trợ đã tới Kathmandu. Thêm hai máy bay nữa với 259 nhân viên cứu hộ, chó nghiệp vụ và hơn 40 tấn hàng cứu trợ đã cất cánh tới Kathmandu. Hai trực thăng quân sự của Ấn Độ đã phải trở lại căn cứ do thời tiết xấu".

Sức tàn phá của trận động đất ngày 25/4 là rất khủng khiếp (Ảnh: AFP)
Sức tàn phá của trận động đất ngày 25/4 là rất khủng khiếp (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết London đang liên hệ chặt chẽ với Kathmandu, trong khi địa sứ quán Anh tại đây đang hỗ trợ cho chính quyền và các công dân Anh.

Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định Pháp sẵn sàng đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của Nepal về “viện trợ và hỗ trợ”.

Ông Hollande bày tỏ “sự đoàn kết của Pháp với chính quyền và người dân Nepal” sau trận động đất kinh hoàng, thông cáo của điện Elysee cho biết.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước đó chia sẻ trên trang Twitter của mình rằng đã điện đàm với người đồng cấp phía Nepal để đề nghị hỗ trợ. “Tôi đã nói chuyện với thủ tướng Sushil Koirala, người đang quá cảnh tại Bangkok trên đường tới Kathmandu. Chúng tôi cam kết mọi hỗ trợ và giúp đỡ trong thời khắc khó khăn này”.

Giám đốc quốc gia Cecilia Keizer của tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Nepal cho biết thông tin liên lạc hiện rất khó khăn.

“Các tuyến đường điện thoại bị đổ gãy, còn điện bị cắt khiến việc xạc pin điện thoại di động khó khăn. Nước cũng bị cắt. Số người chết đang tiếp tục tăng. Oxfam đang chuẩn bị để hỗ trợ phân phát nước sạch và thực phẩm cứu trợ”, bà Keizer chia sẻ. “Hàng nghìn người đang tập trung ở các bãi đất trống và lo sợ bởi đã có nhiều dư chấn”.

Trong khi đó tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Anh ra thông cáo kêu gọi quyên góp khẩn cấp, sau khi bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về số phận trẻ em tại Nepal sau động đất.

“Một trận động đất cường độ mạnh như vậy sẽ gây thương vong lớn, làm đổ nhà cửa, phá hủy đường sá, cơ sở hạ tầng. UNICEF đã có mặt và đánh giá những việc cần làm ngay để đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng. Thông tin liên lạc đang gián đoạn và chúng tôi chưa có một bức tranh toàn cảnh về thiệt hại, nhưng chúng tôi lo sợ có nhiều người chết và nhà cửa bị phá hủy”, thông cáo viết.

Thanh Tùng
Theo AFP