1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc hội Mỹ lần đầu bác bỏ phủ quyết của Tổng thống Obama về dự luật 11/9

(Dân trí) - Quốc hội Mỹ ngày 28/9 đã bỏ phiếu áp đảo lật ngược phủ quyết của Tổng thống Barack Obama liên quan đến dự luật cho phép gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 kiện chính phủ Ả rập Xê út.

Thượng viện Mỹ bỏ phiếu hôm 28/9 về quyết định phủ quyết của Tổng thống Obama. (Ảnh: C-SPAN2)
Thượng viện Mỹ bỏ phiếu hôm 28/9 về quyết định phủ quyết của Tổng thống Obama. (Ảnh: C-SPAN2)

Đây là lần đầu tiên trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama bị quốc hội Mỹ bác bỏ phủ quyết mà ông từng đưa ra trước đó liên quan tới dự luật cho phép gia đình nạn nhân vụ khủng bố 11/9 kiện chính phủ Ả rập Xê út.

Theo đó, tỷ lệ phiếu phản đối quyết định phủ quyết của Tổng thống Obama tại Thượng viện là 97/1, còn tại Hạ viện là 348/77, trong đó có nhiều thành viên của đảng Dân chủ cũng không đồng ý với quyết định của tổng thống.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng đây là “điều đáng xấu hổ nhất mà Thượng viện đã làm kể từ năm 1983”, ám chỉ tới lần gần nhất mà thượng viện Mỹ bác bỏ phủ quyết của tổng thống đương nhiệm.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Charles Schumer, một lãnh đạo cao cấp của đảng Dân chủ, cho rằng: “Việc bác bỏ quyết định phủ quyết của tổng thống không phải là điều mà chúng tôi xem nhẹ. Tuy nhiên, điều quan trọng trong trường hợp này đó là gia đình các nạn nhân của vụ 11/9 phải được cho phép theo đuổi công lý, kể cả trong trường hợp điều này có thể dẫn đến những rắc rối về ngoại giao”.

Dự luật mang tên “Công lý chống lại hành động bảo trợ khủng bố” (JASTA) cho phép gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 được kiện chính phủ Ả rập Xê út và các nước liên quan tới khủng bố tại các tòa án Mỹ một cách hợp pháp.

Trước đó, Tổng thống Obama đã phủ quyết dự luật sau khi nó được quốc hội Mỹ thông qua. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng dự luật này, nếu có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh của Mỹ cũng như làm tổn hại đến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Ả rập Xê út. Hơn nữa, nếu cho phép gia đình các nạn nhân kiện Ả rập Xê út thì các lợi ích, quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.

Theo BBC, 15 trên tổng số 19 tên không tặc trong vụ tấn công vào hai tòa tháp đôi của Mỹ trong ngày 11/9/2001 có quốc tịch Ả rập Xê út nhưng chính phủ nước này từ lâu đã bác bỏ cáo buộc có liên quan đến vụ khủng bố khiến hơn 3.000 thiệt mạng tại Mỹ.

Thành Đạt

Theo Washington Post