1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân đội Nga phát triển lá chắn thiên thạch

(Dân trí) - Lực lượng phòng không Nga sẽ phát triển một loạt các biện pháp nhằm bảo vệ nước Nga khỏi các sao băng và các thiên thể nguy hiểm khác, một quan chức quân sự cấp cao của nước này ngày 21/2 khẳng định.

 
Hố lớn trên hồ băng Chebarkul được cho là do thiên thạch trong vụ mưa sao băng ở Nga gây ra.

Hố lớn trên hồ băng Chebarkul được cho là do thiên thạch trong vụ mưa sao băng ở Nga gây ra.
 

Theo Thiếu tướng không quân Igor Makushev, tư lệnh quận quân sự miền tây của Nga, “Lực lượng phòng không đã được chỉ đạo xử lý vấn đề này và phải đưa ra kế hoạch bảo vệ Nga khỏi những “vị khách vũ trụ”.

 

Tuyên bố được đưa ra sau khi một sao băng tiến vào bầu khí quyển trái đất mà không hề bị một thiết bị theo dõi vũ trụ nào hiện có phát hiện.

 

Sao băng đã phát nổ trên bầu trời vùng núi Ural của Nga vào hôm thứ sáu tuần trước, tạo ra sóng xung kích thổi bay các cửa kính và làm hư hại hàng ngàn tòa nhà quanh thành phố Chelyabinsk. Ngoài ra 1.200 người cũng bị thương, trong đó có 52 người phải nhập viện.

 

NASA ước tính sao băng có đường kính khoảng 15m khi tiến vào bầu khí quyển trái đất, và lao đi với vận tốc vượt vận tốc âm thanh rồi phát nổ thành một quả cầu lửa rực sáng hơn cả mặt trời.

 

“Không có một hệ thống nào hiện tại, của cả Nga và Mỹ, phát hiện thấy thiên thể này cho đến khi nó tiến vào bầu khí quyển”, giám đốc Viện Vũ trụ thuộc Học viện khoa học Nga Boris Shustov ngày 21/2 cho hay.

 

Các nhà khoa học cho rằng không thể quan sát thấy sao băng khi nó đi từ hướng mặt trời, trong khi các radar được thiết lập phát hiện các vật thể bay với vận tốc nhất định.

 

Ông Shustov cũng cho biết giới khoa học Nga ước tính năng lượng phát ra vào thời điểm sao băng nổ tương đương với ít nhất 500kiloton.

 

Cũng theo ông, giới du hành vũ trụ đã phát hiện và phân loại được chỉ 2% các vật thể vũ trụ có khả năng gây nguy hiểm có đường kính khoảng 50m – tức có khả năng gây ra thảm họa lớn hơn sự kiện nổ sao băng Tunguska.

 

“Đó là dấu hiệu chứng tỏ sự thờ ơ của chúng ta. Chúng ta phải theo dõi được ít nhất 90% các vật thể đó, chứ chưa nói đến tất cả”, ông Shustov cho biết.

 

Vũ Quý

Theo Ria Novosti