1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân đội Mỹ thực hiện “xoay trục” sang châu Á như thế nào?

(Dân trí) - Chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á của Mỹ đồng nghĩa với việc hải quân nước này phải gánh vác trọng trách lớn hơn.

Quân đội Mỹ thực hiện “xoay trục” sang châu Á như thế nào?


Nhưng trước khi trục được xoay, hải quân Mỹ đã đồn trú một nửa số tàu của mình ở khu vực và đang phát triển một “căn cứ nổi tiền tuyến” ở Thái Bình Dương.
 

Tại hội nghị an ninh cấp cao của châu Âu ở Munich, Đức, vào tháng này, ông Ashton Carter, nhân vật số hai của Lầu Năm Góc, đã tái trấn an các đồng minh NATO cùng các đồng minh khác rằng, chính sách chuyển hướng tập trung của Mỹ vào châu Á không có nghĩa là bỏ rơi hay quay lưng với châu Âu.

 

“Châu Á không có NATO, không có cách liên kết các nước với nhau và hàn gắn vết thương của Thế chiến II”, ông Carter giải thích về bối cảnh trục xoay của Mỹ. “Thật may châu Âu là cội nguồn của an ninh và không phải là “khách hàng” của an ninh trong thế giới ngày nay”.

 

Củng cố quan hệ với các đối tác mới nổi

 

Trên thực tế, quân đội Mỹ đang nhắm tới mục đích vừa củng cố quan hệ với các đối tác kinh tế mới nổi trong khu vực vừa hiện diện với tư cách đối trọng với các đối thủ quyền lực, mà nổi bật nhất là Trung Quốc.

 

Bộ trưởng Quốc phòng mãn nhiệm của Mỹ Leon Panetta từng nói rằng trục xoay chiến lược của Lầu Năm Góc được hối thúc trước nhận thức an ninh của nước Mỹ trong thế kỷ 21 “sẽ gắn với an ninh và thịnh vượng của châu Á hơn bất kỳ khu vực nào trên trái đất này”.

 

Sự chuyển hướng cũng là sự chuyển hướng đối với hoạt động điều quân, đặc biệt là khi các cuộc chiến kéo dài hàng thập niên của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đi tới hồi kết. Vào thời điểm trước, bộ binh và lính thủy đánh bộ được “trọng dụng”. Giờ đây là thời “hoàng kim” của hải quân.

 

Hiện nay, một nửa tàu của hải quân Mỹ đã đồn trú ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà theo đô đốc Jonathan Greenert, người đứng đầu các hoạt động hải quân, là nhằm giúp Mỹ xây dựng các mối quan hệ trong khu vực, cũng như trấn an được các đồng minh.

 

Thậm chí khi đe dọa cắt giảm quốc phòng hiện hữu, buộc hạm đội tàu sân bay của hải quân Mỹ đối mặt với kêu gọi cắt giảm từ 11 xuống 10 chiếc, ông Panetta đã phản đối mạnh vì cho rằng cần phải có một hải quân “có thể xuyên thủng được phòng thủ của kẻ thù”.

 

Lầu Năm Góc cũng dự định đổ tiền của vào phát triển một “căn cứ tiền tuyến nổi” mới ở Thái Bình Dương, có thể được sử dụng cho mọi hoạt động từ chống cướp biển tới rà phá bom mìn tới các sứ mệnh của Lực lượng đặc nhiệm.

 

Có lẽ ồn ào nhất là việc triển khai 250 lính thủy đánh bộ Mỹ tới Darwin, Australia, vào tháng 4, và lời hứa triển khai tới tận 2.500 binh sỹ vào bất kỳ thời gian nào trong những năm tới. Ngoài ra, khoảng 85.000 binh sỹ Mỹ hiện đang đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Obama gọi việc triển khai quân mới tới Australia “là cần thiết để duy trì kiến trúc an ninh khu vực” và “cho phép chúng tôi có thể phán ứng nhanh hơn”, “đáp ứng yêu cầu của rất nhiều đối tác trong khu vực”.

 

Những đối tác này gồm các cường quốc kinh tế đang nổi ở Đông Nam Á, như Thái Lan – nước có “vị trí đặc biệt quan trọng”, do giáp giới với Myanmar, Malaysia và Việt Nam. “Họ có tiềm lực quân sự rất đáng tin cậy và đáng hoan nghênh”, tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ cho hay.

 

Sự dịch chuyển của quân đội Mỹ cũng được xem là nhằm đối trọng về sức mạnh với các đối thủ khác trong khu vực. Cựu lãnh đạo Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ năm ngoái từng cho rằng cần phải “để mắt” tới hoạt động của Nga ở Thái Bình Dương. Việc Nga “gia tăng hoạt động hải quân và lực lượng không quân chiến lược, các hoạt động không gian cùng hoạt động bán vũ khí khắp châu Á-Thái Bình Dương đang cho thấy sự tập trung” của nước này vào khu vực, đô đốc Robert Willard đánh giá.

 

Sau đó, là mối đe dọa từ Triều Tiên, mặc dù hầu hết các nhà phân tích quân sự cho rằng trục xoay của Mỹ tới Thái Bình Dương có ít liên quan đến chính quyền nước này.

 

“Trục xoay” đối phó với Trung Quốc như thế nào?

 

Tuy nhiên, rõ ràng Lầu Năm Góc luôn đinh ninh trong đầu về một cường quốc đang lên khi chuyển hướng trục xoay: Trung Quốc. Giới chức quân sự cấp cao Mỹ từ lâu đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc tập trung phát triển các hệ thống không người lái, cũng như khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, phòng thủ tên lửa, tàu ngầm ngày một mạnh của nước này.

 

Các nhà phân tích quân sự nhấn mạnh triển khai quân tới Australia đã được lên kế hoạch từ trước, song ông Obama đã dùng công bố về nó làm cơ hội để gửi thông điệp tới Trung Quốc.

 

“Đó là vấn đề của DOD (Bộ quốc phòng), nhưng Nhà Trắng đã nắm lấy nó và là cơ quan công bố nó”, Michael Green, phó chủ tịch phụ trách châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington cho hay. Theo ông, công bố của Obama cũng khiến trục xoay châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền ông mang sức nặng quân sự.

 

Tiến sỹ Ratnercho rằng trục xoay châu Á-Thái Bình Dương cũng có những khó xử riêng. “Có lẽ câu hỏi lớn nhất là làm thế nào chúng ta hòa hợp được giữa thực thế chúng ta đang làm sâu sắc mối quan hệ an ninh với các đối tác trong khu vực với mục tiêu cũng quan trọng không kém là duy trì mối quan hệ ổn định với Trung Quốc”, ông cảnh báo. “Khi chúng ta củng cối mối quan hệ này với các nước khác, Trung Quốc ngày càng trở nên bấp bênh hơn”.

 

“Tính toán sai lầm giữa hai đội quân lớn là điều bạn không muốn”, đô đốc Samuel Locklear III, nhấn mạnh khi ông tiếp quản Bộ chỉ huy Thái Bình Dương năm ngoái. Trung Quốc là “một cường quốc đang lên và chúng ta là một cường quốc đã trưởng thành”, ông cho hay. “Họ nổi lên như thế nào và chúng ta khuyến khích họ như thế nào sẽ là chìa khóa quan trọng cho cả Mỹ và Trung Quốc”.

 

Cách tiếp cận của Mỹ cũng bao gồm một số nỗ lực trấn an Trung Quốc. Phát biểu trước hơn 300 binh sỹ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa trong chuyến công du vào tháng 9 năm ngoái, ông Panetta cho rằng “trách nhiệm của các bạn là giúp mối quan hệ Mỹ-Trung tiến lên”, mặc dù ông cũng thừa nhận “thiếu sự tin tưởng chiến lược” giữa hai nước.

 

Khi trục xoay dịch chuyển, David Helvey, quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách Đông Á, hồi tháng 5 năm ngoái cảnh báo mục đích bao trùm phải bao gồm: Không được lơ là cảnh giác trước những tiến bộ quân sự của Trung Quốc. “Chúng ta đã chứng kiến những bằng chứng trong quá khứ. Trung Quốc đã phát triển những hệ thống vũ khí có vẻ như là nhanh hơn những gì chúng ta dự đoán. Trong quá khứ, chúng ta đã bị bất ngờ”, ông cho hay.

 

Vũ Quý

Theo CSM