1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây tức tối trước hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga

(Dân trí) - Phản ứng sau khi Tổng thống Nga Putin chính thức phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga, dư luận phương Tây đều tỏ ra tức giận, và cáo buộc Nga phá vỡ luật pháp quốc tế. Trong khi đó Tổng thống Argentina lại đứng ra bênh vực Nga.

Ngày 18/3, Tổng thống Nga Putin đã chính thức phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào liên bang Nga, đánh dấu sự trở về của vùng lãnh thổ này sau hơn nửa thế kỷ được chính phủ Liên Xô cũ tặng cho Ukraine năm 1954.

Crimea đã trở thành một phần của lãnh thổ Nga
Crimea đã trở thành một phần của lãnh thổ Nga

Trong phát biểu của mình, ông Putin tuyên bố Crimea “đã luôn là một phần không thể tách rời của Nga”.

Tuy nhiên, diễn biến này đã khiến các nước phương Tây rất tức giận.

Lên án, cấm vận, phong tỏa tài sản

Phát biểu trước quốc hội Anh, Ngoại trưởng William Hague tuyên bố “trật tự thế giới” đang bị đe dọa trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga.

Ông Hague cho rằng đây là hành động “chiếm đất đai” phi pháp, và Anh sẽ đình chỉ toàn bộ các giấy phép xuất khẩu quốc phòng và hợp tác quân sự với Mátxcơva.

Các biện pháp trừng phạt tiếp theo chống lại Nga, như cấm vận kinh tế, thương mại, hiện đang được EU cân nhắc, ông Hague nói.

Ông Hague khẳng định Anh sẽ thúc đẩy để EU xem xét các hành động “mạnh mẽ nhất có thể” chống lại Nga tại phiên họp sắp tới của lãnh đạo EU.

Tương tự, thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chỉ trích việc Nga sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea, xem đó như hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Bà tái đề nghị Nga tiến hành đối thoại với Ukraine để giải quyết khủng hoảng.

Các lãnh đạo châu Âu đã luôn đứng về phía Ukraine trong cuộc khủng hoảng vừa qua
Các lãnh đạo châu Âu đã luôn đứng về phía Ukraine trong cuộc khủng hoảng vừa qua

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại liên quan đến Ukraine”, bà Merkel phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp phía Bồ Đào Nha. “Chúng tôi muốn thấy một sự phát triển tốt, đặc biệt tại Ukraine, nhất là quá trình chuẩn bị cho bầu cử. Nhưng sự khác biệt về quan điểm liên quan đến Crimea sẽ còn tiếp diễn”.

Dù chỉ trích Nga, vị nữ thủ tướng Đức khẳng định, đến nay tư cách thành viên nhóm G8 của Nga vẫn chưa bị thay đổi, ngoại trừ việc công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh G8 bị hoãn lại.

Nhưng sau đó, phát biểu với đài phát thanh Europe 1, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết nhóm G8 đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga, cho dù Tổng thống Putin vẫn sẽ được mời tới Pháp dự hội nghị ngày 6/6 tới.

“Tại thời điểm hiện tại, ông ấy vẫn được mời. Còn về G8 với tư cách một hình thức đối thoại chính trị cho tất cả các nước lớn, chúng tôi đã quyết định đình chỉ sự tham dự của Nga. Sẽ chỉ có 7 quốc gia tham dự (hội nghị thượng đỉnh) mà không có Nga”, ông Fabius nói.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tuyên bố lên án quyết định của Tổng thống Nga Putin, ký hiệp ước biến Crimea trở thành một phần lãnh thổ Nga. Ông Hollande khẳng định EU cần có một phản ứng “mạnh mẽ”.

“Tôi lên án quyết định này. Pháp không công nhận kết quả trưng cầu dân ý…cũng như việc sáp nhập vùng đất của Ukraine này vào Nga”, Tổng thống Pháp tuyên bố.

“Phiên họp Hội đồng châu Âu ngày 20 và 21/3 tới phải tạo cơ hội cho một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất của châu Âu”. Dù vậy ông không giải thích rõ phản ứng đó là gì.

Người Crimea vui mừng với kết quả trưng cầu dân ý ngày 16/3
Người Crimea vui mừng với kết quả trưng cầu dân ý ngày 16/3

Câu hỏi về tiêu chuẩn kép

Trước đó Mỹ và EU đã công bố một loạt các lệnh trừng phạt Nga và Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi Mỹ áp lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản với 7 quan chức Nga, trong đó có một phó thủ tướng và chủ tịch thượng viện Nga, thì EU cũng đã công bố danh sách 13 quan chức Nga và 8 quan chức Crimea bị trừng phạt tương tự.

Những cái tên đáng chú ý trong danh sách này có thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, phó thủ tướng Rustam Temirgaliev, chủ tịch quốc hội Vladimir Konstantinov, tư lệnh hải quân Crimea Deniz Berezovsky, chủ tịch Ủy ban an ninh quốc phòng Nga Deniz Berezovsky và chủ tịch Ủy ban luật hiến pháp Andrei Klishas.

Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini từng tiết lộ các lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

Trong khi Mỹ và EU gia sức công kích quyết định của Nga, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner đã chỉ trích cách ứng xử của Mỹ và phương Tây trong vấn đề này.

Kirchner trích dẫn Hiến chương Liên hợp quốc, quy định quyền tự quyết của người dân, có nghĩa là quy định này áp dụng cho tất cả các quốc gia mà không có ngoại lệ.

Nhưng bà đã so sánh tình hình Crimea với quần đảo Falkland mà Argentina và Anh đều tuyên bố chủ quyền và từng xảy ra giao tranh quân sự năm 1982. Năm ngoái, hòn đảo này tiến hành trưng cầu dân ý với kết quả người dân chọn chính phủ Anh. Khi đó Liên hợp quốc đã không chất vấn tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu đó.

“Rất nhiều cường quốc lớn, những nước đã đảm bảo cho quyền tự quyết của người dân Falklands, không muốn làm điều tương tự với Crimea vào thời điểm này. Làm sao họ có thể gọi mình là người bảo vệ cho sự ổn định của thế giới nếu họ không áp dụng những tiêu chuẩn đồng nhất cho tất cả mọi người? Có vẻ như người Crimea không được phép bày tỏ ý nguyện của mình, nhưng người dân Falklands lại có thể. Chẳng hề có sự logic nào cả”, bà Kirchner tuyên bố.

Thanh Tùng
Tổng hợp