1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây đã nể sợ Nga?

Tuyên bố cứng rắn nhưng phương Tây cũng phải công khai thừa nhận sức mạnh đáng nể của Nga đang được thể hiện ở Syria.

Tướng Mỹ ngả mũ

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Mark Milley mới đây đã thừa nhận các lực lượng vũ trang Nga hiện nay có tiềm năng chiến đấu với hiệu quả rất cao và được trang bị tốt.

Phát biểu trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, ông Milley nói: "Các lực lượng vũ trang Nga hiện đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với giai đoạn sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Họ có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, có tiềm lực rất đáng kể. Họ sẵn sàng chiến đấu hơn nhiều so với 25 năm trước".

Ông Milley cho rằng quân đội Nga đã bắt đầu hiện đại hóa từ những năm đầu thập niên 2000, đã nghiên cứu tiềm năng của Mỹ và nhanh chóng thực hiện công cuộc hiện đại hóa, tái trang bị vũ khí và áp dụng kỹ thuật mới.

Máy bay chiến đấu Nga trên bầu trời Syria
Máy bay chiến đấu Nga trên bầu trời Syria

Trong khi đó, lãnh đạo các nước châu Âu gồm Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngày 4/3 đã tiến hành cuộc điện đàm kéo dài 50 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, ông Cameron đã nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Nga về tầm quan trọng của việc tận dụng cơ hội có được nhờ lệnh ngừng bắn để thúc đẩy một tiến trình hòa bình cho Syria.

Người phát ngôn của Phố Downing nói: "Chúng tôi hoan nghênh thực tế rằng lệnh ngừng bắn mong manh này dường như vẫn đang được duy trì", đồng thời bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được duy trì đủ lâu để tiến trình hòa bình có thể bắt sớm bắt đầu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thảo luận nhu cầu đưa viện trợ nhân đạo tới được các thị trấn đang bị bao vây ở Syria và cải thiện các điều kiện đủ để người tị nạn có thể trở về nhà.

Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr từ Đại Trung Hải để tiêu diệt IS ở Syria
Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr từ Đại Trung Hải để tiêu diệt IS ở Syria

Tình hình Syria cũng được Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thảo luận với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault tại Paris trong ngày 4/3.

Tại đây, hai Ngoại trưởng đã kêu gọi phe đối lập chính ở Syria tham gia cuộc hòa đàm, đồng thời cảnh báo hòa đàm sẽ chỉ thành công nếu người dân được tiếp cận viện trợ nhân đạo và lệnh ngừng bắn được tôn trọng.

Động thái của giới chức châu Âu cho thấy họ đang nóng lòng mong đợi cuộc chiến Syria kết thúc, qua đó chấm dứt làn sóng di cư ồ ạt đang “nhấn chìm” lục địa già này.

Cuộc điện đàm với ông Putin và những lời kêu gọi nhìn bề ngoài có vẻ cứng rắn, song xét trong bối cảnh hiện nay lại giống như những lời “cầu xin”. Nga không thể đơn phương chấm dứt cuộc chiến Syria nhưng có vai trò quyết định, nhất là khi đã thể hiện được sức mạnh đáng nể trên chiến trường mà chính tướng Mỹ đã thừa nhận.

Người Mỹ cố chấp

Phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã buộc phải xuống thang với Nga trong vấn đề Syria. Người Mỹ giờ đây không còn khăng khăng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi nữa mà chấp nhận phương án của Nga về một thời kỳ chuyển tiếp.

Tuy vậy, Washington vẫn có những toan tính và chắc chắn không muốn để Moskva “rảnh tay” vào lúc này. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/3 đã gia hạn thêm một năm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được áp đặt từ tháng 3/2014 với cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 3/3 cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt mở rộng gần đây của Washington chống lại Moskva có thể hủy hoại khả năng hợp tác song phương trong các vấn đề quốc tế lớn.

Phía Nga nêu rõ: "Đã đến lúc Washington nhận ra sự vô ích từ chính sách trừng phạt của mình và nguy cơ về xu hướng đối đầu toàn diện với Nga”.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh có quyền đáp trả với những biện pháp phù hợp với những lợi ích của mình, đồng thời cáo buộc Mỹ phá hủy khuôn khổ mối quan hệ song phương một cách có hệ thống.

Quân nhân Nga chuẩn bị bom cho đợt xuất kích tại Syria
Quân nhân Nga chuẩn bị bom cho đợt xuất kích tại Syria

Tại Hội thảo An ninh Munich ở Đức hồi đầu tháng 2/2016, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng Nga và phương Tây đang tiến đến một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới". Ông phê phán các nhà lãnh đạo phương Tây coi Nga như mối đe dọa lớn nhất và băn khoăn rằng hiện giờ là năm 2016 hay năm 1962.

Dựa theo phát biểu này, giới phân tích Mỹ cho rằng người Nga từ lâu đã có quan điểm “bài Mỹ”. Nhiều dẫn chứng được nêu ra như người Nga nêu ra thuyết âm mưu từ thời Liên Xô với tên gọi là "Kế hoạch Dulles". Thuyết này buộc tội Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles phá hoại Liên bang Xô Viết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh do đã bí mật làm đồi bại nền di sản văn hóa và chuẩn mực đạo đức Xô Viết.

Một ví dụ khác được người Mỹ sử dụng để “tố ngược” thái độ “thù địch” của Nga là bài viết mới đây của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Leonid Reshetnikov khi nhà nghiên cứu Nga khẳng định "Mỹ lần đầu tìm cách phá hoại Nga vào năm 1917 với việc hỗ trợ cho những người Boshevik, rồi Washington liên tục tìm cách thúc đẩy Đức Quốc xã chống lại Liên Xô vào cuối những năm 1930 rồi đến năm 1991”.

Người Mỹ tố ngược Nga có tâm lý thù địch từ lâu
Người Mỹ "tố ngược" Nga có tâm lý thù địch từ lâu

Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, ông Nikolay Patrushev cũng có nhận định tương tự, cho rằng Mỹ tìm cách "chia cắt nước Nga". Bản thân Tổng thống Putin cũng cáo buộc phương Tây làm nước Nga suy yếu bằng cách lấy cắp tài nguyên thiên nhiên của nước Nga.

Theo giới nghiên cứu Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô còn có khao khát vượt qua Mỹ với những khẩu hiệu kiểu như "bắt kịp và vượt qua Mỹ" đã trở thành tuyên ngôn về mục tiêu chính sách của Liên Xô.

Học giả Mỹ cho rằng trong mắt của nhiều lãnh đạo Nga hiện thời, Mỹ chiếm không gian vũ đài thế giới mà vốn dĩ thuộc về Nga, bởi Nga sở hữu vũ khí hạt nhân, có bề dày lịch sử và văn hóa, diện tích lãnh thổ lớn nhất, cùng nhiều yếu tố khác.

Với hàng loạt “bằng chứng” lịch sử và hiện tại được nêu ra để chứng minh cho thái độ “thù địch” của Nga, người Mỹ nhận định nước Nga dưới thời Tổng thống Putin sẽ tiếp tục coi Mỹ là đối thủ chính và sẽ xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên quan điểm đó. Chính vì vậy, tình hữu nghị và sự tái thiết quan hệ song phương thành công là điều khó mà có được trong tương lai gần.

Theo Lương Tài

Đất Việt