1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phóng “sát thủ diệt hạm” ở Thái Bình Dương, Mỹ có thể muốn “nắn gân” Trung Quốc

(Dân trí) - Tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ đã phóng thành công tên lửa chống hạm mới trong một động thái được cho là nhằm “nắn gân” Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Lần đầu phóng “sát thủ diệt hạm” ở Thái Bình Dương, Mỹ “nắn gân” Trung Quốc
Phóng “sát thủ diệt hạm” ở Thái Bình Dương, Mỹ có thể muốn “nắn gân” Trung Quốc - 1

Lần đầu phóng “sát thủ diệt hạm” ở Thái Bình Dương, Mỹ “nắn gân” Trung Quốc

Theo Business Insider, tên lửa chống hạm mới (NSM) của Hải quân Mỹ đã được phóng lần đầu tiên tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từ tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords. Đây là một hoạt động trong cuộc tập trận Pacific Griffin được tổ chức hai năm một lần giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Singapore hôm 1/10.

Tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords cùng các trực thăng, tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã tham gia cuộc tập trận ở Thái Bình Dương cùng các tàu Hải quân Singapore. Trong cuộc tập trận, tên lửa NSM đã kết hợp cùng hỏa lực từ các tàu của Mỹ và Singapore để đánh chìm một tàu tuần dương USS Ford cũ.

USS Gabrielle Giffords là tàu chiến ven biển đầu tiên được trang bị tên lửa NSM. Theo Raytheon, nhà thầu cung cấp vũ khí chính của quân đội Mỹ, NSM là tên lửa hành trình lướt nhanh trên biển, rất khó bị radar phát hiện và có thể vượt qua các rào chắn phòng thủ của đối phương. 

Giới phân tích nhận định tàu chiến ven biển được trang bị tên lửa NSM sẽ cho phép Hải quân Mỹ đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.

“Với tên lửa NSM, bạn có thể phóng tới bất kỳ khu vực nào ở Biển Đông nếu bạn ở giữa biển”, Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, nhận định.

Theo Bryan Clark, so với tên lửa DF-21, được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, của Trung Quốc, tên lửa NSM có tầm phóng ngắn hơn. Tuy nhiên, NSM có khả năng tấn công mục tiêu chính xác hơn, cho phép tên lửa này hủy diệt một tàu chiến của đối phương, thay vì chỉ gây hư hại như DF-21.

Nhà phân tích Carl Schuster, cựu đại tá Hải quân Mỹ, nhận định việc Mỹ triển khai các tàu và vũ khí hiện đại tới Thái Bình Dương nhằm gửi một thông điệp quan trọng, từ đó có thể “thay đổi cuộc chơi” tại vùng biển Tây Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc đang chiếm lợi thế hơn so với Mỹ về tên lửa hành trình.

Thành Đạt

Theo BI