1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines và những nước cờ mới đối phó tham vọng Trung Quốc

Giới chức Philippines cho biết nước này sẽ điều các các máy bay phản lực và hai tàu khu trục mới ra đóng tại căn cứ hải quân trước đây của Mỹ ở vịnh Subic bắt đầu từ đầu năm 2016, biến nơi này trở lại như một căn cứ quân sự sau 23 năm.

Binh sĩ hải quân Philippines và Mỹ tham gia tập trận ở Palawan ngày 23/6. (Ảnh:

Binh sĩ hải quân Philippines và Mỹ tham gia tập trận ở Palawan ngày 23/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai máy bay tấn công FA-50 của Hàn Quốc sẽ được chuyển giao cho Manila vào cuối năm 2015 và sẽ được đưa tới vịnh Subic vào đầu năm 2016. Đây là những chiếc máy bay đầu tiên trong số hàng chục chiếc mà Manila đặt hàng của Seoul hồi năm 2014 và toàn bộ phi đội FA-50 cuối cùng sẽ được đặt tại vịnh Subic. Hai tàu khu trục cũng sẽ được đưa về cảng Alava trong vịnh Subic.

Các chuyên gia an ninh cho rằng việc sử dụng vịnh Subic sẽ cho phép lực lượng hải quân-không quân của Philippines phản ứng hiệu quả hơn trước các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Rommel Banlaoi, chuyên gia an ninh người Philippines, nói: “Giá trị quân sự của Subic đã được quân đội Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc cũng biết rõ điều đó”.

Cảng nước sâu Subic nằm trên đảo Luzon của Philippines, đối diện Biển Đông, từng là một trong những cơ sở hải quân lớn nhất của Mỹ trên thế giới trước khi bị đóng cửa hồi năm 1992 khi Thượng viện Philippines chấm dứt thỏa thuận với Washington vào cuối Chiến tranh Lạnh. Philippines chưa từng sử dụng nơi đây làm căn cứ quân sự. Sau năm 1992, Manila biến nơi này thành một khu kinh tế.

Phát biểu với hãng tin Reuters, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết quân đội nước này đã ký hợp đồng thuê lại căn cứ Subic trong thời hạn 15 năm có gia hạn với cơ quan quản lý dân sự Subic Metropolitan hồi tháng 5/2015. Tàu chiến của Mỹ thường neo đậu tại vịnh Subic kể từ năm 2000, nhưng chỉ trong các dịp diễn tập chung với quân đội Philippines hoặc dùng các cơ sở thương mại của vịnh cho hoạt động sửa chữa hay tiếp liệu.

Giới chức Philippines cho biết, một khi vịnh Subic trở lại thành một căn cứ quân sự, hải quân Mỹ có thể được tiếp cận nơi này nhiều hơn, theo một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ được sử dụng các cơ sở quân sự trong nước của Philippines, mặc dù thỏa thuận này đang bị tạm gác lại sau khi bị phản đối tại Tòa án Tối cao Philippines.

Sử dụng vịnh Subic là động thái quân sự mới nhất của Philippines chống lại các tham vọng hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật, và Việt Nam, quân đội Philippines dự định sẽ chi 20 tỷ USD trong 13 năm tới nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang vốn nằm trong danh sách các quân đội yếu nhất khu vực Đông Nam Á.

Binh sĩ hải quân Philippines và Mỹ tham gia tập trận ở Palawan ngày 23/6. (Ảnh:
Binh sĩ hải quân Philippines và Mỹ tham gia tập trận ở Palawan ngày 23/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc cho biết nước này nắm rõ về thông tin Philippines tăng cường lực lượng quân sự. Tuyên bố gửi tới Reuters của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có đoạn: “Chúng tôi hy vọng Philippines có nhiều hành động có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực hơn”.

Các chuyên gia an ninh nhấn mạnh rằng khoảng cách từ vịnh Subic tới bãi cạn Scarborough - mà Trung Quốc chiếm đoạt từ tay Manila năm 2012 sau cuộc giao tranh kéo dài 3 tháng với hải quân Philippines - chỉ là 145 hải lý (270km). Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) - nơi Trung Quốc đang xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo, cùng các cơ sở quân sự - nằm xa hơn về phía Tây Nam của bãi cạn này.

Patrick Cronin, chuyên gia khu vực tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, cho rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ biến bãi cạn Scarborough thành một đảo nhân tạo, từ đó sẽ khiến Philippines khó khăn trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài đảo Luzon.

Chuyên gia Cronin nói: “Chiến đấu cơ mới của Hàn Quốc có thể bay tới bãi cạn Scarborough chỉ trong vài phút, và các máy bay tuần tra trên biển hoặc máy bay không người lái có thể cung cấp liên tục các thông tin về hành động của Trung Quốc trong khu vực. Việc trở lại vịnh Subic lần này của không quân Philippines được xem là hành động phòng thủ khôn ngoan”.

Trong một diễn biến khác, Philippines đã gạt bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị Manila hủy vụ kiện bản đồ 9 đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông ra Tòa trọng tài Liên hợp quốc (LHQ), thay vào đó, bắt đầu các vòng đàm phán song phương. Truyền thông Philippines ngày 16/7 dẫn lời phát ngôn viên của tổng thống nước này nhấn mạnh một khi đã trình vụ việc ra tòa án trọng tài quốc tế, Manila nhất quyết theo đuổi đến cùng.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thúc giục Philippines “trở lại đúng đường hướng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn”. Bà nói rằng Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận các nỗ lực đơn phương cầu viện một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp”.

Bắc Kinh cho rằng tòa trọng tài ở La Haye (The Hague) không có quyền tài phán trong vụ này, đồng thời từ chối tham gia các thủ tục chiểu theo Công ước LHQ về Luật Biển. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa liên quan đến vụ kiện do Manila khởi xướng.

Theo TTK/Đài TNHK, Đài RFI...
baotintuc.vn