1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháp, Tây Ban Nha có hơn 2.000 ca nhiễm, dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu

(Dân trí) - Pháp và Tây Ban Nha đang trở thành những điểm nóng virus corona tại châu Âu khi số ca nhiễm ở cả hai nước đều vượt mức 2.000 người.

 
Pháp, Tây Ban Nha có hơn 2.000 ca nhiễm, dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu - 1

Nhân viên khử trùng tại ga tàu ở Milan, Italia. (Ảnh: CNBC)

Hơn 2.000 ca nhiễm tại Tây Ban Nha

Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, tính đến 6 giờ tối ngày 11/3 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận 2.140 ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), tăng đáng kể so với 1.639 ca nhiễm hôm 10/3.

Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha cũng xác nhận 48 ca tử vong vì Covid-19, đưa nước này trở thành ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu, sau Italia.

Madrid vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha, chiếm một nửa số ca nhiễm và 31 ca tử vong.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, bao gồm đóng cửa các trường học tại Madrid trong 2 tuần, khử trùng phương tiện công cộng tại thủ đô và cấm các chuyến bay từ Italia.

Bộ Văn hóa Tây Ban Nha ngày 11/3 thông báo các bảo tàng tại Madrid sẽ đóng cửa từ ngày 12/3 cho tới khi có thông báo tiếp theo. Chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ hỗ trợ ngành du lịch trước tác động của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Fernando Simon, điều phối viên các vấn đề khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha, cảnh báo sẽ phải mất từ 1-2 tháng để ngăn chặn dịch Covid-19, thậm chí trong tình huống xấu nhất có thể lên tới 4 tháng.

Số ca tử vong tăng gấp đôi tại Pháp

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 11/3 cho biết số ca tử vong vì virus corona chủng mới tại nước này đã tăng gần 50%, lên 48 người. Ông Veran khẳng định Pháp sẽ triển khai các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Veran, tổng số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận tại Pháp tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 2.281 người, tăng 497 ca so với ngày 10/3. Ông Veran cũng cho biết 105 người đang ở trong tình trạng nghiêm trọng.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Paris ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch, Bộ trưởng Veran vẫn chưa nâng mức ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19 lên “Cấp độ 3” - mức cao nhất tại Pháp.

“Một số khu vực có hàng trăm ca nhiễm, trong khi các khu vực khác chỉ có vài chục ca. Điều này đồng nghĩa với việc virus chưa lan rộng trong dân cư, do vậy hôm nay chúng tôi vẫn để ở Cấp độ 2”, Bộ trưởng Veran cho biết thêm.

Tuy nhiên, giới chức Pháp cho biết việc nước này nâng mức độ khẩn cấp lên “Cấp độ 3” sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo Bộ trưởng Veran, các trường học sẽ đóng cửa trong 15 ngày tại hai khu vực gồm Corsica và một vùng đô thị xung quanh thị trấn Montpellier ở phía nam. Trước đó, biện pháp kiểm soát dịch đã được thực thi tại khu vực phía bắc Paris và một khu vực khác ở đông bắc Pháp.

Theo Bộ trưởng Y tế Pháp, chính phủ đã quyết định cấm các chuyến thăm tới các viện dưỡng lão, vì người lớn tuổi được xem là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất.

Dịch bùng phát tại châu Âu

Pháp, Tây Ban Nha có hơn 2.000 ca nhiễm, dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu - 2

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte phát biểu trong một cuộc họp báo tại Rome ngày 11/3 trong khi những người tham dự ngồi cách xa nhau 1 m để đề phòng dịch bệnh. (Ảnh: Reuters)

Các nước châu Âu ngày 11/3 tiếp tục ghi nhận thêm các ca tử vong và nhiễm Covid-19 mới với tỷ lệ gia tăng đáng kể.

Tại Anh, số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận hôm 11/3 là 456 trường hợp, tăng so với 373 trường hợp một ngày trước đó. Số bệnh nhân tử vong sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 tại Anh hiện vẫn ở mức 6 người.

Bulgaria ngày 11/3 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19. Bệnh nhân là một phụ nữ 66 tuổi, được đưa tới bệnh viện ở Sofia hôm 10/3 với triệu chứng viêm phổi nặng. Đây cũng là ca nhiễm Covid-19 thứ 6 tại Bulgaria.

Thụy Điển ngày 11/3 cũng xác nhận, ca tử vong đầu tiên vì virus corona chủng mới tại nước này là một bệnh nhân lớn tuổi, từng có bệnh nền và được điều trị tại một bệnh viện ở vùng Stockholm. Thụy Điển cho đến nay đã xác nhận 460 ca nhiễm Covid-19.

Trước nguy cơ dịch bùng phát tại châu Âu, Nga ngày 11/3 đã quyết định dừng các chuyến bay đến và rời khỏi Italia, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, bắt đầu từ ngày 13/3. Ngoài ra, Nga cũng dừng cấp thị thực du lịch cho công dân Italia, trong bối cảnh nước này xác nhận 28 ca nhiễm Covid-19, trong đó nhiều người từng có lịch sử đi lại tới Italia.

Bộ trưởng Y tế Guatemala tuyên bố sẽ cấm nhập cảnh đối với toàn bộ công dân châu Âu để ngăn nguy cơ virus lây lan. Trong khi đó, Malta cũng cấm hành khách từ Italia, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Italia hiện là ổ dịch corona lớn nhất tại châu Âu và lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với 827 người chết và hơn 12.400 người nhiễm Covid-19. Trong khi đó, Đức cũng ghi nhận hơn 1.600 ca nhiễm và 3 ca tử vong vì Covid-19.

Đan Mạch thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ trường học trong những ngày sắp tới để kiểm soát dịch, khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng lên hơn 340 người. Thủ tướng Đan Mạch cho biết tất cả các viên chức phụ trách những công việc không cấp bách có thể làm việc tại nhà, bắt đầu từ ngày 13/3, để tránh nguy cơ lây lan virus.

Thành Đạt

Theo Straitstimes, AFP, Aljazeera