1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Pháo đài tài chính" của Nga trước áp lực dồn dập từ Phương Tây

(Dân trí) - Tổng thống Nga được cho là đang có sự chuẩn bị cho “pháo đài tài chính” nhằm đối phó với các động thái trừng phạt từ Phương Tây và các cuộc khủng hoảng tác động vào Moscow từ bên ngoài.

Pháo đài tài chính của Nga trước áp lực dồn dập từ Phương Tây - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP)

Trong một động thái cho thấy sự rạn nứt gần đây nhất giữa các đồng minh Phương Tây có quan điểm trừng phạt Nga, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hồi đầu tuần trước nói rằng “giờ là thời điểm phù hợp” để EU và Moscow hòa giải với nhau.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ vừa quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ và có ít nhất 2 dự thảo lệnh trừng phạt Nga đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia đặt ra câu hỏi rằng liệu các lệnh trừng phạt đơn phương có còn hiệu quả với Nga hay không trong bối cảnh có nhiều quan ngại rằng động thái của Washington có thể làm tổn hại quan hệ của họ với các đối tác thương mại và đồng minh khác.

“Pháo đài tài chính” của Nga

Mỹ và các đồng minh bắt đầu áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga vào năm 2014 sau vụ việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và các cáo buộc Nga đứng sau căng thẳng leo thang ở Đông Ukraine.

Theo CNN, kể từ đó tới nay, các nhà hoạch định chính sách Nga đã bắt đầu xây dựng một “pháo đài” tiền tệ và tài chính nhằm ưu tiên sự ổn định thay vì tăng trưởng kinh tế và cũng đóng vai trò bảo vệ chủ quyền của Moscow. “Pháo đài” này cũng nhằm giúp Nga có thể vượt qua các lệnh trừng phạt dồn dập từ Phương Tây tốt hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia trước đây.

Với sự giúp đỡ của những quan chức hàng đầu như người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina, ông Putin đã xây dựng các cơ chế và hệ thống nhằm cách ly Kremlin khỏi những áp lực bên ngoài như lệnh trừng phạt, đồng thời củng cố năng lực của Nga giữa những “cơn bão kinh tế” như giá dầu giảm hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Chiến lược của ông Putin nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt là: Đầu tư ít, phát triển ít, tiêu dùng ít lại nhưng xây dựng nguồn vốn dự trữ để tiếp tục theo đuổi các chính sách hiện tại”, chuyên gia Anders Åslund, chuyên gia cao cấp về kinh tế Nga tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định.

Mặc dù ông Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump có mối quan hệ cá nhân được đánh giá là thân thiện, tuy nhiên, “sóng ngầm” căng thẳng giữa 2 chính phủ vẫn tiếp tục leo thang trong bối cảnh một cuộc chạy đua vũ trang đang có nguy cơ xảy ra. Tháng trước, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF và cả 2 bên đã có động thái thử nghiệm, tuyên bố chế tạo tên lửa từng bị cấm dưới INF.

Dưới thời ông Putin đảm nhận các vai trò lãnh đạo trong chính phủ Nga, Moscow đã trải qua hàng loạt những biến động từ sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1990. Nga đã từng chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 và gần đây nhất là sự việc năm 2014.

“Khi ông Putin xem xét các thách thức về kinh tế, tôi cho rằng ông ấy không quá quan trọng về tăng trưởng mà nghiêng về giải pháp tồn tại được qua khủng hoảng nhiều hơn”, chuyên gia Christopher Miller từ Đại học Tufts (Mỹ) cho biết.

Các biện pháp và tác động

Pháo đài tài chính của Nga trước áp lực dồn dập từ Phương Tây - 2

Nga đã tăng dự trữ vàng với mục tiêu phi đô la hóa nền kinh tế (Ảnh minh họa: RBTH)

Từ năm 2014, Nga đã bắt đầu tăng dự trữ ngoại tệ lên 500 tỷ USD (cao thứ 4 thế giới), trả nợ nước ngoài, hạ giá đồng rúp Nga để tăng lợi thế cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu từ Moscow, “phi đô la hóa” nhằm cách ly Nga khỏi tầm ảnh hưởng của hệ thống tài chính Mỹ và cân bằng giữa các khoản chi tiêu và doanh thu của nhà nước.

Ngoài ra, Nga cũng đặt giá dầu ở mức “hòa vốn” thấp, chỉ vào khoảng 40-45 USD/thùng, mức Nga cần để duy trì cân đối ngân sách hàng năm. Động thái này được cho là nhằm đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế Nga vì dầu mỏ hiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Moscow, là nền tảng cho “pháo đài tài chính” của Nga, theo CNN.

Tuy nhiên, chính sách của Kremlin cũng đi kèm với cái giả phải trả, theo CNN. Giới quan sát cho rằng chính sách của ông Putin giúp Nga ổn định, nhưng nó lại tác động vào chính ngân sách của Nga khiến tốc độ tăng trưởng GDP trở nên chậm chạp trong 5 năm qua, chỉ khoảng 1-2%/năm. Trong khi đó, thu nhập thực tế của người dân Nga không thay đổi quá rõ rệt trong 50 năm qua khi nợ tiêu dùng đã tăng đáng kể trong cùng một thời điểm. 

Kremlin cũng có kế hoạch chi hàng nghìn tỷ rúp cho các dự án quốc gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuy nhiên giới quan sát tỏ ra hoài nghi với hiệu quả của các dự án này.

Chuyên gia Miller nói rằng để đạt được mục tiêu về chính sách đối ngoại ở thời điểm hiện tại, Nga có thể sẽ mất đi tầm ảnh hưởng về sau.

Tuy nhiên, trái với giới quan sát phương Tây, CNN cho rằng ông Putin không quá quan tâm tới những mối lo ngại kể trên và cho rằng đó là điều cấp thiết.

“Ông Putin quan tâm tới sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô vì ông ấy tập trung vào vấn đề chủ quyền của Nga”, chuyên gia Åslund cho hay.

Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng nếu Mỹ tiếp tục các đòn trừng phạt đơn phương thì có thể nó sẽ không quá hiệu quả với “pháo đài tài chính” của Nga đang dựng lên. Mặt khác, Mỹ còn có thể khiến mối quan hệ giữa họ và các đồng minh rạn nứt vì bất đồng quan điểm trong chính sách với Nga.

Đức Hoàng

Tổng hợp