1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump và những thách thức ngoại giao ngay ngày đầu nhậm chức

(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa, nước Mỹ sẽ có tổng thống mới. Ông trùm bất động sản Donald Trump được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho xứ sở cờ hoa khi ông tuyên bố sẽ đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Tuy nhiên, chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về mặt ngoại giao trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp.


Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump (Ảnh: Washington Times)

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump (Ảnh: Washington Times)

Syria

Khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng, cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài sang năm thứ 6. Ông Trump từng đề cập đến khả năng sẽ cắt giảm sự hậu thuẫn đối với các nhóm đối lập tại Syria và thay vào đó sẽ tập trung tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Không chỉ là vấn đề khủng bố, tân Tổng thống của nước Mỹ phải đưa ra quyết định về cách tiếp cận đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad: có hay không tiếp tục theo đuổi quan điểm hạ bệ ông Assad của chính quyền Obama tiền nhiệm?

Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng ông Trump sẽ duy trì vai trò quân sự của Mỹ tại Syria như dưới thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên với cam kết “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump sẽ can thiệp vào quá trình tái thiết Syria một cách miễn cưỡng.

Hồi đầu tháng này, ông Trump cho biết sẽ giúp xây dựng “những vùng an toàn” tại Syria. Trước đó trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tỷ phú New York đã chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Obama cho phép hơn 10.000 người nhập cư Syria nhập cư trong năm qua, đồng thời liên tục nhấn mạnh sẽ ngăn cản những người di cư từ các vùng chiến sự tới Mỹ.

Nga

Mối quan hệ với Nga trong tương lai cũng là một trong những vấn đề sẽ khiến tân Tổng thống Mỹ phải đau đầu. Thời gian qua, mối quan hệ giữa Washington và Moscow liên tục ở trong tình trạng căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và Mỹ cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Từ khi đắc cử tổng thống, ông Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn làm ấm lại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Hồi giữa tháng này, ông Trump đã lựa chọn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil, ông Rex Tillerson, một doanh nhân có mối quan hệ mật thiết với Nga, làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới. Điều này càng củng cố thêm thiện chí cải thiện mối quan hệ với Nga của chính quyền Donald Trump.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng đang xem xét khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong suốt 2 năm qua và ông Trump sẽ phải đưa ra quyết định vào tháng 3 tới.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2016, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga liên quan tới các cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. 35 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi Mỹ và 2 cơ sở của Nga đã bị đóng cửa vì được sử dụng “cho các mục đích liên quan tới tình báo”.

Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, thương mại, các mối đe dọa an ninh mạng, vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Về vấn đề kinh tế, ông Trump chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và áp thuế cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ vào nước này. Ông đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 45% lên hàng hóa của Trung Quốc.

Ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên điện đàm với một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979 khi ông có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn hồi đầu tháng 12. Động thái này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối từ phía Bắc Kinh.

Tổng thống đắc cử Trump tỏ ý hoài nghi về việc duy trì chính sách "Một Trung Quốc" trong trường hợp chính quyền Bắc Kinh không có những nhượng bộ về thương mại cũng như một số vấn đề khác. Tỷ phú địa ốc cũng cho rằng Trung Quốc vẫn chưa hợp tác với Mỹ trong một số vấn đề như tiền tệ, Triều Tiên hay những căng thẳng trên Biển Đông.

Triều Tiên

Tổng thống Barack Obama đã từng cảnh báo ông Trump về những mối đe dọa nghiêm trọng đến từ các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa Triều Tiên trong thời gian qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là một vấn đề mà ông Trump nắm rõ. Vị chủ nhân mới của Nhà Trắng dường như thiếu những kế hoạch cụ thể để xử lý vấn đề Bình Nhưỡng trước những nguy cơ Triều Tiên phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.

Giới chức Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về việc có nên giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên và thay vào đó là tập trung ngăn chặn khả năng nước này sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân hay không.

Châu Âu

Một châu Âu đầy chia rẽ và bất ổn cũng là thách thức không nhỏ đối với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Các chuyên gia cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ được định hình dựa trên mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Việc ông Trump cải thiện quan hệ với Moscow có thể đẩy Washington xa rời EU và nhiều khả năng sẽ gây ra nhiều bất ổn.

Israel

Hồi tuần trước, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu đinh cư trái phép trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng nghị quyết này sẽ gây thêm khó khăn cho tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia Trung Đông này. Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực bằng mọi cách để thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Nhật Minh

Theo CBS News