1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump có phạm luật nếu tiết lộ thông tin mật?

(Dân trí) - Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có quyền tiết lộ thông tin mật. Tuy không kéo theo rủi ro hình sự, song việc tiết lộ thông tin mật có thể khiến tổng thống Mỹ phải đối mặt với những rủi ro khác.


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ có quyền tiết lộ

Báo Washington Post dẫn lời hai quan chức tình báo cấp cao của Mỹ ngày 15/5 cho biết, Tổng thống Donald Trump đã “buột miệng” tiết lộ thông tin tối mật về chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Nga là một quốc gia không thuộc liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.

Thông tin này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi mặc dù Nhà Trắng đã lên tiếng bác bỏ. Bloomberg bình luận, nếu thông tin Washington Post đưa ra là chính xác thì việc ông Trump tiết lộ tin tối mật là hành động gây “sốc” nhưng vẫn “hợp pháp”

Bloomberg chỉ ra, theo Hiến pháp Mỹ, bất cứ ai trong chính phủ, ngoại trừ tổng thống và phó tổng thống, làm lộ thông tin mật, sẽ phải đối mặt án tù giam. Hay nói cách khác, tổng thống có quyền tiết lộ thông tin mật. Ngoài ra, với vai trò là một tổng tư lệnh, tổng thống Mỹ có quyền đánh giá một thông tin hay tài liệu nào đó là tối mật hay quyết định ai được phép tiếp cận thông tin tối mật.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu tổng thống có cần ban hành một sắc lệnh chính thức trước khi tiết lộ thông tin mật hay không. Theo Washington Post, Tổng thống Trump đã không làm điều này trước khi được cho là tiết lộ thông tin với Ngoại trưởng Nga Lavrov và Đại sứ Nga Sergey Kislyak. Do đó, ông Trump có thể đã tiết lộ thông tin một cách bột phát, không có sự chuẩn bị từ trước.

Mặc dù quy định về quyền tiết lộ thông tin mật của tổng thống, song Hiến pháp Mỹ cũng quy kết tội hình sự đối với bất cứ hành động tiết lộ thông tin mật nào “gây tổn hại đến sự an toàn và lợi ích của Mỹ hay phục vụ cho lợi ích của bất cứ chính phủ nước ngoài nào nhằm gây bất lợi cho Mỹ”. Điều này khiến người ta liên hệ đến việc tiết lộ của ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ thanh minh rằng, ông đã bỏ tính tối mật của thông tin khi chia sẻ với quan chức Nga.

Hậu quả khôn lường


Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Nhà Trắng hôm 10/5. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Nhà Trắng hôm 10/5. (Ảnh: AFP)

Giới chuyên gia tình báo và cựu quan chức an ninh Mỹ cảnh báo, nếu việc ông Trump rò rỉ thông tin mật cho Nga là chính xác, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với Mỹ trong chiến dịch chống IS. Ngoài ra, vấn đề này sẽ làm dấy lên những hoài nghi mới về sự sẵn sàng của ông Trump trong việc xử lý các thông tin tối mật.

Wayne White, một quan chức tình báo cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói: “Có những giới hạn đỏ mà ngay cả một tổng thống cũng không được phép vượt qua”.

“Đó thực sự là một kịch bản ác mộng đối với cộng đồng tình báo”, Ned Price, một cựu quan chức CIA và thành viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, chia sẻ với MSNBC.

Các chuyên cảnh báo, mặc dù Tổng thống được quyền tiết lộ thông tin mật, song điều này cũng sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Luật sư chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia Mark Zaid cho rằng, hậu quả có thể nhìn thấy rõ nhất đó là các đồng minh có thể sẽ mất lòng tin vào Mỹ trong việc bảo mật thông tin và sẽ không chia sẻ các dữ liệu tình báo quan trọng với Mỹ.

Thông tin mà ông Trump có thể đã chia sẻ với quan chức Nga là những thông tin được một đối tác của Mỹ cung cấp theo thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo. Hiện danh tính của đối tác này chưa được tiết lộ.

“Tổng thống có quyền tiết lộ thông tin tình báo của chúng ta. Nhưng Tổng thống không có quyền đơn phương tiết lộ thông tin tình báo do các nước khác cung cấp”, Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, nói.

Bản thân ông Trump có thể cũng phải đối mặt với hậu quả. Steven Aftergood, Giám đốc Hiệp hội các dự án nghiên cứu khoa học về sự bảo mật của chính phủ Mỹ, cho rằng các nhà làm luật của Mỹ có thể theo đuổi việc luận tội đối với Tổng thống nếu họ coi hành động của Tổng thống là thiếu thận trọng.

Minh Phương

Theo Bloomberg, Politico