1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Rouhani đắc cử tổng thống Iran: Không quá nhiều kỳ vọng

(Dân trí) - Là nhân vật số hai trong cơ cấu quyền lực ở Iran, liệu Tổng thống đắc cử Hassan Rouhani có thực sự thay đổi được hình ảnh của quốc gia Hồi giáo này theo đường lối ôn hòa như phương châm tranh cử của ông?

 
Tổng thống đắc cử Hassan Rouhani
Tổng thống đắc cử Hassan Rouhani
 
Từng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân và giành được nhiều thiện cảm của phương Tây, song ông Rouhani khó có thể tạo đột phá trong chương trình hạt nhân của nước này.

Theo cơ cấu quyền lực hiện nay, Tổng thống là người nắm giữ quyền lực thứ hai trong nước, sau Đại giáo chủ Ali Khamenei. Tổng thống cũng là người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia và kiểm soát Bộ ngoại giao. Vì vậy, các quan điểm và thế giới quan của ông sẽ tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của đất nước.

Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong lịch sử các thế hệ lãnh đạo ở Iran, một quá trình mang đậm dấu ấn của các tổng thống trong từng thời kỳ. Đơn cử là 3 chế độ lãnh đạo gần đây nhất, gồm Tổng thống Hashemi Rafsanjani (nắm quyền từ 1989 - 1997 với chính sách hòa hoãn), Tổng thống Mohammad Khatami (1997 – 2005 với chính sách đối thoại rộng mở) và Tổng thống Mamoud Amadinejad (2005 đến nay với chính sách cứng rắn).

Sự thay đổi hoàn toàn về đường lối lãnh đạo của 3 vị tổng thống này, cũng như của các nhà lãnh đạo trước đó, cho thấy nền chính trị Iran chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ quan điểm cá nhân của tổng thống.

Do đó, với việc lựa chọn tân Tổng thống theo đường lối ôn hòa Rouhani, người dân Iran đang tràn đầy hy vọng về một cuộc lột xác thực sự sẽ diễn ra trong nay mai. Sau suốt 8 năm bị đẩy vào thế cô lập và suy yếu nghiêm trọng trên cả mặt trận đối nội và đối ngọai do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận ngặt nghèo của phương Tây, hơn lúc nào hết người dân Iran mong muốn sẽ được nhìn thấy một hình ảnh Iran mới thoát hoàn toàn ra khỏi ý thức hệ mang đậm dấu ấn hiếu chiến dưới thời Tổng thống Amadinejad.

Tuy nhiên, với bản chất lai tạp của hệ thống chính trị dân chủ - thần quyền, sự thay đổi, hay nói một cách hoa mỹ là cuộc cách mạng của ông Rouhani cũng sẽ không thể vượt quá khung giới hạn do giới giáo chủ đặt ra. Mối quan hệ và những ảnh hưởng ràng buộc giữa tổng thống (đại diện cho dân chủ) và giáo chủ (đại diện cho thần quyền) sẽ tác động không nhỏ đến những quyết sách của ông Rouhani trong những vấn đề lớn.

Tân tổng thống sẽ vừa phải phụ thuộc vào trật tự quyền lực của Đại giáo chủ Khamenei, vừa phải chịu sức ép rất lớn trước nhu cầu thực tế cần theo đuổi các chính sách đối nội và đối ngoại mà rất có thể sẽ trái ý với vị lãnh tụ tinh thần dân tộc. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, lực lượng dù vẫn trung thành với giáo chủ nhưng cũng đã trở thành một trung tâm quyền lực mới.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà phân tích am hiểu tình hình khu vực cho rằng chiến thắng của ông Rouhani không đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại của Iran sẽ có nhiều thay đổi, cho dù Mỹ và nhiều nước phương Tây đã mau mắn “chìa cành ô lưu” cho Tehran.
 
Bởi, nếu chiểu theo phát biểu mới nhất của Đại giáo chủ Khamenei về địa ngục đang chờ đón nước Mỹ, thì không khó để nhận ra rằng không thể chờ đợi một sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách hạt nhân của Iran, nhất là khi chương trình này được coi là công cụ tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của Iran trước những chính sách thù địch của Israel và một số quốc gia Arab khác.

Do vậy, cái mà người dân Iran chỉ có thể trông chờ là ông Rouhani sẽ từng bước vực dậy nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và thiết lập quan hệ mang tính xây dựng nhiều hơn với phương Tây để hạn chế những lệnh cấm vận nghiệt ngã nhằm vào nước này.
Đức Vũ