1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Kim Jong-un xử tử tướng quân đội vì "không nghe lời"

(Dân trí) - Một quan chức Hàn Quốc mới đây tiết lộ rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 1 vừa qua đã xử tử một tướng quân đội chỉ vì bất đồng ý kiến.

Ông Kim Jong-un trong một lần thị sát quân đội. (Ảnh:

Ông Kim Jong-un trong một lần thị sát quân đội. (Ảnh: KCNA)

Tờ Bloomberg ngày 7/2 dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết, hồi tháng trước lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tử hình một tướng quân đội của nước này vì bất đồng ý kiến với ông. Tuy nhiên, quan chức trên không cho biết vấn đề gây mâu thuẫn giữa ông Kim và tướng quân đội bị tử hình.

Bloomberg nhận định ông Kim đã nhiều lần mạnh tay thanh lọc các quan chức cấp cao nhằm củng cố quyền lực của mình. Ông từng ra quyết định tử hình với chú của mình, ông Jang Song-thaek vào năm 2013.

Ông Jang (67 tuổi), là chồng của bà Kim Kyong-hui, cô ruột của Kim Jong-un. Trước đây, ông Jang được coi là một trong những nhân vật thân cận, “cánh tay phải” của Kim Jong-un khi nhà lãnh đạo trẻ lên nắm quyền sau khi cha ông Kim qua đời.

Trước khi bị tử hình, ông Jang Song-thaek đã bị cách chức và khai trừ khỏi đảng cuối tháng 12/2013 vì phạm các tội danh "phản đảng, phản cách mạng, làm tổn hại sự thống nhất và đoàn kết trong đảng".

Đến năm ngoái, ông Kim được cho là đã tiến hành đợt thanh lọc mới nhằm vào hơn 50 quan chức với nhiều tội danh khác nhau, trong đó có cả xem phim truyền hình Hàn Quốc. Phía Seoul cho rằng các quan chức bị xử tử lần hai có dính dáng đến ông Jang Song-thaek.

Trong một diễn biến mới khác, Đặc phái viên của Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song hôm 5/2 đã tiết lộ một thông tin khiến nhiều người bất ngờ. Lãnh đạo Kim Jong-un đã trao đổi thiệp mừng năm mới với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon dù ông này là một người Hàn Quốc.

“Lãnh đạo của chúng tôi đã gửi một thiệp mừng năm mới, đáp lễ lại hành động của Tổng thư ký Ban Ki-moon trước đó”, ông Kim Song cho hay.

Bình Nhưỡng và Seoul về mặt lý thuyết vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, bởi cuộc chiến này đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Gần đây, Bình Nhưỡng đã phản đối dữ dội hành động của Hàn Quốc, tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ tại vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên bởi coi chúng là các “cuộc tập dượt xâm lược mang tính khiêu khích”.

Thoa Phạm
Theo Bloomberg