1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Duterte nói muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc vì cần vũ khí chống khủng bố

(Dân trí) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Manila muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc vì nước này cấp đạn dược, vũ khí cho Philippines để chống khủng bố, trong khi Mỹ lại ngừng giao khí tài cho Manila vì quan ngại nhân quyền.

Ông Duterte nói muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc vì cần vũ khí chống khủng bố - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte  (Ảnh: Reuters)

RT dẫn phát biểu ngày 2/4 của Tổng thống Duterte cho biết Philippines sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc bất chấp những căng thẳng có thể phát sinh trên khu vực Biển Đông. Ông Duterte cho rằng giữa Manila và Bắc Kinh không có vấn đề nào không giải quyết được về mặt chính trị, nói thêm rằng Bắc Kinh cũng cam kết giữ quan hệ hữu nghị với Manila.

Ông Duterte đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh lực lượng vũ trang Philippines một ngày trước đó bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn với Mỹ.

Tổng thống Philippines cho rằng mối quan hệ với Trung Quốc đã tốt lên sau khi Bắc Kinh đáp ứng lời kêu gọi của Manila về việc cung cấp vũ khí để chống khủng bố, trong khi Mỹ trước đó đã ngừng giao khí tài cho Philippines vì quan ngại nhân quyền.

“Trung Quốc muốn trở thành bạn với chúng ta. Họ giao cho chúng ta vũ khí, đạn dược. Tôi đến đó vì Mỹ đã không cung cấp những gì chúng ta đặt hàng”, ông Duterte nói, cho biết chỉ khi ông đề nghị Trung Quốc cung cấp vũ khí, Mỹ mới bắt đầu chú ý.

Ngoài ra, ông Duterte cũng thừa nhận rằng ông lo ngại Philippines sẽ thiệt hại nặng nề nếu tham gia vào cuộc chiến với Trung Quốc. “Nếu tôi tuyên chiến với Trung Quốc, tên lửa của họ chỉ mất 7 phút là bay tới Manila”, ông nói.

Các bình luận trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ Philippines ngày 1/4 đã trao công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc vì sự hiện diện của hàng trăm tàu nước này gần đảo Thị Tứ trên Biển Đông. Đây là hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc, Philippines và Đài Loan.

Trung Quốc hiện đang đối mặt với áp lực từ Mỹ và cộng đồng quốc tế do tuyên bố chủ quyền phi lý và các hành động bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông. Trong thời gian qua, Mỹ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại khu vực theo đúng luật pháp quốc tế.

Washington cũng từng cam kết với Manila về việc sẵn sàng để “bảo vệ” Philippines trước các cuộc tấn công vũ trang tại Biển Đông viện dẫn Hiệp ước Phòng vệ chung 1951. Ngày 1/4, Lầu Năm Góc tuyên bố sẵn lòng nâng cao tương tác, hỗ trợ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Philippines để đảm bảo một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.

Đức Hoàng

Theo RT