1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước Anh muốn giành thế thượng phong trước ngày đàm phán với EU

Trái với dự đoán của nhiều người rằng Anh sẽ gặp nhiều trắc trở khi kích hoạt Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), "đảo quốc sương mù" đang chủ động tính toán để có cuộc "chia tay" êm đềm với châu Âu.

Với việc Thủ tướng Anh Theresa May quyết định tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, nước Anh đang hướng tới một mục tiêu chiến lược rất quan trọng: Đoàn kết quốc gia và củng cố quyền lực bằng tính chính danh để rộng đường triển khai chính sách đối nội, đối ngoại trong tương lai.

Tính toán chiến lược

Bất ngờ tuyên bố bầu cử trước thời hạn vào ngày 8-6, bà May chứng tỏ bản thân đang kiểm soát tốt tình hình khi nước Anh chuẩn bị bước vào lộ trình đàm phán đầy cam go về Brexit với giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, "ván bài" bầu cử sớm không chỉ dừng lại ở việc tăng cường sức mạnh cho bà May và Chính phủ Anh trong cuộc đấu với EU, mà còn là bước đi đầy tính toán của nữ Thủ tướng Anh, nhằm tạo tính chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho Brexit và bước vào đàm phán với thế thượng phong.

Đằng sau những giải thích này là một chiến lược lâu dài với nhiều mục tiêu quan trọng, thể hiện trên cả bình diện đối nội lẫn đối ngoại. Bà May muốn gửi thông điệp rõ ràng đến Berlin, Brussels và Paris rằng toàn thể người dân Anh đang đứng sau, hậu thuẫn cho bà và ủng hộ mạnh mẽ quan điểm đàm phán của Chính phủ.

Nhiệm kỳ thủ tướng của bà May sẽ được xác nhận qua cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc, từ lá phiếu cử tri, và bà sẽ tiếp tục lãnh đạo một chính đảng đoàn kết, chiếm đa số tại Hạ viện.

Thủ tướng Theresa May phát biểu trước Hạ viện Anh. Ảnh: Shropshire Star
Thủ tướng Theresa May phát biểu trước Hạ viện Anh. Ảnh: Shropshire Star

Không ai có thể phủ nhận thực tế rằng, vấn đề ra đi hay ở lại EU đã khiến nước Anh chia rẽ sâu sắc, cả trên chính trường lẫn ngoài xã hội.

Tháng 6-2016, đa số cử tri Anh đã lựa chọn Brexit. Thế nhưng, mức độ chênh lệch giữa phe ra đi và phe ở lại không phải là nhiều (52% so với 48%).

Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, khoảng cách này đã được nới rộng hơn khi Thủ tướng May và Chính phủ Anh thành công trong nỗ lực chèo lái nền kinh tế đất nước. Có đến 69% người dân Anh mong muốn tiếp tục tiến trình ra khỏi EU và chỉ có 21% muốn điều ngược lại.

Giờ đây, bà May có sứ mệnh phải lấp đầy khoảng trống, hàn gắn những chia rẽ và mâu thuẫn do Brexit gây ra. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ nhất mà bà May luôn tìm cách truyền tải đến giới lãnh đạo EU trước thềm đàm phán.

Đoàn kết để vượt qua lộ trình thách thức

Lộ trình Brexit sẽ ẩn chứa nhiều thách thức, rủi ro khi các bên cương quyết giữ lập trường và đấu tranh vì lợi ích của mình. Vì vậy, bầu cử trước thời hạn có thể giúp tiến trình đàm phán diễn ra êm thấm hơn.

Hiện Đảng Bảo thủ do bà May lãnh đạo tuy chiếm đa số tại Hạ viện nhưng bất cứ dự luật nào cũng đều có nguy cơ vấp phải sự phản đối từ phía ba đảng đối lập chính (Đảng Lao động, Đảng Dân tộc Scotland, Đảng Dân chủ Tự do). Đó là chưa kể đến số nghị sĩ Bảo thủ sẵn sàng "nổi loạn", cản trở những chính sách của bà May.

Những gì diễn ra trước thời điểm bà May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất về thực trạng chính trường Anh. Chèo lái "con thuyền" đất nước bước vào giai đoạn lịch sử quan trọng, hẳn nhiên bà May không muốn bị "trói tay".

Đảng Bảo thủ có thể giành chiến thắng tại cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 8-6 sắp tới, và một lợi thế đa số mới sẽ được thiết lập tại Hạ viện với khoảng 100 ghế quá bán. Đó là một môi trường chính trị hoàn toàn khác so với thời điểm hiện nay.

Khi tuyên bố bầu cử sớm, bà May cho rằng người dân Anh mong muốn tự mình kiểm soát luật lệ, tài chính và đường biên giới. Một tín hiệu rất rõ ràng: Bà May sẽ tập trung khai thác những quan ngại của cử tri về vấn đề chủ quyền, nhập cư, an ninh cũng như triển vọng nền kinh tế để thu hút lá phiếu bầu.

Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May sẽ thắng cử một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tờ The Economist ngày 18-4 nhận định rằng, do tính chất của các cuộc đàm phán giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU), cuộc bầu cử sắp tới sẽ trở thành một cuộc đua tranh phức tạp hơn nhiều so với các cuộc tổng tuyển cử trước đây.

Bà May được bầu làm Thủ tướng không phải qua tổng tuyển cử mà thay cựu Thủ David Cameron bằng bầu chọn trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Trong tuyên bố kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử sớm, bà May đã hàm ý coi đây là cơ hội để hàn gắn những chia rẽ trong nội bộ nước Anh đối với vấn đề Brexit.

Chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sẽ giúp bà May nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho kế hoạch của bà, kể cả phương án Brexit "cứng", trong đó có việc thảo luận để Anh ra khỏi thị trường chung châu Âu, một điểm mà cuộc trưng cầu dân ý đã không đề cập đến một cách rõ ràng.

Không phải là “phá dỡ” mà là “xây dựng”

Tuy nhiên, tiến hành tổng tuyển cử sớm cũng mang lại một số rủi ro cho nữ Thủ tướng Anh. Việc tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian chuẩn bị chưa đầy hai tháng sẽ lấy đi rất nhiều thời gian và sức lực của Chính phủ, trong khi Chính phủ chỉ có khoảng hai năm để đàm phán các điều khoản cho tiến trình Brexit.

Tình hình bất ổn tại Scotland và Bắc Ireland cũng là một yếu tố phức tạp. Gần đây, bà May đã bác đề nghị của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon về trưng cầu dân ý độc lập tại Scotland. Trong khi đó, tại Bắc Ireland, việc thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực hiện vẫn chưa được thống nhất và có thể sẽ lại có một cuộc bầu cử mới nữa ở đây.

Theo nhận định của giới chuyên gia tại Anh, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017 vẫn tồn tại sự chia rẽ về quan điểm chính sách giữa các chính đảng trong một loạt lĩnh vực chủ chốt như kinh tế, giáo dục, lương hưu...

Không chỉ có vậy, người dân Anh và châu Âu vẫn luôn ý thức được rằng, nước Anh vẫn là một phần quan trọng trong nền kinh tế của khu vực. Sự sụt giảm ở Anh sẽ làm tổn thương phần còn lại của EU.

Chính vì điều này, nước cờ chiến lược của Thủ tướng May muốn “nhắn” đến châu Âu và cử tri trong nước một thực tế rằng: Anh không thể có cái bánh của riêng mình. Nhiệm vụ đặt ra bây giờ không phải là “phá dỡ” mà là “xây dựng” mối quan hệ mới trong tương lai gần nhất có thể giữa Anh và EU. Điều này sẽ khiến cho các cử tri cân nhắc kỹ càng khi bỏ lá phiếu vào ngày 8-6 tới.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân