1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nữ y tá Mỹ tiết lộ động trời về sự "hỗn loạn" trong ứng phó Ebola

(Dân trí) - Bệnh viện tại Mỹ nơi có 2 trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm Ebola sau khi điều trị bệnh nhân ngày 16/10 đã phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận sai sót, sau khi một y tá tiết lộ những sự “hỗn loạn” động trời trong công tác ứng phó dịch tại đây.


Briana Aguirre thuật
lại công tác phòng chống Ebola tại viện của mình

Briana Aguirre thuật lại công tác phòng chống Ebola tại viện của mình

Bệnh nhân Thomas Duncan, 42 tuổi, là người đầu tiên được chẩn đoán nhiễm Ebola tại Mỹ và đã tử vong tại Bệnh viện Giáo hội Trưởng lão tại Texas hôm 8/10. Hai trong số những y tá tham gia điều trị cho người này là Nina Pham và Amber Vinson đã nhiễm virus sau đó.

Phát biểu tại một phiên điều trần trước quốc hội tại Washington, tiến sỹ Daniel Varga, một lãnh đạo của cơ quan y tế bang Texas thừa nhận: “Chúng tôi đã chẩn đoán không chính xác các triệu chứng bệnh Ebola của ông ấy. Chúng tôi xin lỗi sâu sắc. Dù có mục đích cao nhất cùng các nhân viên y tế chuyên môn cao, chúng tôi vẫn phạm sai lầm”.

Những thừa nhận trên được đưa ra sau khi Briana Aguirre, một y tá của bệnh viện trên đã miêu tả cảnh tượng “hỗn loạn” tại bệnh viện, khi các nhân viên không hề biết phải phòng chống virus này ra sao.

Aguirre cho biết bộ đồ bảo hộ mà mình nhận được có một lỗ hổng lớn ở cổ, còn các trang thiết bị dùng để điều trị các bệnh nhân nghi nhiễm Ebola được xếp đống nhiều ngày ở hành lang bệnh viện.

Không những vậy, theo y tá này, những người nghi nhiễm Ebola được đẩy đi khắp bệnh viện trên xe lăn mà không mặc đồ bảo hộ. Trong khi đó các bác sỹ được thông báo có thể di chuyển bệnh nhân từ phòng này sang phòng khác mà không cần khử trùng.

Những tố giác của Briana Aguirre được đưa ra đúng lúc công tác phòng chống dịch Ebola của Mỹ đang bị chỉ trích ngày một nhiều.

Một số chính trị gia còn kêu gọi ông Tom Frieden, giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) từ chức, với khẳng định tổ chức này đã cho thấy “những thất bại hiển nhiên”. Một số ý kiến khác thì yêu cầu Tổng thống Barack Obama hạn chế hoạt động giao thông đường không từ Tây Phi, nơi căn bệnh này đã khiến 4500 người thiệt mạng.

Trong đoạn phỏng vấn đầy nước mắt, y tá Aguirre thừa nhận mình sợ sẽ mất việc, nhưng tin rằng các đồng nghiệp sẽ “tự hào” về những gì chị nói ra.

“Tôi không thể bảo vệ bệnh viện của mình thêm được nữa. Tôi thấy xấu hổ cho bệnh viện của mình. Tôi thấy họ vi phạm những quy tắc cơ bản về chăm sóc y tế”.

Khi nhập viện, bệnh nhân Duncan được đưa vào khu vực có tới 7 bệnh nhân khác, và phải mất 3 tiếng, viện này mới liên lạc với CDC.

Một y tá khác chăm sóc người nghi nhiễm Ebola này cũng đồng thời chăm sóc cho 3 bệnh nhân khác vào thời điểm đó. Cảnh tượng thật “hỗn loạn”.

“Khi chúng tôi liên hệ với khoa lây nhiễm để hỏi quy trình là gì. Họ trả lời “chúng tôi không biết””, Aguirre nói. “Không hề có biện pháp phòng ngừa đặc biệt, không có trang phục bảo hộ đặc biệt. Chúng tôi đã không biết phải làm gì với các mẫu bệnh phẩm của ông ấy”.

Khi y tá gốc Việt Nina Phạm bị ốm, Aguirre được giao nhiệm vụ điều trị cho người này. Mà theo chị thì trang phục bảo hộ mình được cung cấp thiếu thốn kinh khủng. Miệng và mũi của Aguirre không được che kín do có một lỗ hổng vài centimet ở cổ.

Các quan chức của bệnh viện nói Aguirre cứ bịt nó lại bằng băng dính.

“Tôi không thể tin được rằng khi mà dịch Ebola đã bước sang tuần thứ hai, trang phục bảo hộ duy nhất mà họ cung cấp cho chúng tôi lại để hở cổ”, Aguirre bức xúc. “Không có ai tới thu gom rác suốt 2 ngày. Nó đã thực sự chạm tới trần nhà. Phòng chứa rác đã bị đầy”.

Virus Ebola có thể tồn tại tới vài ngày trong dịch tiết ra từ cơ thể, ví dụ như máu, ở nhiệt độ bình thường.

Khi được hỏi liệu có muốn được điều trị tại chính bệnh viện của mình, Aguirre tuyên bố: “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, bằng mọi cách để từ chối điều trị tại đó. Tôi cảm thấy mình chịu đầy rủi ro khi tới đó. Nếu tôi không thực sự nhiễm Ebola, tôi cũng có thể bị lây từ đó”.

Y tá này cho biết công tác chuẩn bị để điều trị Ebola bao gồm một “buổi họp chuyên đề không bắt buộc”. “Thậm chí chúng tôi còn không được khuyến khích nên tham gia. Tôi không nghĩ có bất kỳ cơ quan nào tại đất nước này sẵn sàng với những gì được trông đợi”.

Hai y tá bị nhiễm bệnh tại viện trên được được di chuyển tới các địa điểm khác. Trong khi Nina Phạm được đưa tới Viện y học quốc gia Mỹ tại Washington, bà Vinson được chuyển tới bệnh viện đại học Emory tại Atlanta.

Thanh Tùng

Theo Telegraph