1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nỗi lo khủng bố ám ảnh toàn thế giới

Chưa khi nào, mối lo ngại về khủng bố lại bao trùm lên một phạm vi rộng lớn như hiện nay. Chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi giật mình khi nhìn vào bản Báo cáo về khủng bố toàn cầu năm 2014 do Bộ Ngoại giao Mỹ mới công bố.

Các vụ tấn công tăng chóng mặt

Theo AFP, Báo cáo về khủng bố toàn cầu năm 2014 do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 19-6 cho biết, số vụ tấn công do các phần tử khủng bố tiến hành trong năm 2014 đã tăng 35% so với năm 2013 và có tới 81% các vụ tấn công gây thương vong.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có gần 33.000 người bị giết hại trong khoảng 13.500 vụ tấn công khủng bố xảy ra trên khắp thế giới, so với 9.707 vụ và hơn 17.800 người thiệt mạng của năm 2013. Như vậy trung bình mỗi tháng, trên thế giới xảy ra hơn 1.110 vụ tấn công.
 
Các tay súng IS tại Iraq trong một cuộc phô trương lực lượng trên đường phố. (Ảnh:
Các tay súng IS tại Iraq trong một cuộc phô trương lực lượng trên đường phố. (Ảnh: aljazeera.com)

Trong đó, đáng chú ý có tới 20 vụ tấn công được liệt vào hàng “thảm sát”, mỗi vụ khiến hơn 100 người thiệt mạng. Điển hình như vụ tấn công của lực lượng Taliban nhằm vào một trường học ở Peshawar, Pakistan, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng, hay vụ các tay súng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công một nhà tù ở thành phố Mosul của Iraq làm 670 tù nhân thiệt mạng.

Nên nhớ rằng, năm 2013 chỉ xảy ra 2 vụ tấn công khủng bố kiểu này!

Ngoài ra, năm 2014 cũng có hơn 9.400 người là nạn nhân của các vụ bắt cóc, bắt giữ con tin trong các vụ tấn công khủng bố, cao gấp 3 lần so với năm trước đó. Hầu hết các vụ bắt cóc con tin xảy ra ở Iraq, Nigeria và Syria.

AP dẫn thông tin trong báo cáo cho biết thêm, các cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại 95 quốc gia, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông, Nam Á và Tây Phi. Hơn 60% các vụ tấn công xảy ra tại 5 quốc gia là Iraq, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ và Nigeria, và nếu tính cả Syria thì 81% các vụ tấn công gây thương vong dẫn tới đổ máu, chết người.

Báo cáo còn nhấn mạnh sự gia tăng số lượng các vụ tấn công được gọi là "sói đơn độc" ở phương Tây-ám chỉ các vụ tấn công do các phần tử khủng bố, cực đoan hoạt động đơn độc tiến hành, chẳng hạn như vụ tấn công khủng bố ở Quebec và Ottawa, Canada, hay ở Sydney, Úc vào cuối năm ngoái. Những vụ tấn công kiểu này dường như ngày càng được các nhóm khủng bố “ưa chuộng” hơn, nhất là trong bối cảnh các quốc gia phương Tây tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh.

Ngoài ra, các tay súng cực đoan cũng sử dụng các hình thức tấn công khủng bố với mức độ hung hãn và tàn bạo hơn nhằm trấn áp và gây hoang mang cho cộng đồng. Thực tế cho thấy năm 2014, các vụ tấn công gây thương vong hàng loạt, các vụ hành quyết tàn bạo đã xuất hiện thường xuyên hơn so với những năm trước đó.

IS “tiếm ngôi” Al Qaeda

Theo Thời báo Phố Wall, trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, IS đã thay thế Al Qaeda để trở thành “nhóm khủng bố hàng đầu thế giới".

Trong khi IS ngày càng lộng hành và nổi lên như một “thế lực mới" của “phong trào khủng bố toàn cầu”, Al Qaeda đã cho thấy những dấu hiệu suy yếu, một phần là do nhóm này tiếp tục mất đi những lãnh đạo chủ chốt. Mặc dù vậy, báo cáo cho rằng, Al Qaeda vẫn tỏ ra rất linh hoạt và là “nguồn cảm hứng” để các nhóm khủng bố khác ở Yemen, Syria và Bắc Phi thực hiện các vụ tấn công.

Sự lớn mạnh của IS một phần là do nhóm này có cách thức hoạt động và mở rộng lực lượng rất tinh vi. IS thường sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội phổ biến nhất như YouTube, Facebook và Twitter để đưa ra những thông điệp của mình, chiêu mộ thêm các phần tử cực đoan và hình thành các mối liên hệ với các chi nhánh bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria.

Ngoài ra, cuộc nội chiến ở Syria cũng được coi là một "yếu tố quan trọng" dẫn tới sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố. Báo cáo cho biết, mặc dù đã có một liên minh chống IS toàn cầu và một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc đi lại của các tay súng nước ngoài, song trong năm 2014 vẫn có tới hơn 16.000 tay súng nước ngoài tràn đến Syria và Iraq tham gia các nhóm thánh chiến. Tỷ lệ các tay súng nước ngoài đến Syria thậm chí còn lớn hơn số tay súng đến Afghanistan, Iraq, Yemen và Somali vào bất cứ thời điểm nào trong suốt 20 năm qua.

Báo cáo cho rằng, mặc dù những nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế đã bước đầu cho thấy tác dụng, song việc IS chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria cũng như phản ứng yếu kém của chính phủ nhiều nước là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới.

Riêng với Mỹ, báo cáo khẳng định Washington đã và đang chuyển đổi chiến lược chống khủng bố của mình. Mỹ và hơn 60 quốc gia đã lập ra một liên minh mang tính toàn cầu để ngăn chặn bước tiến của IS, đối phó với việc tài trợ cho khủng bố cũng như tình trạng các tay súng nước ngoài ồ ạt gia nhập “thế giới khủng bố”.

Theo Trung Dũng
Quân đội Nhân dân