1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nội các Đức "chia đôi quyền lực"

Bà A.Merkel, người sắp tới sẽ trở thành Thủ tướng nước Đức, vừa công bố danh sách đề cử nội các mới vào hôm 17/10. Những bế tắc chính trị tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và hùng mạnh nhất châu Âu có dấu hiệu được khai thông nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức.

Dựa trên cơ sở những thỏa thuận về chia sẻ quyền lực đã đạt được, Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel cùng đồng minh là Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) giữ 8 ghế bộ trưởng trong nội các mới, tương đương với số ghế dành cho đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm G.Schroeder.

 

Trong danh sách đề cử nội các do bà Merkel công bố hôm 17/10, khái niệm "chia đôi quyền lực" được thể hiện rất rõ với việc các ghế chủ chốt được chia đều cho các bên. Được đề cử vào chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Lao động là ông F.Muentering, 65 tuổi, Chủ tịch SPD. Một nhân vật SPD khác là ông F.Steinmeier, 49 tuổi, giữ ghế Ngoại trưởng. Trong khi đó, cựu lãnh đạo CDU W.Schaeuble nắm Bộ Nội vụ còn ông F.Jung, cũng thuộc CDU, đứng đầu Bộ Quốc phòng. Sau ngoại giao và quân sự, lĩnh vực kinh tế - tài chính cũng được chia đều. Ông E.Stoiber thuộc CSU giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ còn người đứng đầu ngành tài chính là ông P.Steinbrueck của SPD.

 

Nhìn trên tổng thể, những đề cử của bà Merkel phần nào phản ánh chủ trương bảo thủ của CDU. Bằng chứng là có khá nhiều gương mặt quen thuộc trong danh sách nội các vừa được công bố. Ông W.Schaeuble từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ thời Thủ tướng H.Kohl và là nhân vật chủ chốt trong tiến trình đàm phán thống nhất nước Đức. Bà Merkel giải thích về lựa chọn của mình: "Schaeuble là một người có kinh nghiệm về an ninh nội địa và chống khủng bố. Ông ấy sẽ giúp chúng ta có một World Cup thành công vào năm tới". Ứng viên Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Stoiber cũng là gương mặt quen thuộc trên chính trường Đức bởi là Thống đốc bang Bavaria. Được đề cử ghế Bộ trưởng Nông nghiệp là ông H.Seehofer, người từng phản đối chính sách cải cách khi còn giữ chức Bộ trưởng Y tế dưới thời ông Kohl.

 

Việc bà Merkel công bố danh sách nội các là dấu hiệu cho thấy nỗ lực đàm phán thành lập chính phủ liên minh đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều thách thức phía trước và kêu gọi các bên linh hoạt hơn trong quá trình đàm phán. Một trong những thách thức lớn nhất là kế hoạch cải cách chính sách lao động. Trong khi bà Merkel muốn nới lỏng các điều luật quy định về sa thải người lao động thì SPD lại chống đối quyết liệt ý định này. Một vấn đề gây tranh cãi nữa là đề xuất của bà Merkel về tăng mức thuế bán hàng từ 16% lên 18%. Do còn nhiều bất đồng chưa được dàn xếp, tiến trình đàm phán thành lập chính phủ giữa liên minh CDU-CSU và SPD dự kiến sẽ kéo dài khoảng một tháng nữa. Và có thể tới cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 thì Quốc hội mới có thể thông qua chính phủ mới.

 

Theo Đỗ Hùng

Thanh niên/DPA, BBC, CNN