1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những toan tính quanh vấn đề hạt nhân của Iran

(Dân trí) - Chương trình phát triển hạt nhân của Iran đang là vấn đề ngày càng gay gắt và phức tạp. Dường như càng nhiều nỗ lực được thế giới xúc tiến, nút bế tắc quanh vấn đề này càng thắt chặt. Phải chăng lý do chưa thể có một giải pháp là do những toan tính?

 
Những toan tính quanh vấn đề hạt nhân của Iran - 1

Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình

Toan tính của Iran

Chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của Iran được triển khai từ những năm 1970, dưới sự giúp đỡ kỹ thuật của các công ty Tây Đức, rồi đến Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Iran luôn khẳng định chương trình phát triển năng lượng hạt nhân chỉ vì mục đích hoà bình, nhưng chương trình này ngày càng trở thành “vấn đề lớn và phức tạp”, đặc biệt kể từ đầu năm 1979, khi quan hệ Mỹ - Iran bị đóng băng sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran lật đổ chế độ quân chủ Palavi thân Mỹ. Sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York (Mỹ), quan hệ Mỹ-Iran càng diễn biến phức tạp.

Mỹ và các nước phương Tây nghi ngờ Iran đang bí mật phát triển bom hạt nhân, nhưng Tehran khăng khăng bác bỏ yêu cầu chấm dứt chương trình làm giàu urani. Một loạt biện pháp trừng phạt đã được Mỹ và phương Tây thông qua Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt với Iran trong những năm qua: yêu cầu Iran ngừng chương trình làm giàu hạt nhân và các hoạt động nhạy cảm khác (nghị quyết năm 2006); áp đặt những hạn chế đi lại và phong tỏa tài sản đối với các cá nhân và các công ty của Iran có liên quan các chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran (nghị quyết năm 2006); đưa thêm những cá nhân và công ty Iran vào danh sách đen và cấm buôn bán một số vũ khí với Iran (nghị quyết năm 2007).

Tình hình thêm căng thẳng khi ngày 11/2 vừa qua, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Tehran đã sản xuất mẻ urani làm giàu ở cấp độ 20% đầu tiên phục vụ chương trình hạt nhân của nước này. Nghị quyết Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ thông qua ngày 9/6 vừa qua là nghị quyết thứ tư, mà Tổng thống Mỹ gọi là “cứng rắn nhất” với Tehran.

Có 3 lý do chính Iran biện minh nỗ lực sở hữu hạt nhân của mình: Đầu tiên là để tự vệ (Tehran nêu ví dụ cuộc chiến Iran -Iraq giai đoạn 1980 – 1988, với hàng trăm quả tên lửa tàn phá tan hoang nhiều thành phố của nước này). Lý do nữa là để ngăn chặn “âm mưu của Mỹ thay đổi chế độ ở Iran, trong bối cảnh quan hệ Tehran-Washington ngày càng căng thẳng. Ngoài ra, ban lãnh đạo Iran luôn tâm niệm rằng cùng con bài dầu mỏ, vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng uy tín của Iran trong khu vực.

Chiến lược của Mỹ

Mỹ khao khát thiết lập các mối quan hệ với Iran ngoài lý do tôn giáo còn vì lý do chính là tham vọng thâm nhập Trung Á và vùng Kavkaz cùng những mỏ dầu khí có trữ lượng khổng lồ. Chính vì vậy, chính sách của Mỹ với “mồi nhử hạt nhân Iran” không phải lúc nào cũng “một mặt”: Washington luôn “để ngỏ cánh cửa đối thoại song phương” với Tehran, nhưng nhiều lúc cũng để ngỏ cả những lời đe dọa trừng phạt và tấn công quân sự. Khi Nga, Trung Quốc cũng như một số quốc gia phương Tây khác không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới chống Iran thì Mỹ gia tăng các cuộc vận động hành lang. Còn khi mọi sự đồng thuận dường như sẵn sàng thì Mỹ lại phớt lờ với hy vọng chính quyền Tehran thay đổi quan điểm.

Con bài hạt nhân của Iran chỉ là cái cớ để Mỹ gây sức ép đối với chính quyền Tehran, đồng thời thực hiện một cuộc chiến tranh làm tiêu hao sinh lực chống lại nhà nước Hồi giáo. Đó là lý do Mỹ tuyên bố sẽ không ngừng lại hay trì hoãn nỗ lực nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Iran, bất chấp thỏa thuận trao đổi hạt nhân mới của Tehran với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil vừa đạt được tháng trước trong nỗ lực tránh cho Iran một nghị quyết trừng phạt thứ tư. Theo thỏa thuận mới, Iran sẽ chuyển 1.200 kg urani được làm giàu cấp độ thấp (LEU) từ trong kho của họ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 6/2010 để đổi lấy 120 kg urani đã được làm giàu 20% để sử dụng tại Lò phản ứng Nghiên cứu Tehran (TRR) nhằm sản xuất các chất đồng vị y tế.
 
Những toan tính quanh vấn đề hạt nhân của Iran - 2

Tổng thống Iran 8/6 cảnh báo sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán hạt nhân

Tầm quan trọng với Nga, Trung Quốc

Nga và Trung Quốc là hai trong số 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ (gồm cả Mỹ, Anh, Pháp). Được xem như 2 trong số những quốc gia có nhiều lợi ích ở Iran nhất, ban đầu, rõ ràng cả Nga và Trung Quốc đều không ủng Mỹ trừng phạt thêm Iran.

Nhiều phân tích cho rằng nếu Nga làm suy yếu quan hệ với Iran - một cường quốc khu vực quan trọng - vị thế của Nga ở Trung Đông có thể bị suy giảm. Ngoài ra, mối quan hệ song phương này xấu đi cũng sẽ làm tổn thương các lợi ích kinh tế của Nga. Nga, cũng giống như Mỹ, muốn Iran không sở hữu các vũ khí hạt nhân. Nhưng thực ra, về mặt địa lý, Nga ở gần các nước sở hữu vũ khí hạt nhân (Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan), nên một Iran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ không làm cho Nga phải hoảng sợ. Ngoài ra, Nga có danh sách các ưu tiên riêng của mình, đặc biệt là bảo đảm rằng các khoản dự trữ về dầu thô và khí đốt tự nhiên được sử dụng như một lực đòn bẩy để cải thiện nền kinh tế Nga. Nga đã ký với Iran “Hiệp định về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình”, theo đó đã giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở tỉnh Bushehr với công suất 1.000 mêgaoát (sẽ vận hành vào tháng 8 tới). Theo kế hoạch, trong vòng 15 năm, Nga sẽ giúp Iran xây dựng thêm 5 nhà máy điện hạt nhân có cùng công suất. Kim ngạch thương mại Nga-Iran đã đạt tới 3 tỷ USD hồi năm ngoái.

Trong khi đó, chủ trương của Trung Quốc vẫn là “giải pháp hòa bình”, muốn bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, cũng như nguyên tắc không phổ biến hạt nhân. Iran là một đối tác cần thiết đối với Trung Quốc. Iran hiện là quốc gia cung cấp dầu lửa lớn thứ thứ ba của Trung Quốc sau Arập Xêút và Angola. Kim ngạch thương mại hai chiều Bắc Kinh-Tehran năm ngoái là 21,2 tỉ USD. Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq đã đẩy Trung Quốc xích lại gần hơn với Iran. Hiện nay, có 2.000 nhân viên Trung Quốc đang làm ăn sinh sống tại Iran. Hành khách trên các chuyến bay Đubai-Tehran, đôi khi có một nửa là hành khách của Trung Quốc.

Nhiều phân tích cho rằng do lo ngại một thỏa hiệp giữa Mỹ và Iran đe dọa đến tương lai của mình, Nga đã miễn cưỡng ngả sang Mỹ và cam kết ủng hộ Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Còn Trung Quốc phải hỗ trợ cho Iran, song cũng muốn tránh bị cô lập về ngoại giao. Chiến lược của Trung Quốc hiện nay là chấp nhận thảo luận, và khi không thể đẩy lùi được các biện pháp trừng phạt Iran thì cũng sẽ cố để giảm nhẹ các biện pháp này. Thái độ của hai nước này được thể hiện qua hai phiếu ủng hộ nghị quyết thứ 4 trừng phạt Tehran hôm 9/6.

Châu Âu và “những điều không thực tế”

Người châu Âu đã bị lôi kéo vào việc trợ giúp cho Washington ngay từ khi bắt đầu xảy ra tranh cãi về vấn đề hạt nhân của Iran. Ba đối tác châu Âu chính của Tehran gồm Pháp, Đức và Anh đã cùng nhau tạo thành một nhóm “bộ Ba” nhằm kêu gọi Iran ngừng các hoạt động hạt nhân của mình để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời cũng tránh bị cô lập khỏi các nguồn tài nguyên. Pháp và Đức miễn cưỡng ủng hộ Mỹ, Anh cũng vậy. Nhưng Anh, quốc gia có nhiều lợi ích dầu lửa ở Iran, sau đó đã “bật” lại. Đức vốn được coi là thị trường dầu lửa số 1 thế giới kể từ năm 1908, bị thiệt thòi hơn cả bởi nếu liên minh với Tehran, Đức sẽ bị Washington lấy lại khu vực người Shiite ở Iraq và giành lại vai trò đầu tàu trên thị trường dầu lửa thế giới.

Các nước châu Âu, chẳng hạn như Pháp và Italia, cảm thấy rằng việc ngừng các dự án đầu tư của họ với Iran sẽ là điều không thực tế. Người châu Âu đã không thích thú về vấn đề này. Ngay từ năm 1996, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sự không hài lòng về việc Washington đã thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt các công ty dầu khí châu Âu đang hoạt động tại Iran với lý do từ các hoạt động khủng bố của nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil - thể hiện sức mạnh

Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng và Brazil - ứng cử viên số một trong số các nước Mỹ Latinh đang chạy đua chiếc ghế thường trực tại HĐBA, đang muốn đóng vai trò hòa giải trong vấn đề hạt nhân của Iran. Tổng thống Ahmadinejad đã có lời ngợi khen với thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân được Iran nhất trí với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil mới đây, gọi đó là một "cơ hội lịch sử" để phá vỡ tình trạng bế tắc.

Brazil chống lại các biện pháp trừng phạt vì họ cho rằng chúng không hiệu quả và làm gia tăng căng thẳng. Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Brazil Lula đang nhìn nhận cuộc đàm phán với Iran như một hình thức chống lại sự thống trị của Mỹ và thúc đẩy vai trò của Brazil như thành viên có sức nặng trong cuộc chơi toàn cầu. Trong khi đó, dù cố gắng đánh bóng vai trò trung gian của mình như một dấu hiệu thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của Ancara trên sân khấu thế giới, nhưng nền ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ không thể thuyết phục các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an, kể cả Trung Quốc và Nga, ngừng các biện pháp cấm vận chống Iran.

Nguyễn Viết