1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Những thành tựu ấn tượng của Cuba dưới thời Fidel Castro

(Dân trí) - Vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Cuba Fidel Castro đã từ trần ở tuổi 90, để lại nỗi tiếc thương sâu sắc trong lòng người dân Cuba nói riêng và người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung. Những di sản mà ông để lại cho quốc gia Carribe này, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục, là vô giá và trường tồn.


Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro (Ảnh: AP)

Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro (Ảnh: AP)

Hệ thống y tế hàng đầu khu vực Mỹ La-tinh

Ông Fidel Castro không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất mà còn là một lãnh đạo có tầm nhìn xa và hết lòng vì người dân đất nước. Minh chứng rõ nhất là điều này là chính sách đầu tư phát triển hệ thống y tế và chú trọng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Các số liệu đã chỉ ra rằng, với chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn, Cuba hiện đang sở hữu một hệ thống y tế hàng đầu khu vực châu Mỹ La-tinh và là một trong những nước có chính sách chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới.

Trước năm 1959, tức là trước cuộc cách mạng Cuba, nước này chỉ có khoảng 6.400 bác sĩ. Tính trung bình thời đó, một bác sĩ phải chăm sóc cho khoảng 1.058 người dân. Sau khi cách mạng thành công và ông Fidel lên nắm quyền, số bác sĩ của nước này đã tăng lên nhanh chóng và hiện là hơn 76.000 bác sĩ, đạt tỉ lệ 1 bác sĩ/155 dân. Điều này giúp tạo điều kiện để các bác sĩ có thể chăm sóc cho người bệnh hiệu quả hơn rất nhiều.

Không chỉ vậy, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Cuba là 5,3/1.000, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Tỉ lệ này tương đương với các quốc gia phát triển ở châu Âuvà Bắc Mỹ, khu vực có hệ thống y tế được đánh giá hàng đầu.

Tuổi thọ trung bình của người dân Cuba năm 2014 là 78,2 tuổi, thấp hơn không nhiều so với tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ là 79,5.

Năm 2007, Cuba có 248 bệnh viện, tất cả đều là công lập. Điều 50 trong hiến pháp nước này quy định mọi người dân Cuba đều được điều trị miễn phí tại bệnh viện. Tháng 7/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ được tình trạng truyền virus HIV từ mẹ sang con.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế trong nước, các bác sĩ Cuba cũng được cử sang nước ngoài để giúp đỡ các nước có nền y tế kém phát triển hơn. Điều này cũng giúp La Habana khẳng định vị thế của mình.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Cuba đã điều một nhóm bác sĩ đến hỗ trợ Algeria khi nước này bị thiếu nhân viên y tế trầm trọng do các bác sĩ người Pháp rút về nước sau khi kết thúc chiến tranh.

Hơn một nửa số bác sĩ Cuba được cử sang các nước như Venezuela và Bolivia để hỗ trợ việc nghiên cứu, điều trị. Năm 2014, Cuba đã cử 256 chuyên gia y tế đến các nước Tây Phi để đối phó với dịch Ebola.

Năm 1980, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố sẽ đầu tư vào nghiên cứu công nghệ sinh học “chạy đua” với các nước phương Tây. La Habana đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào lĩnh vực này trong suốt hơn 30 năm qua.

Cũng là điều dễ hiểu khi y tế và dược phẩm là những lĩnh vực then chốt mà Mỹ chú trọng trong tiến trình tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Những thành tựu trong lĩnh vực y tế mà Fidel Castro để lại cho Cuba là không thể phủ nhận. Trong một phát biểu hồi tháng 3, ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, khẳng định: “Cuba đã đạt được những thành tựu vượt trội trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Họ gửi bác sĩ tới mọi nơi trên thế giới. Họ cũng có nhiều thành tựu về giáo dục”.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng ca ngợi Fidel Castro là một huyền thoại cách mạng và ông đã “làm nên những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực y tế và giáo dục tại Cuba”.

Nền tảng giáo dục vững chắc

Giáo dục cũng là một thành công vượt bậc của Cuba. Lãnh tụ Fidel Castro cho rằng tương lai của Cuba “phải là những nhà khoa học”. Bất chấp những khó khăn về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel, Cuba dần hoàn thiện hệ thống giáo dục của mình.

Vào những năm 1950-1951, tại Cuba chỉ có 7.614 trường học. Con số này đã tăng lên 12.207 trường vào năm 2000. Khi đó, ở Cuba có một khẩu hiệu: “Nếu bạn không biết, hãy học. Nếu bạn biết, hãy dạy”.Tỉ lệ người dân biết chữ tại Cuba hiện đạt 99,8% và mọi trẻ em đều được miễn học phí hết bậc đại học. Bố mẹ cũng không phải trả tiền đồng phục, sách vở cho con cái.

Năm 1950, tỉ lệ trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường chỉ chiếm chưa đến 50%. Chỉ 40 năm sau, 100% trẻ em đã được đi học. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), Cuba có 80.000 giáo viên tiểu học năm 2000, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 1958-1959.

Hiện khoa học và giáo dục vẫn là trọng tâm phát triển đất nước dưới thời Chủ tịch Raul Castro. Cuba hiện có 10.300 tiến sĩ và 45.000 thạc sĩ. Có thể nói, bên cạnh y tế thì giáo dục là một niềm tự hào lớn của người dân Cuba.

Nhật Minh

Tổng hợp