1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Những "hòn chì" ném qua ném lại

Thỏa thuận gia hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga đã được chính thức được thông qua trong cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Luxemburg ngày 22-6. Nga đã gọi động thái này là “một kiểu tống tiền vô nghĩa”.

Như vậy, bất chấp những thiện chí từ phía Nga, các cuộc trả đũa qua lại giữa hai bên kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại Ucraina vẫn chưa thể chấm dứt.

EU đã nhất trí gia hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan tới sự kiện bán đảo Crưm sáp nhập Liên bang Nga hồi tháng 3 năm ngoái. Hội đồng châu Âu (EC) cho biết, 28 nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu khi nhóm họp tại Brussels, Bỉ hôm 19-6 đã tiếp tục lên án việc Liên bang Nga sáp nhập Crưm và khu vực Sevastopol, đồng thời cam kết duy trì thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận tính hợp pháp của sự kiện này.
 
Thỏa thuận được các đại sứ EU nhất trí tại Brussels chính thức được thông qua trong cuộc họp của các ngoại trưởng EU hôm 22-6. Quyết định lần này của EU cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đã được nhất trí hồi tháng 6 năm ngoái, trong đó có lệnh cấm các tàu du lịch hoạt động tại các cảng Crưm và hạn chế xuất khẩu các thiết bị viễn thông và vận tải tại bán đảo này.
 
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Peterburg. (Ảnh:
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Peterburg. (Ảnh: AP)
 
Phản ứng trước những động thái của EU, ngày 20-6 Nga lên án việc EU mở rộng lệnh trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crưm là “một kiểu tống tiền vô nghĩa”. AFP dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Nga sẽ không để EU gây áp lực phải trao trả Crưm lại cho Ucraina.
 
“Crưm và Sevastopol là một phần không thể tách rời của Nga. Đây là thời điểm mà EU phải nhận ra rằng sự thật đó không thể thay đổi bằng cách “tống tiền” Nga thông qua các biện pháp kinh tế và chính trị”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ. Cũng theo tuyên bố này, các lệnh trừng phạt này sẽ “không thể đem lại điều gì”. Nga cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU là mang tính phân biệt và là một ví dụ kinh điển về việc một nhóm các nước chèn ép một nước khác.
 
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Peterburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga cởi mở với thế giới và sẽ hợp tác với phương Tây bất chấp những căng thẳng dai dẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ucraina.
 
“Nga cởi mở với thế giới. Chúng tôi tích cực hợp tác với các trung tâm tăng trưởng mới trên thế giới không có nghĩa là chúng tôi muốn giảm bớt sự chú ý tới việc đối thoại với các đối tác phương Tây truyền thống”, Tổng thống Putin nói. Cũng tại diễn đàn này, Tổng thống Putin đã đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cuộc khủng hoảng ở Ucraina.
 
Lệnh trừng phạt áp dụng đối với các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga được EU đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái, khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm sau cuộc trưng cầu ý dân với tuyệt đại đa số người dân ủng hộ.
 
Sau khi cuộc khủng hoảng tại Ucraina có dấu hiệu xấu đi, EU tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt của mình nhằm vào kinh tế của Nga với cáo buộc Nga hậu thuẫn cho phe đối lập tại Ucraina cũng như áp đặt thêm lệnh cấm đầu tư và nhập khẩu hàng hóa từ Crưm.
 
Đáp trả lại, Mátxcơva đưa ra bản danh sách "đen", liệt kê các chính trị gia EU bị "cấm cửa" tại xứ sở Bạch dương đồng thời tuyên bố cấm một số mặt hàng nông sản của EU nhập khẩu vào Nga.

Trên thực tế, gần đây đã có một số dấu hiệu khiến dư luận hy vọng hai bên sẽ "hạ nhiệt" căng thẳng. Một số quốc gia thành viên của EU đã tỏ ra mất kiên nhẫn với các lệnh trừng phạt đang đe dọa tiến trình phục hồi mong manh của nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, cả hai bên đều chưa có những bước đi thực chất để cải thiện mối quan hệ song phương.

Tổng thống Nga trong các chuyến công du gần đây đề cập tới thiện chí muốn hòa giải với phương Tây, nhưng vẫn giữ lập trường cứng rắn về tình hình Ucraina. Trong khi đó, vẫn còn nhiều thành viên EU không thay đổi quan điểm về các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cho rằng nước này đứng đằng sau cuộc khủng hoảng Ucraina. Chính vì sự không nhượng bộ lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã khiến hai bên đều chịu thiệt hại về kinh tế.

Theo số liệu gần nhất, EU đã thiệt hại ít nhất 21 tỷ euro trong "cuộc chiến" thương mại với Nga. Tuy nhiên, đây mới là con số Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đưa ra. Còn theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, EU thiệt hại khoảng 30 tỷ euro. Một vài chuyên gia EU thì đề cập con số thiệt hại là 40 tỷ euro. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng khiến Nga thiệt hại 160 tỷ USD.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chừng nào vấn đề Ucraina chưa được giải quyết triệt để, chừng đó quan hệ Nga-EU chưa thể bình thường trở lại.
 
Trong bài phát biểu hôm 19-6, Tổng thống Nga Putin nói rằng, Nga sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với khu vực miền Đông Ucraina để giúp các bên đi đến một thỏa hiệp và bảo đảm các thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 2 được thực thi đầy đủ. Tuy nhiên, ông Putin cũng tuyên bố “không thể giải quyết khủng hoảng chỉ thông qua nỗ lực từ một phía”. “Ảnh hưởng cũng cần phải được thể hiện đối với chính phủ Ucraina, mà chúng tôi không thể làm được điều này. Đây là phần việc của các nước phương Tây, là của Mỹ và EU”, lãnh đạo Nga thẳng thừng nói.

Những "hòn chì" ném qua ném lại giữa hai bên đang làm dấy lên lo ngại không biết cuộc "so găng" EU-Nga đến bao giờ mới kết thúc. Nếu EU không đạt được sự thống nhất và có phương thức đối thoại phù hợp với Nga, nếu Nga không thay đổi cách tiếp cận với EU, các hành động trả đũa nhau sẽ ngày càng khiến quan hệ hai bên lâm vào bế tắc.

Theo Ngọc Hà
Quân đội Nhân dân