1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những điểm sáng trong bức tranh an ninh toàn cầu năm 2020

(Dân trí) - Dù có nhiều biến động phức tạp về an ninh trong năm 2019 nhưng thế giới vẫn xuất hiện những “điểm sáng”, như dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nga-Ukraine, cơ hội cải thiện mối quan hệ địa chính trị ở Đông Bắc Á, cho phép mọi người hy vọng vào những điều tốt đẹp trong năm mới 2020.

Những điểm sáng trong bức tranh an ninh toàn cầu năm 2020 - 1

(Ảnh minh họa: Financial Times)

Những “điểm sáng” kinh tế

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,9% trong năm 2018 và được đánh giá là “điểm sáng” trên vũ đài kinh tế toàn cầu năm 2019 với mức tăng trưởng 3,1% trong quý I, 2% trong quý II, 2,1% trong quý III và khoảng 1,5-2,3% trong quý IV. Cùng với đó, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 12/12/2019 có thể dẫn tới “một Brexit trọn vẹn”, cũng được coi là tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới, ít ra là đối với châu Âu.

Tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2019 tuy chỉ là 1,2%, thấp hơn so với mục tiêu 1,3%, nhưng giới phân tích cho rằng, nền kinh tế nước này đang có nền tảng vững chắc, bởi chính sách thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chính sách tài chính công, cũng như tăng mạnh nguồn dự trữ và sẽ không có kịch bản tồi tệ nào xảy ra với kinh tế Nga, kể cả khi kinh tế toàn cầu giảm tốc, thậm chí rơi vào suy thoái.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng hạ nhiệt khi hai nước ký thỏa thuận giai đoạn 1. Mỹ cũng đã quyết định đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Đây được xem như bước đi đầu tiên hướng đến một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, tuy thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 không tác động nhiều đến kinh tế toàn cầu, nhưng nó có thể mang lại niềm tin cho cộng đồng thế giới.

ASEAN tiếp tục là khu vực có nhiều lạc quan về kinh tế, quan hệ nội khối có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về kết cấu hạ tầng. Cả ASEAN cũng như từng nước trong khối đều chủ động mở rộng quan hệ kinh tế với bên ngoài. Quá trình đàm phán Hiệp định RCEP đã kết thúc. Quan hệ kinh tế ASEAN-Trung Quốc tiếp tục phát triển.

Bước sang 2020, các chuyên gia kinh tế dự báo Mỹ và Nga vẫn sẽ là những “điểm sáng” kinh tế. IMF đánh giá, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,0%-2,1%. WB cũng tỏ ra lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế Nga với 1,6% năm 2020 và 1,8% năm 2021, bởi tác động tích cực của “Chính sách nới lỏng tiền tệ”. Một dự báo khác cũng cho rằng, năm 2020, kinh tế Ấn Độ, Brazil cũng sẽ có thể bứt phá.

Các cải thiện quan hệ chính trị

Năm 2019, quan hệ Nga-Ukraine có dấu hiệu tan băng khi hai nước tiến hành trao đổi tù nhân và xúc tiến tổ chức các cuộc đối thoại. Cuộc trao đổi tù nhân góp phần bước đầu xây dựng lại niềm tin, mở ra cơ hội đàm phán về giải pháp cho cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Quân đội Ukraine và phe ly khai đã thực hiện giai đoạn rút quân cuối cùng. Nga, Ukraine và phe ly khai đã thống nhất lộ trình cho phép thiết lập tình trạng đặc biệt cho lãnh thổ ly khai nếu họ tiến hành bầu cử tự do, công bằng theo hiến pháp Ukraine.

Đầu tháng 12/2019, Hội nghị thượng đỉnh 4 bên giữa Nga, Pháp, Đức và Ukraine (gọi là “Bộ tứ Normandy”) tại Paris, Pháp, đã đạt bước tiến mới. Các bên thống nhất thực hiện đầy đủ lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi miền Đông Ukraine. Theo thông cáo ngày 9/12/2019, các bên cam kết thực hiện đầy đủ và toàn diện lệnh ngừng bắn, được củng cố bằng việc thực hiện tất cả biện pháp hỗ trợ ngừng bắn cần thiết trước khi kết thúc năm cũ. Cũng theo thông cáo, thêm ba khu vực xung đột ở Đông Ukraine cũng nên đạt thỏa thuận để các bên tiến hành kế hoạch rút quân mới cho đến tháng 3/2020.

Quan hệ Nga-EU cũng được cải thiện khi các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Nga và Pháp ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Vào tháng 8/2019, người đứng đầu hai nước đã trao đổi về việc bảo đảm an ninh tại châu Âu và hợp tác giữa Nga và EU, Kế hoạch JCPOA, Syria, Ukraine, Lybia, chống khủng bố và an ninh mạng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định rằng châu Âu sẽ không thể ổn định hoặc an toàn nếu không có sự rõ ràng trong quan hệ với Nga.

Trong khi đó, quan hệ Nga-Đức trở nên nồng ấm từ năm 2018, khi Tổng thống Nga Putin hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel về Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vấn đề hòa bình tại Syria, tình hình Ukraine... Những kết quả đạt được trong cuộc hội đàm cho phép kỳ vọng về sự đóng góp của hai cường quốc này cho sự ổn định, hòa bình trong khu vực và trên thế giới, nhất là sáng kiến về cơ chế đối thoại 4 bên.

Trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU, Mỹ từ bỏ vai trò tiên phong trong NATO, hòa bình và an ninh thế giới đang có nguy cơ bị đe dọa, những bước đi chủ động, tích cực của Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức với tư cách là những nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, đã mở ra thời kỳ mới cho quan hệ tốt đẹp hơn giữa các nước này và có thể cải thiện quan hệ Nga-EU.

Tại Đông Bắc Á, các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, cuối tháng 12/2019 với những kết quả tích cực. Đây là cơ hội để cải thiện và ổn định các mối quan hệ địa chính trị, thúc đẩy tích cực quan hệ Trung-Nhật, Nhật-Hàn góp phần vào sự hợp tác đa phương ở Đông Bắc Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó tại Biển Đông, cả ASEAN và Trung Quốc đều xác định muốn đẩy nhanh nhất có thể với tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đóng góp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn. 

Như vậy, trong bức tranh tối màu của an ninh toàn cầu năm 2020, giới chuyên gia dự báo, vẫn thấy có những điểm sáng, lạc quan bởi tất cả các quốc gia trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ tới châu Á, châu Phi... đều có những nỗ lực không ngừng nghỉ để hướng tới năm mới 2020 với nhiều điều mong ước và hy vọng về những điều tốt đẹp hơn.

Nguyễn Nhâm