1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Những điểm sáng giữa các thách thức của năm 2017

(Dân trí) - Năm 2017 được giới phân tích nhận định là năm nhiều thách thức, tiếp nối những biến động của năm 2016 mà đầu tiên phải kể đến cú sốc Brexit tại Anh, hiệu ứng chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ... Nhưng giữa những thách thức, năm 2017 được cho vẫn có nhiều điểm sáng.


(Ảnh minh họa: FT Montage)

(Ảnh minh họa: FT Montage)

Thế giới ổn định hơn

Việc Mỹ có tổng thống mới Donald Trump với những sách lược được cho là sẽ thay đổi bàn cờ chính trị thế giới - mang đến những rủi ro nhưng cũng có cả những cơ hội.

Theo Guardian, việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ có thể tốt cho sự ổn định địa chính trị của thế giới, ít nhất là trong ngắn hạn. “Nếu chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama là chủ nghĩa can thiệp tự do, thì ông Trump dành ưu tiên cho chính sách thực dụng giao dịch. Việc này sẽ ổn định quan hệ với Nga và Trung Quốc, khi thế giới được chia thành các phạm vi ảnh hưởng”, tờ báo viết.

Guardian nhận định thêm, ông Trump có thể để Nga gây ảnh hưởng lớn hơn ở Ukraine và Syria để đổi lấy sự kiềm chế ở Trung Âu và vùng Baltic. Ông Trump có thể chịu sự chi phối của Trung Quốc ở châu Á, miễn là điều này tránh được các cuộc xung đột với Nhật Bản và Đài Loan. Trung Đông sẽ vẫn trong tình trạng bất ổn địa chính trị; nhưng, ngay cả ở đây, chính sách của ông Trump thiên về kiểu lãnh đạo cứng rắn hơn là thúc đẩy dân chủ và điều này có thể khôi phục mức độ ổn định nào đó.

Ý kiến về quan hệ Mỹ-Trung trước đó được trang mạng National Interest (Mỹ) nhận định: “Năm "con gà" của châu Á hứa hẹn sẽ chứng kiến quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc khởi sắc”, trang mạng này viết.

Châu Âu: Đoàn kết và ổn định kinh tế

“Brexit chỉ là một trong 4 cuộc khủng hoảng mà châu Âu phải đối mặt trong năm nay 2017”, trang Oxford Analytica Daily Brief nhận định.

Trong năm 2017, EU tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về nhập cư và kinh tế. Bên cạnh đó, hiệu ứng Brexit sẽ tiếp tục lây lan. Sự tức giận và thất vọng của người dân châu Âu sau sự kiện Brexit có thể khiến họ chuyển sang ủng hộ trào lưu dân túy, cực hữu. Ngoài ra, Chính quyền mới ở Mỹ cũng như sức ép từ Nga cũng sẽ khiến EU phải đối mặt với những thách thức quốc phòng và an ninh.

Nhưng những thách thức sẽ làm EU mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn. Reuters, AP, CNN đều dẫn ý kiến giới phân tích nhận định rằng sự kiện ông Trump thắng cử có thể sẽ tạo thêm sức ép khiến châu Âu, nhất là Đức, phải đẩy mạnh chi tiêu công vào lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Trong vấn đề chống khủng bố, EU cần phải tăng cường hợp tác an ninh, phối hợp giải quyết vấn đề liên quan đến hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, ngăn chặn các hoạt động tài trợ cho sự phát triển hệ tư tưởng cực đoan này. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là EU phải xác định rõ mục tiêu tồn tại của mình, một liên bang quốc gia hay chỉ là một khu vực thương mại tự do.

Và theo trang focus.economics, bất chấp các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, kinh tế của khu vực đồng Eurozone vẫn trên đà phục hồi. Câu chuyện tăng trưởng của khu vực châu Âu vẫn ổn định trong suốt cả năm. Những cải thiện trong thị trường lao động, lạm phát thấp và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực.

Châu Á: Kinh tế khởi sắc

Dự báo kinh tế gần đây của các tổ chức tín dụng quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy năm 2017 sẽ là một năm khởi sắc cho khu vực châu Á, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực vào khoảng 5,3-5,7%.

Trang mạng National Interest cho rằng các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ giữ cho nền kinh tế lớn nhất khu vực này đi đúng hướng trước khi cuộc họp Quốc hội thứ 19 diễn ra vào mùa Thu năm nay. “Mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ quyết định liệu châu Á có thể cất cao “tiếng gáy” của mình để trở thành nhân tố tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới hay đánh mất những lợi thế lớn của mình”, trang mạng viết.

Theo National Interest, các nhà phân tích kinh tế vẫn dự báo lạc quan về khu vực Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của khu vực lên 4,5% trong năm 2016 và khu vực này sẽ đạt tốc độ tương tự vào năm 2017.

Với tín hiệu tươi sáng từ động lực châu Á, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc nhẹ vào năm 2017, sau một năm có những chuyển tồi tệ nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo WB, tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 2,7% trong năm nay, tốt hơn nhiều so với 2,3% của năm ngoái.

“Các nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với một số cơn gió ngược năm ngoái, từ các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc cho đến những đợt bất ổn thị trường tài chính”, trang tin News.com.au viết. "Chúng ta được khích lệ chứng kiến triển vọng kinh tế mạnh mẽ hơn trong năm nay", tin dẫn lời Chủ tịch WB Jim Yong Kim nói.

Tuệ An

Tổng hợp