1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những cái miệng của Nhà Trắng

Kể từ năm 1929, Nhà Trắng đặt ra chế độ họp báo và người phát ngôn của tổng thống được gọi là “Cái miệng đầu tiên của Nhà Trắng”. Họ phải bảo đảm bí mật quốc gia, đáp ứng tối đa yêu cầu đa dạng của phóng viên, đồng thời né tránh những “cái bẫy” trong các câu hỏi.

“Chia lửa” cùng tổng thống

Jim Bureitid, người phát ngôn của tổng thống Mỹ R.Reagan, với tài hài hước, được đánh giá cao trong các cuộc họp báo. Tuy nhiên, điều ông đáng được ghi vào sử sách là sự trải nghiệm đầy kịch tính. Ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng nhậm chức, khi sắp đặt lại các loại tài liệu trong tủ hồ sơ, ông đã phát hiện người tiền nhiệm để lại cho mình một chiếc áo chống đạn, trên đó có ghim một mảnh giấy ghi dòng chữ: “Điều làm anh khó xử không phải là viên đạn mà là những chuyện vặt”. Thực tế lại hoàn toàn trái ngược, chính viên đạn đã gây biết bao điều phiền hà cho đời ông.

 

Năm 1981, một buổi chiều của ngày thứ 50 sau khi nhậm chức, tổng thống R.Reagan bị mưu sát. Lúc đó, Jim tháp tùng R.Reagan, viên đạn đã găm trúng phần ngực trái của tổng thống và phần sọ của Jim. Sau một thời gian chữa trị, tổng thống đã được xuất viện, còn người phát ngôn tuy thoát chết nhưng bị liệt suốt đời. Ông buộc phải rời khỏi Nhà Trắng ở tuổi 40.

 

Sau này, khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Quản lý vũ khí, đã lấy tên của Bureitid đặt tên cho Bộ luật. Điều đó có lẽ là sự an ủi phần nào cho cuộc đời ông.

 

Người phát ngôn không nắm được tình hình

Kế nhiệm Jim Bureitid là Lari Spockhs, người có thâm niên 9 năm phục vụ trong Nhà Trắng với 3 đời tổng thống là Richard Nixon, G.Ford và R.Reagan. Nhưng ông lại không được coi là người phát ngôn đáng tin cậy bởi hơn một lần bị hớ trong các cuộc họp báo.

 

Năm 1984, Mỹ ráo riết chuẩn bị lực lượng để đưa quân vào Costa Rica, nhưng Lari lại không nắm được tình hình và phủ nhận tin này trước các nhà báo. Kết quả, sau khi quân đội Mỹ đổ bộ lên Costa Rica, các phương tiện truyền thông la lối ầm ĩ lên rằng, mình bị lừa. Sau khi rời khỏi Nhà Trắng, Lari viết sách vạch trần nội tình của Nhà Trắng, khiến bà Nancy, phu nhân của Tổng thống R.Reagan đau lòng.

 

Cũng tương tự như Lari, còn có Mancy, phát ngôn viên số một của B.Clinton. Phát ngôn viên này luôn lạc hậu với tình hình. Khi tổng thống vừa tiếp xong một vị khách nào đó, bà lại thông báo với các nhà báo rằng: “Không ai nhìn thấy tổng thống ở đâu”. Khi chính phủ tuyên bố bà Hillary sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội Olympic mùa đông thì bà lại phủ nhận nguồn tin đó. Tuy là nữ phát ngôn đầu tiên trong Nhà Trắng, nhưng bà bị coi thường, tiền lương thấp hơn mọi phát ngôn viên khác, nên bà đã xin từ chức sau hơn một năm làm việc.

 

Nói lắm hay lỡ lời

Marin Fleiswood, đảm nhiệm chức vụ người phát ngôn trong 6 năm, phục vụ hai đời tổng thống là R.Reagan và W.Bush (cha). Theo ông, công việc hằng ngày là sự “nắn gân về các mặt nghị lực, tâm lý và tài ăn nói”. “Mỗi buổi sáng hằng ngày, cánh nhà báo như một đàn sư tử tụ tập ở Nhà Trắng đòi ăn, còn mình thì như người trại viên chăm sóc chúng”, ông nói. Sự so sánh có phần khập khiễng được ca ngợi bởi tính hài hước, phản ứng nhanh và xuất khẩu thành văn.

 

Tuy nhiên, Fleiswood thường hay lỡ lời. Tại một cuộc họp báo, ông đã công khai đánh giá Gorbachev - nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây - là “thám tử chui vào phòng kín”, rồi phê phán ông Al Gore, ứng viên phó tổng thống Mỹ là “bán rẻ lợi ích quốc gia”. Trước tình hình đó, Bush (cha) chỉ khéo léo nhắc nhở và vẫn trọng dụng ông.

 

Tương tự như Fleiswood còn có ông G. Lokhad, người phát ngôn của tổng thống B.Clinton. Ông từng nói: “Muốn làm cái “miệng” của Nhà Trắng phải chiều chuộng hai ông chủ: một là tổng thống, hai là cánh nhà báo, không được phạm sai lầm với họ, nếu không “nước lên” sẽ bị “lụt”.

 

"Ý kiến của tôi thường không thống nhất với Nhà Trắng, nhưng người phải sửa mãi mãi là tôi, chứ không bao giờ là tổng thống”, Lokhad nói. Thật ra, tuy có lúc “quá lời” nhưng cũng phải thừa nhận rằng trong hơn hai năm ở cương vị người phát ngôn, gặp đúng thời điểm B.Clinton rơi vào vụ bê bối với nữ thực tập sinh Lewinsky, mặc dù cánh nhà báo ra sức “bới lông tìm vết”, ông vẫn bình tĩnh, thận trọng đối phó với các câu hỏi soi mói của các vị này.

 

Người hay nói những lời vô thưởng vô phạt

Phát ngôn viên của Tổng thống W. Bush là ông Ari Fleischer, một người nổi tiếng trong đám nhà báo. Sự kiện 11/9, chiến tranh ở Afghanistan và Iraq khiến Ari trở nên nổi tiếng ở Mỹ và trong báo giới. Đặc biệt, khi xảy ra sự kiện 11/9, ông ở trên “chuyên cơ số 1” không rời tổng thống nửa bước, giúp tổng thống khởi thảo các chỉ thị, nghe các cuộc điện đàm và luôn tỏ ra bình tĩnh trước những tình huống nguy ngập.

 

Tuy nhiên, cũng có lúc Ari “lỡ lời". Một lần có nhà báo hỏi về khả năng tấn công Iraq của Mỹ, ông đã nói toạc móng heo ra rằng: “Giá thành bắn một phát đạn vào đầu ông Saddam Hunssein còn rẻ hơn nhiều việc phát động một cuộc chiến tranh”. Câu nói ám chỉ Mỹ khuyến khích việc ám sát Tổng thống Iraq, khiến mọi người ghê tởm. Sau này, ông đã hối hận về sự lỡ lời của mình.

 

Sở trường của Ari Fleischer là “né tránh các vấn đề cốt lõi”, “mỉm cười hoặc dùng câu chữ khôn khéo để lảng tránh trả lời những câu hỏi hóc búa”. Điều đó làm cho đám nhà báo thất vọng và đau đầu. Họ gọi những lời phát biểu của Fleischer là “vô thưởng vô phạt” hoặc “vô bổ”, nhưng chính vì thế ông được Tổng thống W.Bush tín nhiệm. Sau 28 tháng phục vụ, vừa qua ông tuyên bố từ chức. Tổng thống W.Bush đã tặng một cái hôn lên chiếc đầu hói của Ari Fleischer.

 

Theo An ninh thế giới/Thời báo Hoàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm