1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhìn thấy ánh sáng sau 30 năm nhờ mắt điện tử

(Dân trí) - Một người đàn ông phải sống trong bóng tối suốt 30 năm qua giờ có thể nhìn thấy lại ánh sáng sau khi được lắp con mắt điện tử.

 
Nhìn thấy ánh sáng sau 30 năm nhờ mắt điện tử - 1

Ron, 73 tuổi, đã trải qua phẫu thuật thử nghiệm 7 tháng trước tại bệnh viện mắt Moorfield, London, Anh. Giờ ông cho biết có thể đi theo các đường kẻ trắng trên đường và thậm chí phân loại tất, bằng con mắt điện tử (mắt dùng kỹ thuật sinh học) được đặt tên là Argus II.

Mắt Argus II dùng một camera và máy xử lý video được gắn trên kính đeo mắt. Chúng có nhiệm vụ gửi hình ảnh ghi được tới một thiết bị nhận bé xíu được gắn bên ngoài mắt.

Đáp lại, thiết bị nhận chuyển dữ liệu qua một cáp nhỏ xíu tới một mạng điện cực được đặt trên võng mạc, lớp tế bào chuyên biệt thường phản ứng với ánh sáng được tìm thấy ở sau mắt.

Khi những điện cực này được kích thích, chúng gửi tín hiệu qua dây thần kinh thị giác tới não bộ, có thể tiếp nhận các dạng ánh sáng và chấm đen tương ứng với những gì điện cực được kích thích.

Điều này mở ra hi vọng các bệnh nhân khiếm thị có thể học cách “dịch” các dạng hình ảnh được tạo ra thành những hình ảnh có ý nghĩa.

Con mắt điện tử được công ty Second Sight của Mỹ phát triển. Cho đến nay đã có 18 bệnh nhân trên khắp thế giới, trong đó có 3 bệnh nhân của bệnh viện Moorfields, đã được dùng thiết bị này.

Nó được thiết kế nhằm giúp những người như ông Ron, bị mù do viêm võng mạc. Tại Anh ước tính có khoảng từ 20.000-25.000 người bị mắc bệnh này.

Ông Ron cho biết: “Trong suốt 30 năm tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì. Tất cả đều tối đen, nhưng giờ ánh sáng đã đi qua. Đột nhiên tôi có thể nhìn thấy lại ánh sáng. Thật tuyệt vời”.

“Tôi có thể phân loại các tất màu trắng, màu ghi, màu đen”, ông nói. “Một mong ước của tôi lúc này là có thể ra ngoài trong một buổi tối đẹp trời và có thể ngắm trăng”.

Bác sỹ phẫu thuật võng mạc Lyndon da Cruz, người thực hiện cuộc phẫu thuật cho ông Ron, cho biết các bệnh nhân bắt đầu nhận được những kích thích hình ảnh từ công nghệ mắt điện tử trên. “Việc cấy ghép đã ổn định và hoạt động trong suốt 6 tháng qua”. Và bước thử nghiệm ban đầu này có ý nghĩa rất lớn đối với việc chữa trị cho các bệnh nhân bị mất thị lực hoàn toàn. Nhưng việc thử nghiệm cần phải được tiến hành tiếp để xác định mức độ “thành công của công nghệ mới”.
 

Phan Anh
Theo BBC