1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản tăng cường giám sát quần đảo tranh chấp với Trung Quốc

(Dân trí) - Hôm nay, Nhật Bản đã tăng cường công tác tuần tra ở biển Hoa Đông nhân kỷ niệm một năm ngày nước này quốc hữu hóa 3 trên 5 hòn đảo ở Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư.

Nhật Bản tăng cường giám sát quần đảo tranh chấp với Trung Quốc

Tàu cảnh sát biển Nhật Bản PS206 phía trước đảo Houou, một trong những 5 hòn đảo có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Ðông.

Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất Á châu đã suy sụp tới mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Nhật Bản mua 3 trong 5 hòn đảo ở Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật vào ngày này cách đây đúng một năm.

Khi đó, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ hành động của chính phủ Nhật Bản bằng cách thường xuyên đưa tàu bè và máy bay đến tuần tra tại khu vực chiến lược này. Gần đây, các hành động của Trung Quốc còn được đẩy lên nấc thang mới với việc Bắc Kinh phái cả tàu tuần duyên, oanh tạc cơ và máy bay không người lái đến khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói rằng Tokyo sẽ giữ vững lập trường đối với quần đảo Senkaku. Ông cũng bày tỏ “rất lấy làm tiếc” trước việc Trung Quốc không ngớt phái tàu đến vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

Hôm qua, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga còn tuyên bố Nhật Bản không loại trừ khả năng phái nhân viên chính phủ đến làm việc trên những hòn đảo không có người ở này, coi đây là một hình thức bảo vệ chủ quyền hợp pháp.

Tuyên bố của ông Yoshihide Suga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của Trung Quốc, buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải đề nghị mở các cuộc thảo luận cấp cao để giải quyết. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ đề nghị này và cho rằng Tokyo phải nhượng bộ trước để giảm bớt căng thẳng.

Dưới đây là lịch sử tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc:

1894: Chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất bắt đầu.

1895:

14-1: Nhật Bản đơn phương chiếm 5 đảo và ba nhóm đá không quặng ở biển Hoa Đông, đặt tên là Senkaku.

17-4: Nhà Thanh của Trung Quốc nhượng Đài Loan và các đảo dọc theo đó cho Nhật Bản theo thỏa ước Shimonoseki, chấm dứt cuộc chiến tranh Trung-Nhật thứ nhất.

Quần đảo Senkaku không bao gồm trong thỏa ước này.

1896: Chính phủ Nhật Bản cho ông Tatsushiro Koga thuê 4 hòn đảo thuộc Senkaku là Uotsuri, Minami, Kita, và Kuba. Ông Koga thiết lập các cơ sở sản xuất cá khô và thu thập lông chim.

1932: Chính phủ Nhật Bản bán 4 đảo này cho Zenji, con trai của ông Koga. Đảo thứ 5, Taisho, vẫn thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Gia đình ông Koga xuất khẩu hải sản từ những đảo này.

1940: Gia đình Koga chấm dứt các hoạt động sản xuất tại 4 hòn đảo trên do tác động của cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhì. Từ đó, các hòn đảo này không có người ở.

1945: Nhật đầu hàng, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhật Bản trao trả Đài Loan và các hòn đảo quanh đó cho Trung Quốc theo các tuyên cáo Cairo và Potsdam. Quân đội Mỹ chiếm quyền kiểm soát chuỗi đảo Senkaku và Rykyu của Nhật Bản.

1951: Nhật Bản chấp nhận để Mỹ quản lý các đảo Rykuyu và Senkaku, có ghi trong hiệp ước San Francisco.

1969: Phúc trình của Liên hợp quốc dẫn kết quả khảo cứu cho thấy có trữ lượng lớn dầu lửa trong vùng biển của dãy đảo Senkaku.

1971: Đài Loan, Trung Quốc chính thức đòi chủ quyền trên các đảo này và gọi đó là Điếu Ngư.

1972: Nhật Bản lấy lại quyền kiểm soát Okinawa và các đảo Senkaku từ Mỹ. Đổi lại, Nhật Bản cho quân đội Mỹ sử dụng đảo Kuba (thuê lại của gia đình Koga) và đảo Taisho làm nơi tập bắn “vô thời hạn”.

Cùng năm đó, gia đình Zenji Koga bắt đầu làm thủ tục bán các đảo Kuba, Uotsuri, Minami và Kita cho gia đình Kurihara. Vụ mua bán hoàn tất năm 1988.

1978: 

Tháng 4: Hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển quanh các đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa lúc hai nước đang đàm phán hòa ước.

Tháng 6: Quân đội Mỹ đình chỉ các cuộc thao diễn bắn đạn thật tại các đảo Kuba và Taisho.

Tháng 8: Trung Quốc, Nhật Bản ký hòa ước đồng ý gác lại tranh chấp và để cho các thế hệ sau giải quyết.

1992: Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố các đảo Điếu Ngư là “lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc” theo một đạo luật mới về “Lãnh hải và vùng tiếp giáp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

1996: Đoàn thanh niên Nhật Bản dựng hải đăng trên đảo Uotsuri. Nhiều người Hồng Kông theo chủ nghĩa dân tộc toan tính đổ bộ lên đảo Uotsuri để phản đối hành động của Nhật Bản.

2002: Gia đình Kurihara cho Bộ Nội vụ Nhật Bản thuê các đảo Uotsuri, Minami và Kita.

2010: Một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh Điếu Ngư/Senkaku ngày 7/9 và dẫn tới vụ đụng độ với các tàu tuần duyên Nhật Bản.

Nhà chức trách Nhật bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng 2 tuần lễ khiến Trung Quốc rất tức giận và đã quyết định ngừng mọi hoạt động trao đổi cũng như xuất khẩu đất hiếm.

2012:

Tháng 4: Lãnh đạo chính quyền Tokyo, ông Shintaro Ishihara, công bố thông tin về viêc mua lại các đảo thuộc Senkaku từ gia đình Kurihara.

Tháng 7: Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cho biết chính phủ trung ương cũng đang đàm phán để mua các đảo này.

15-8: 14 người hoạt động ủng hộ Trung Quốc đi thuyền tới các đảo tranh chấp để khẳng định chủ quyền. 5 trong số này bơi vào bờ trước khi lực lượng tuần duyên Nhật bắt giữ cả 14 người và trục xuất họ.

19-8: Các nhà chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản đổ bộ lên Uotsuri bất chấp cảnh báo của chính phủ.

Vũ Anh