1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nhật Bản để ngỏ khả năng tấn công phủ đầu căn cứ đối phương

(Dân trí) - Nhật Bản không loại trừ khả năng các binh sĩ nước này sở hữu khả năng tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ của đối phương như một cách để đối phó với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 9/3 cho biết.


Các tàu chiến của Nhật Bản trong cuộc duyệt hạm năm 2012 (Ảnh: Reuters)

Các tàu chiến của Nhật Bản trong cuộc duyệt hạm năm 2012 (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp khác nhau” phù hợp với luật pháp quốc tế và hiến pháp Nhật Bản”, Kyodo hôm nay dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada phát biểu với Ủy ban an ninh Hạ viện.

Điều 9 của hiến pháp Nhật Bản quy định rằng người dân Nhật Bản “mãi mãi từ bỏ chiến tranh” và “việc sử dụng vũ lực” nhưng một biện pháp để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Nhưng lo ngại trước các mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên, các nghị sĩ quyền lực của Nhật Bản đang hối thúc mạnh mẽ để nước này phát triển khả năng tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nhật Bản từ lâu vẫn tránh bước đi gây tranh cãi và tốn kém nhằm sở hữu các loại máy bay ném bom hay các vũ khí như tên lửa hành trình với tầm xa đủ để tấn công các quốc gia khác, mà thay vào đó chỉ dựa vào đồng minh của Mỹ để có thể tấn công đối phương.

Nhưng mối đe dọa từ Triều Tiên leo thang, trong đó có vụ thử nghiệm 4 tên lửa đồng thời mới đây, đang làm gia tăng sức nặng đối với một cuộc tranh luận về việc sở hữu một biện pháp phòng vệ hiệu quả hơn.

“Nếu máy bay ném bom tấn công chúng ta hoặc các tàu chiến bắn phá chúng ta, chúng ta phải đáp trả. Việc tấn công một quốc gia phóng tên lửa về phía chúng ta không có gì khác cả”, Reuters ngày 8/3 dẫn lời ông Itsunori Onodera, một cựu bộ trưởng quốc phòng và hiện đứng đầu một ủy ban của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang xem xét cách thức Nhật Bản có thể phòng vệ trước mối đe dọa tên lửa Triều Tiên, cho biết. “Công nghệ đã phát triển và bản chất của xung đột cũng thay đổi”.

Trong nhiều thập niên qua, Nhật Bản đã kéo căng các giới hạn của hiến pháp hòa bình thời hậu chiến. Các chính phủ trước đây nói rằng Nhật Bản có quyền tấn công các căn cứ của đối phương ở nước ngoài khi ý định của kẻ thù nhằm tấn công Nhật Bản trở nên rõ ràng, mối đe dọa hiển hiện và không có các giải pháp quốc phòng khác.

Nhưng trong khi các chính quyền trước đó tránh việc sở hữu vũ khí có thể làm vậy, đảng LDP của Thủ tướng Shinzo Abe lại hối thúc ông cân nhắc bước đi này.

“Đã đến lúc chúng ta sở hữu khả năng như vậy”, Hiroshi Imazu, chủ tịch ủy ban chính sách về an ninh của LDP, nói. “Tôi không biết liệu đó là tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay thậm chí máy bay chiến đấu F-35, nhưng không có sự răn đe, Triều Tiên sẽ xem chúng ta là yếu”.

Trung Quốc có thể nổi giận

Ý tưởng trên đã vấp phải sự phản đối trong quá khứ, nhưng đợt phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đồng nghĩa với việc Nhật Bản phải cân nhắc nhanh chóng hơn để đưa ra một chính sách quốc phòng cứng rắn hơn.

“Chúng tôi đã hoàn thành công việc ban đầu về cách thức có thể sở hữu khả năng tấn công”, một nguồn tin giấu tên hiểu biết về việc hoạch địch chính sách quân sự của Nhật Bản tiết lộ.

Triều Tiên hôm 6/3 đã phóng thử nghiệm 4 tên lửa đồng thời trong một cuộc tập trận. Nhật Bản cho biết 3 trong số các tên lửa này đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Thậm chí 1 tên lửa rơi cách bờ biển Nhật Bản chỉ 200km.

Một nguồn tin hiểu rõ về khả năng phòng vệ của Nhật Bản cho biết hiện thời nhiều hơn 3 tên lửa cùng lúc là quá sức đối với khả năng phòng vệ tên lửa đạn đạo của Tokyo.

Nhưng bất kỳ vũ khí nào mà Nhật Bản với khả năng tấn công Triều Tiên đều có thể lần đầu tiên đặt các khu vực ở bờ biển phía đông Trung Quốc vào trong tầm bắn của vũ khí Nhật Bản. Điều này có thể khiến Bắc Kinh nổi giận, trong khi Bắc Kinh đang phản đôi mạnh mẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc.

“Trung Quốc sở hữu các tên lửa có thể tấn công Nhật Bản, vì vậy bất kỳ phàn nàn nào mà Bắc Kinh đưa ra cũng có thể không nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng quốc tế”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Onodera nói.

Các phương án cải thiện khả năng phòng thủ

Nhật Bản đang cải thiện các khả năng phòng thủ tên lửa với các tên lửa tầm xa trên biển chính xác hơn đặt trên tàu khu trục Aegis ở Biển Nhật Bản. Từ tháng tới, Nhật Bản sẽ bắt đầu dự án 1 tỷ USD nhằm nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 Patriot trên đất nước.

Tokyo cũng đang cân nhắc một phiên bản trên đất liền của hệ thống Aegis hoặc hệ thống THAAD.

Tuy nhiên, những thay đổi trên phải mất nhiều năm mới hoàn thành và có thể không kịp để đối phó với tốc độ của các bước tiến công nghệ tên lửa tại Triều Tiên.

Một giải pháp nhanh chóng hơn có thể khả thi đối với Nhật Bản là triển khai các tên lửa đất đối đất để chống lại một cuộc tấn công nhằm vào đảo Yonaguni gần Đài Loan. Một tên lửa với tầm xa như vậy cũng có thể tân công các địa điểm tại Triều Tiên.

Nhật Bản cũng có thể mua tên lửa chính xác phóng từ trên không như tên lửa hành trình JASSM của Lockheed Martin hay tên lửa tấn công liên hợp tầm ngắn hơn do tập đoàn quốc phòng Kongsberg của Na Uy phát triển cho máy bay chiến đấu F-35.

Nhưng với khả năng hạn chế trong việc phát hiện các bệ phóng di động, một số quan chức Nhật Bản vẫn lo ngại rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào cũng có thể khiến Triều Tiên, với nhiều loại tên lửa, đáp trả bằng một cuộc tấn công quy mô lớn. “Một cuộc tấn công có thể được xem là phòng vệ, nhưng chúng ta cũng phải cân nhắc phản ứng mà nó có thể gây ra”, một nghị sĩ LDP giấu tên nói.

An Bình