1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhân tài Trung Quốc ở Mỹ gặp khó vì bị chính quyền Trump o ép

(Dân trí) - Khi bị chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng o ép, những người di cư từ Trung Quốc đến Mỹ không biết nên trở về quê hương, nơi chính phủ ngày càng kiểm soát chặt chẽ, hay ở lại một quốc gia nơi tổng thống từ chối họ, coi họ là gián điệp.

Nhân tài Trung Quốc ở Mỹ gặp khó vì bị chính quyền Trump o ép  - 1

(Ảnh minh họa: SCMP)

Đóng góp lớn cho lĩnh vực nghiên cứu của Mỹ

Thời báo Hoa nam Buổi sáng viết, khoa học không có biên giới. Nhưng nếu có, Mỹ phải cảm ơn Trung Quốc vì giúp xây dựng vị thế vượt trội về công nghệ toàn cầu.

Hơn 10% các phát minh khoa học của Mỹ là của các nhà khoa học có gốc gác Trung Quốc, theo một nghiên cứu trong một cuốn sách gần đây của giáo sư Harvard William R. Kerr viết. Hầu hết các nhà khoa học trí tuệ nhân tạo tại Mỹ là người di cư từ Trung Quốc, theo một nghiên cứu khác của tổ chức MacroPolo.

Được gọi chung là các nhà khoa học “có gốc gác Trung Quốc”, họ là một nhóm quan trọng của hệ sinh thái công nghệ Mỹ nhưng cũng là nhóm đang đối mặt với sự rà soát ngày càng tăng tại Mỹ do các lo ngại về nguy cơ làm gián điệp.

“Các chính sách của chính quyền Trump nhằm siết chặt các nhân tài Trung Quốc đang phục vụ nước Mỹ là ngớ ngẩn”, Kerr, giáo sư về hành chính doanh nghiệp tại Trường Kinh tế Harvard và tác giả của cuốn sách tựa đề “The Gift of Global Talent”, nhận định. “Mỹ cần đảm bảo việc bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt, nhưng các nỗ lực nhằm cô lập và giảm bớt người tài Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với đất nước chúng ta”.

Làm thế nào để bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng vẫn không làm ảnh hưởng tới những người giỏi nhất thế giới đang là một thách thức lớn với chính quyền Trump, vì các nhân tài Trung Quốc hiện có đóng góp lớn cho các phát minh của Mỹ, và giờ đây họ đang bị vướng vào cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang leo thang.

Các nhân tài Trung Quốc, đặc biệt những người nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm, phải đối mặt với các vấn đề như visa ngắn hạn, các trì hoãn và thậm chí từ chối visa tới Mỹ. Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 10/6 đã ra một cảnh báo về các nguy cơ học tập tại Mỹ, hối thúc các sinh viên và học giả “nâng cao sự đánh giá rủi ro” sau khi tỷ lệ bị từ chối visa tăng mạnh.

Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị từ chối tiếp cận các cơ sở nghiên cứu. Hồi giữa tháng 5, Đại học Emory tại bang Georgia đã đột ngột sa thải 2 giáo sư Mỹ gốc Trung Quốc được cho là do các mối quan hệ tài trợ không công khai với Trung Quốc.

Một số biện pháp của Mỹ được xem là “cần thiết để trừng phạt các hành vi sai trái và ngăn chặn việc tái diễn các nghi phạm trong tương lai”, Cheng Yangyang, một nhà vật lý tại Đại học Cornell, viết trong bài viết hồi cuối tháng 5.

Nhưng các động thái của Mỹ đã gây lo ngại trong cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc do sự nhen nhóm của “hồ sơ chủng tộc”, Cheng cho biết.

Trong nhiều thập niên qua, các trao đổi giáo dục đã trở thành một điểm mạnh trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Sự gia tăng số lượng các sinh viên và các nhà khoa học Trung Quốc đã thúc đẩy sự đa dạng tại các trường đại học Mỹ. Các kỹ năng và sự nỗ lực của họ đã giúp thúc đẩy công việc nghiên cứu tại đại học Mỹ, ngoài việc đóng thuế cho nền kinh tế Mỹ.

Theo giáo Kerr thuộc Đại học Harvard, dòng chảy nhân tài đã định hình lại sự phát minh của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao, với sự đóng góp của người nhập cư trong các lĩnh vực từ khoa học máy tính tới công nghệ sinh học đã tăng mạnh trong 40 năm qua. Người gốc Trung Quốc, nhiều trong số đó là người nhập chư, chiếm hơn 10% các phát minh của Mỹ, tăng từ mức 5% vào năm 2005.

Thời thế thay đổi

Nhưng theo chính sách của chính quyền Trump, các học giả từ các quốc gia bị tình nghi nên bị cấm khỏi các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.

Các nhà khoa học và sinh viên gốc gác Trung Quốc bị một số chính trị gia Mỹ xem là điệp viên của Bắc Kinh, giúp Trung Quốc “đánh cắp các bí mật kinh tế”. “Trung Quốc đã tiên phong trong cách tiếp cận nhằm đánh cắp các phát minh bằng bất cứ cách nào có thể, từ một loạt các doanh nghiệp tới các trường đại học và các tổ chức”, Christopher Wray, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), nói hồi tháng 4.

Chắc chắn đã xảy ra một số vụ gián điệp đáng chú ý. Hồi tháng 9 năm ngoái, một sinh viên kỹ sư điện Trung Quốc có tên là Ji Chaoqun đã bị bắt tại Mỹ và bị cáo buộc làm “gián điệp trái phép” theo sự chỉ đạo của một quan chức tình báo cấp cao Trung quốc tại Bộ an ninh quốc gia tỉnh Giang Tô, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong một email mà Ji gửi một công dân Trung Quốc 2 năm trước được cho là bao gồm các báo cáo sơ bộ về 8 cá nhân sống tại Mỹ mà Bắc Kinh có thể nhắm tới để tuyển dụng làm gián điệp. Vì thế, đã có những lo ngại trong Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng các trường đại học Mỹ đã trở thành mục tiêu mềm cho các tổ chức tình báo nước ngoài tiếp cận các công nghệ mới nổi theo cách phi truyền thống.

Những lo ngại đó ngày càng gia tăng khi số lượng các sinh viên đại học và các nhà khoa học Trung Quốc trong những năm gần đây đã trở về nước để học tập và làm việc.

Trong số các sinh viên Trung Quốc đã lấy tằng tiến sĩ tại Mỹ vào khoảng năm 2003, 86% trong số họ vẫn ở lại Mỹ vào năm 2013. Nhưng khuynh hướng đó đã thay đổi trong những năm gần đây. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, gần 5,86 triệu người Trung Quốc học tập ở nước ngoài từ năm 1978 đến cuối 2018. Trong số đó, hơn 1,53 triệu người vẫn đang trong quá trình học tập hoặc tiến hành nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng khoảng 85% nhóm còn lại đã hoàn thành việc học đã chọn tìm việc lại tại Trung Quốc.

“Những năm về trước, nếu bạn là một kỹ sư, bạn có thể khó tìm các công việc phù hợp tại Trung Quốc. Nhưng giờ đây, Trung Quốc ngày càng giàu hơn, hệ sinh thái công nghệ tốt hơn. Nhiều người tốt nghiệp trở về từ Thung lũng Silicon bởi vì họ muốn khởi nghiệp, không có nơi nào tốt hơn Trung Quốc nơi họ biết ngôn ngữ và văn hóa”, Matt Sheehan, từ tổ chức MacroPolo, nói.

Theo nghiên cứu mới nhất của MacroPolo, Mỹ vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhân tài Trung Quốc để học tập và nghiên cứu. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nơi Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào cuộc đua để cạnh tranh sự ảnh hưởng toàn cầu, khoảng 1/4 trong số 20% nhân tài trí tuệ nhân tạo trên thế giới sinh tại Trung Quốc. Trong số đó, gần 60% hiện đang liên kế với các viện của Mỹ để nghiên cứu hoặc học tập.

“Nhưng các khuynh hướng này - đặc biệt là đối với nơi các nhà nghiên cứu sinh tại Trung Quốc sống và làm việc - bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các thay đổi chính sách và môi trường chung giữa các hệ sinh thái công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc”, Matt Sheehan nói.

Trung Quốc đã mở các chương trình để thu hút nhân tài từ nước ngoài và nhiều người trong số họ cũng đã trở về làm việc cho chính phủ để nhận được các mức lương và các ưu đãi hậu hĩnh khác. Tuy nhiên, dù họ có được Trung Quốc chào đón thì nhiều nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại Mỹ cũng cảm thấy lăn tăn khi trở về quê hương.

“Đối với các nhà khoa học Trung Quốc di cư tới Mỹ, trái tim và thân xác họ sẽ thuộc về nơi nào?”, Cheng Yangyang đặt câu hỏi. “Tại quốc gia quê hương của họ, nơi chính phủ ngày càng kiểm soát xã hội, được trợ giúp bởi công nghệ kiểm duyệt và giám sát, hay tại một quốc gia nơi tổng thống từ chối họ, coi họ là gián điệp?”.

An Bình

Tổng hợp