1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà sư đứng đầu giáo hội Phật giáo Trung Quốc từ chức sau nghi án quấy rối ni cô

(Dân trí) - Một nhà sư có chức sắc cao trong Giáo hội Phật giáo Trung Quốc đã từ chức sau khi vướng phải nghi án có những hành vi quấy rối tình dục đối với các ni cô.

Nhà sư Xuecheng (Ảnh: Reuters)
Nhà sư Xuecheng (Ảnh: Reuters)

Ngày 15/8, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Trung Quốc Xuecheng, 51 tuổi, đã nộp đơn xin từ chức dù cuộc điều tra nghi án quấy rối tình dục các ni cô mà ông vướng phải vẫn đang được tiến hành và chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Trong bản báo cáo dài 95 trang được công bố trên mạng Internet trước đó, 2 nhà sư Shi Xianjia và Shi Xianqi đã cáo buộc ông Xuecheng gửi những tin nhắn có nội dung quấy rối tới ít nhất 6 ni cô, đe dọa hoặc dụ dỗ họ quan hệ tình dục với ông.

Cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề tôn giáo Trung Quốc đã mở cuộc điều tra ngay sau khi các cáo buộc chống lại ông Xuecheng bị công khai trên mạng.

“Giáo hội chấp nhận đơn từ chức của ông Xuecheng”, thông báo của Giáo hội Phật giáo cho biết. Tuy nhiên, bản báo cáo của cơ quan này chỉ ghi lại nội dung cuộc họp, không nêu rõ lý do mà ông Xuecheng xin từ chức.

Trên mạng xã hội Weibo có hàng triệu tín đồ theo dõi, ông Xuecheng đã dừng đăng tải các nội dung từ ngày 1/8. Trong bài đăng gần đây nhất, ông đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối các cáo buộc quấy rối tình dục.

Trong bản báo cáo tố giác ông Xuecheng, 2 nhà sư cho biết có 4 người đã làm theo yêu cầu của nhà sư này.

Sư trụ trì Xuecheng hiện là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Trung Quốc và là người trẻ nhất từng nắm giữ vị trí này. Ông cũng là cố vấn chính trị cho chính phủ Trung Quốc.

Ông Xuecheng đồng thời là trụ trì chùa Longquan (Bắc Kinh) và là nhân vật có chức sắc mới nhất bị cáo buộc có cách hành vi quấy rối tình dục theo phong trào #Metoo đang ngày càng lan rộng tại Trung Quốc. Phong trào này nổ ra tại Mỹ từ năm ngoái, trong đó hối thúc các nạn nhân lên tiếng tố cáo những kẻ từng quấy rối tình dục mình.

Hiện thời, Trung Quốc vẫn chưa có định nghĩa pháp lý chính xác về khái niệm “quấy rối tình dục” cũng như không có một quy tắc cụ thể nào quy định cách xử lý các vụ việc liên quan tới vấn đề trên trong trường học và nơi làm việc.

Đức Hoàng

Theo Straits Times