1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao: "Mô hình phát triển của Việt Nam thu hút cả Mỹ và Triều Tiên"

(Dân trí) - "Khi chọn Việt Nam làm điểm đến cho hội nghị thượng đỉnh lần này, có thể phía Mỹ có hàm ý. Ngược lại, phía Triều Tiên cũng rất quan tâm đến hướng phát triển của Việt Nam", nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình nhận định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình từng là Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông từng học ở Triều Tiên từ năm 1965-1970, cán bộ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên những năm 1973-1977. Từng có những năm tháng gắn bó với đất nước và con người nơi đây, ông Nguyễn Phú Bình cho biết, Triều Tiên với ông có mối ân tình đặc biệt.

“Với tôi Triều Tiên có mối ân tình đặc biệt”

Từng có năm tháng học tập và công tác tại Triều Tiên, cho đến giờ, trong ấn tượng của ông, Triều Tiên là một đất nước như thế nào?

Thời còn trẻ tôi đã có thời gian học tập và làm việc tại Triều Tiên. Năm 2005, khi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tôi sang thăm nước bạn theo khuôn khổ tham khảo chính trị giữa hai bên. Sau 28 năm quay trở lại kể từ năm 1977, Triều Tiên trong tôi vẫn là một mảnh đất thân thiết và có nhiều kỷ niệm gắn bó.

Trong những năm tháng Việt Nam chiến tranh, Triều Tiên đã nhận nuôi nấng, đào tạo cho hàng trăm sinh viên của chúng ta. Tôi cùng nhiều người trẻ khác đã sang đó, ăn ở, học tập và sống trong sự yêu thương của những người Triều Tiên.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao: Mô hình phát triển của Việt Nam thu hút cả Mỹ và Triều Tiên - 1

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình từng có nhiều năm học tập và làm việc tại Triều Tiên vì thế đất nước này với ông có mối ân tình đặc biệt.

Tôi còn nhớ, thời gian ở Triều Tiên, họ hay tổ chức các cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, chúng tôi đã hoà cùng những người dự mít tinh hô vang khẩu hiệu chống chiến tranh xâm lược. Không khí lúc đó rất đáng nhớ và hào hùng.

Có một kỷ niệm ấn tượng trong tôi là lần được đón Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm ký túc xá của lưu học sinh Việt Nam tại Trường đại học tổng hợp Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng vào tháng 12/1965.

Thời điểm đó, tôi mới sang Triều Tiên được vài tháng. Trường có ký túc xá cho lưu học sinh quốc tế thế nhưng vì họ nhận một lúc 200 sinh viên Việt nên phải xây một khu mới. Khi đó, Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm và động viên sinh viên. Với tôi cũng như những du học sinh Việt bấy giờ, đó là những kỷ niệm đẹp, rất cảm động về sự quan tâm của người dân Triều Tiên dành cho Việt Nam.

Cho đến bây giờ, dù không có điều kiện quay trở lại thường xuyên nhưng đối với tôi cũng như nhiều sinh viên Việt bấy giờ, Triều Tiên vẫn có mối ân tình, ấn tượng đặc biệt. Tôi vẫn còn giữ quan hệ rất tốt với đại sứ quán Triều Tiên.

Triều Tiên với nhiều người trên thế giới là một đất nước bí ẩn, bị cô lập về kinh tế… Còn trong ký ức của ông, Triều Tiên có gì khác?

Khác với việc cô lập với thế giới, Triều Tiên thời điểm bấy giờ không phải là một quốc gia bí ẩn, thu mình với thế giới như trong suy nghĩ của nhiều người bây giờ. Người dân Triều Tiên cởi mở, chân tình và đất nước họ cũng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn của thế giới. Chỉ từ khi vấn đề vũ khí hạt nhân nổi lên thì Triều Tiên mới bị các nước bao vây, cấm vận và cô lập.

Trong ấn tượng của tôi, người Triều Tiên rất mạnh mẽ, bộc trực và thẳng thắn. Nghĩa là, nếu yêu, ghét, giận dữ… thì họ đều thể hiện ra chứ không giấu diếm trong lòng.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao: Mô hình phát triển của Việt Nam thu hút cả Mỹ và Triều Tiên - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un họp thượng đỉnh lần đầu tại Singapore. (Ảnh: Reuters)

Họ cũng rất thân thiện, cởi mở và đặc biệt là rất ý chí. Thời điểm tôi ở Triều Tiên, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốt. Hiện nay, ở Triều Tiên, hàng không còn chậm phát triển vì giao lưu bên ngoài chưa nhiều nhưng tàu điện của họ thì tuyệt vời.

Thời điểm những năm 1965, tôi từng chứng kiến họ làm những tuyến tàu ngầm xuyên qua núi rất hiện đại, ấn tượng. Tôi đã từng đi nhiều nước phát triển và thấy tàu điện ngầm ở Triều Tiên hiện đại không kém gì Nga.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao: Mô hình phát triển của Việt Nam thu hút cả Mỹ và Triều Tiên - 3

Tuyến đường ở Kaesong, Triều Tiên (Ảnh: Rachel Davey)

"Cần thêm thời gian để tiến tới hiệp ước hòa bình"

Những ngày này, cả thế giới đều hướng về Việt Nam để theo dõi cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un. Bản thân ông đánh giá như thế nào về cuộc gặp lần này? Ông có cho rằng quan hệ Mỹ - Triều sẽ có bước ngoặt mang tính lịch sử sau sự kiện lần này hay không?

Có thể thấy, sau cuộc gặp lần 1 vào tháng 6/ 2018 tại Singapore đến nay, quan hệ Mỹ - Triều đã khác trước và hòa bình trên báo đảo Triều Tiên đã được củng cố một bước. Từ chỗ hai nước thù địch, đối đấu nhau, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ khi nào, hai nước đã cùng đưa ra những nguyên tắc điều phối và thể hiện sự kiềm chế của mình. Triều Tiên không thử hạt nhân, Mỹ cũng dừng tập trận quy mô lớn. Hai bên bớt đối đầu, phê phán nhau.

Đặc biệt, quan hệ liên Triều cũng rất nhộn nhịp. Hai bên đang khảo sát thiết lập để nối lại đường sắt. Tổng thống Hàn Quốc đã thăm Bình Nhưỡng, còn Chủ tịch Triều Tiên thì bước qua ranh giới sang lãnh thổ Hàn Quốc ở khu phi quân sự. Có thể thấy không khí hợp tác, thiện chí, hòa bình từ sau cuộc gặp đến nay vẫn duy trì.

Tôi cho rằng, cuộc gặp lần một phải có tiến triển thì hai nước mới tổ chức cuộc gặp lần 2. Điều mà Triều Tiên mong muốn trước đây là bình thường hóa quan hệ bằng một hiệp ước hòa bình. Tôi không nghĩ hiệp ước này có thể làm được ngay trong cuộc gặp lần này vì nó còn liên quan đến nhiều bên.

Tuy nhiên, việc thiết lập văn phòng liên lạc giữa hai bên Mỹ Triều như một dạng cơ quan đại diện ngoại giao cấp thấp là tương đối thực tế. Và khả năng  sẽ có một tuyên bố thể hiện chiến tranh đã qua, cùng hướng tới hòa bình. Hai bên có thể bước đầu trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức.

Tôi nghĩ, kỳ vọng về cuộc gặp lần này chắc chắn phải có. Nhưng đột phá lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào lợi ích của mỗi bên. Chắc chắn để tiến tới hiệp ước hòa bình hai nước sẽ còn phải có một số cuộc gặp gỡ nữa.

Mô hình phát triển của Việt Nam thu hút cả hai bên Mỹ - Triều

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2, Mỹ cũng muốn ngầm gửi thông điệp đến Triều Tiên, thưa ông?

Chắc chắn việc chọn Việt Nam là điểm đến của cuộc gặp thượng đỉnh lần này phải là sự thỏa thuận, thống nhất của hai nước. Việt Nam là nơi có quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên. Chúng ta từng có thời kỳ cấm vận, thù địch với Mỹ rất nặng nề nhưng sau 24 năm bình thường hóa, hai nước có mối quan hệ rất tốt đẹp. Mỹ là một trong những đối tác hàng đầu của ta.

Từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều sang thăm Việt Nam. Quan hệ hai nước mở rộng từ chính trị, kinh tế, an ninh, giáo dục, quốc phòng…

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao: Mô hình phát triển của Việt Nam thu hút cả Mỹ và Triều Tiên - 4

Những chiếc áo in hình Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un được bày bán trên các tuyến phố Việt Nam chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: Thế Hưng

Với Triều Tiên, chúng ta có mối quan hệ truyền thống. Trong thời kỳ Việt Nam chiến tranh, Triều Tiên giúp đỡ chúng ta rất nhiều về lương thực, thực phẩm, thuốc men… sau này khi nước bạn khó khăn, Việt Nam cũng hỗ trợ lại. Tất nhiên, có thời kỳ quan hệ hai nước không phát triển mạnh nhưng chúng ta vẫn giữ và duy trì quan hệ tốt đẹp .

Ngoài ra, tôi nghĩ việc lựa chọn Việt Nam là điểm đến còn bởi sự phù hợp về khoảng cách địa lý. Việt Nam không quá xa Triều Tiên, thậm chí so với cuộc họp thượng đỉnh lần 1 còn gần hơn rất nhiều. Đặc biệt, ở Việt Nam có Đại sứ quán của cả hai nước Mỹ và Triều Tiên nên rất thuận lợi về mặt hậu cần và an tâm cả về mặt an ninh, bảo vệ.

Khi chọn Việt Nam làm điểm đến cho hội nghị Thượng đỉnh lần này, có thể phía Mỹ cũng có hàm ý. Việt Nam từng là nước bị chiến tranh tàn phá đói nghèo lạc hậu, giờ chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới hội nhập quốc tế, có nền kinh tế phát triển, xã hội thay đổi rất nhiều. Mỹ muốn cho Triều Tiên thấy rằng, dù đã có thời kỳ Việt Nam và Mỹ thù địch nhưng tất cả đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ, hợp tác cùng phát triển.

Ngược lại, phía Triều Tiên cũng rất quan tâm đến mô hình và hướng phát triển của Việt Nam. Hiện nay, họ đang ở nền kinh tế bao cấp và đang có dấu hiệu chuyển sang mô hình kinh tế mở. Tôi nghĩ mô hình, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam thu hút được sự quan tâm của cả 2 bên.

Theo ông, Việt Nam có lợi gì khi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Trước đây, cứ nhắc đến Việt Nam là nhiều người nghĩ đến chiến tranh. Đã nhiều lần, chúng ta lên tiếng: "Đừng nhìn Việt Nam như một cuộc chiến, hãy nhìn Việt Nam như một đất nước hòa bình, phát triển, mở rộng cửa". Có thể nói, thượng đỉnh lần này đã đánh dấu vị thế mới của Việt Nam.

Không phải là lời kêu gọi "hãy đến với chúng tôi" mà người ta đã tự động đến với mình. Điều này cho thấy Việt Nam đã ở vị thế cao hơn so với trước đây cả về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế. Rõ ràng Việt Nam hiện nay khác với quá khứ, gắn với hình ảnh hòa bình, ổn định và phát triển hội nhập.

Khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC vào năm 2017, tôi vẫn nhớ bức ảnh chụp tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, trong đó bên cạnh nguyên thủ ta là nguyên thủ Mỹ, Trung Quốc, Nga và nhiều cường quốc khác. Điều này mang ý nghĩa biểu tượng, không chỉ thể hiện những gì Bác Hồ mong muốn: "Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu", mà còn cho thấy Việt Nam đã có vị thế chủ động hơn, thể hiện được vai trò của mình trên trường quốc tế.

Và chắc chắn, điều này một lần nữa được khẳng định, củng cố hơn khi chúng ta là điểm đến của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này. 

Hà Trang