1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Việt tại Nga: Cuộc sống mưu sinh ở Volgagrad (1)

(Dân trí) - Volgagrad (tên cũ Stalingrad) là một vùng đất Nga lịch sử oai hùng trong thế chiến 2, một miền quê Nga bình dị có rất nhiều bà con người Việt ở đó làm ăn sinh sống suốt mấy chục năm nay.

Câu cá bên dòng sông Volga

Câu cá bên dòng sông Volga

Bên dòng sông Volga…

Ra đón tôi ở sân bay nhỏ bé yên tĩnh mang tên “Volgograd” là anh Nguyễn Giáo Hùng, phó giám đốc Tổng công ty Volga-Việt. Cái nóng trưa hè tháng 7 với nhiệt độ 30- 31 độ C không làm cho tôi khó chịu, ngược lại tôi cảm giác tò mò, thích thú khi đặt chân đến miền đất mới.

Thành phố khá lớn, nằm dài theo chiều dọc của con sông Volga hùng vĩ vốn đã đi vào thơ ca và lịch sử. Các khu nhà cao tầng không khác so với Mátxcơva. Hệ thống nhà cũ vẫn chiếm đa số, nhưng các siêu thị mới thì quảng cáo đầy ắp. Có khác chăng là đứng ở góc nào của thành phố Volgagrad cũng nhìn thấy tượng đài vĩ đại: “Mẹ Tổ quốc kêu gọi” (Rodina-Mat zoviot), hay còn gọi là Tượng đài Mamayev nổi tiếng, cao 85 mét trên đồi Mamayev Krugan. Đây là một công trình vĩ đại của người Nga. Bức tượng nhằm tưởng niệm cuộc kháng cự anh hùng và chiến thắng quyết định của quân đội và nhân dân Liên Xô trong trận chiến Stalingrad với phát xít Đức vào năm 1942-1943. Được biết, nơi đây đã diễn ra những cuộc chiến sinh tử giành giật từng góc phòng, căn tầng, ngõ phố… giữa hồng quân Liên Xô và phát xít Đức.
 
Tượng đài Mamayev (Mẹ Tổ quốc kêu gọi) trên đồi Mamayev Krugan

Tượng đài Mamayev (Mẹ Tổ quốc kêu gọi) trên đồi Mamayev Krugan
 
Đường sá có nơi êm ru, có nơi cũng xuống cấp với ổ voi, ổ gà, nhất là ở những đoạn xa trục chính. Anh Hùng chia sẻ: “Trời nắng khô còn đỡ chứ mưa xuống ngập ngụa mới biết tay nhau, khổ nhất là mấy anh xe gầm thấp. Nhưng biết làm sao được hả anh, lâu dần bọn em cũng quen mãi với nó rồi”.
 
Khu ốp ở (kí túc xá) là tòa nhà một tầng với mấy chục căn phòng hiện ra trong vẻ yên bình của trưa hè. Sở dĩ nói yên bình là bởi tầm này bà con còn đi làm ăn chưa về. Chỉ có mấy bà mẹ trẻ với mấy cháu nhỏ. Ông bảo vệ người Nga chào tôi, mỉm cười thân thiện. Đây là khu nhà cũ vốn của một công ty Phần Lan đã về nước, được Tổng công ty Volga-Việt mua lại cho bà con dùng làm nơi ăn ở, sinh hoạt.

Quanh ốp 1 có cây cối lòa xòa tỏa bóng mát, có sân chơi cho trẻ nhỏ, có bàn ăn ngoài trời dành cho những bữa cá nướng, thịt nướng hay tiệc vui… Bữa cơm trưa với An, Hùng, Bình mà vợ chồng Hùng thết đãi đậm chất quê với món cá trích câu được từ sông Volga, món rau muống xào tỏi, cà pháo, kiệu muối, mướp đắng xào thịt, thịt nướng, canh sấu… quyện hơi nồng của loại bia đen Tiệp như ấm áp thêm trong tình đồng hương nơi xa xứ.
 
Ngọn lửa vĩnh cửu tưởng niệm các chiến sĩ hồng quân xô viết đã hi sinh vì Tổ quốc
Ngọn lửa vĩnh cửu tưởng niệm các chiến sĩ hồng quân xô viết đã hi sinh vì Tổ quốc

Buổi chiều mới là một buổi dã ngoại thật thú vị bên dòng sông Volga ở dưới chân đập thủy điện. Chị Thu (vợ An) cùng mấy anh Long, Tài, Bình đã thể hiện là những tay săn cá giỏi. Mới vài tiếng đồng hồ mà cả xô cá đã đầy ắp. Người Việt ở đây cho biết, cá câu về phần thì kho, nướng... Đêm đó, nhấm nháp món cá trích nướng lẫn bia đen Tiệp mới cảm nhận đủ hương vị ngòn ngọt, mềm thơm của loại cá từ sông Volga này.

Cháu Thắng, người dẫn tôi đi thăm Tượng đài Mamayev, cho biết: “Con sông Volga nhìn bề mặt có vẻ hiền hòa vậy, nhưng dưới lòng sông nó có một dòng nước ngầm chảy xiết, bởi thế việc bơi qua sông, kể cả với các tay bơi lão luyện, không phải là đơn giản! Cháu bơi cũng khá nhưng chỉ bơi được tới nửa dòng là thôi chú ạ”.
 
Ngôi nhà bảo tàng những trận chiến ác liệt giữa hồng quân và lính phát xít Đức
Ngôi nhà bảo tàng những trận chiến ác liệt giữa hồng quân và lính phát xít Đức

Mỗi ngày phải lo toan cơm áo gạo tiền

Tôi tới thăm khu chợ Trắctơ, nơi có hàng trăm bà con người Việt mưu sinh. Chợ do người Nga làm chủ, công ty Volga-Việt cùng chung cổ phần. Mới 4, 5 giờ sáng, bà con đã có mặt tại chợ để tranh thủ những mối hàng ốp tôm (mua sỉ), phần đón hàng từ những người đi lấy hàng ở Mátxcơva về. Đang là ngày thường nên tôi thấy khách Nga vào ra mua bán tại khu chợ Trắctơ này trông có vẻ thưa thớt. Mọi người nói cuối tuần khách có đông hơn tí chút. Biết tôi là khách xa đến, phút ngỡ ngàng cũng trôi qua, câu chuyện làm ăn, sinh hoạt, sức khỏe…với mọi người như được san sẻ.

Anh Tuấn (em trai của An) cho hay: “Bán buôn hồi này cũng kém hơn trước bác ạ”. Không chỉ riêng Tuấn nhận xét, những người mà tôi tranh thủ hỏi thăm tới đều có chung câu trả lời như vậy.
 
Nhìn quanh tôi nhận thấy khu chợ trông có vẻ cũ kĩ do chưa được nâng cấp. Bà con nói mùa hè còn đỡ chứ vào mùa đông thì trong nhà cũng chẳng ấm hơn ngoài trời là bao, có đỡ chăng là không bị mưa tuyết quăng quật. Qua hỏi thăm bà con, tôi được biết những năm trước làm ăn khấm khá. Nhưng thời gian gần đây khủng hoảng kinh tế do bị cấm vận, do đồng đôla mất giá nên việc làm ăn của bà con ta bị ảnh hưởng không ít. Sức mua của người dân Nga cũng có hạn, nên thu nhập trở nên mong manh hơn.
 
Cảnh mua bán tại chợ Trắctơ
Cảnh mua bán tại chợ Trắctơ

Cũng như mọi nơi khác trên lãnh thổ Liên Bang Nga, tại Volgagrad, cộng đồng người Việt bán buôn hàng vải vóc áo quần là chủ yếu. Sự mưu sinh năm này qua năm khác luôn gắn chặt với chợ. Volgagrad vốn trước đây có nhiều người Việt sang tham gia hợp tác lao động làm việc trong các nhà máy vào những năm 80 như ở nhà máy Trắctơ. Được biết nhà máy Trắctơ là nơi chuyên sản xuất nhôm với số lượng công nhân Liên Xô, SNG (các nước thuộc Liên Xô cũ) có thời điểm lên tới hơn 30.000 người. Sau khi Liên Xô tan vỡ, số công nhân Việt Nam làm việc tại đây về nước, số công nhân khác ở lại làm ăn kết hợp với lượng người mới sang cùng mưu sinh tạo nên một quần thể cộng đồng người Việt nơi đây, hiện vào khoảng 500 người. Họ bán buôn rải rác ở một số chợ trong thành phố, nhưng chủ yếu vẫn là tập trung ở khu chợ Trắctơ Cũng tại Volgagrad này có 3 trường đại học gồm: kĩ thuật, cảnh sát và sư phạm, nhưng các cháu con em người Việt theo học chủ yếu là ngành kĩ thuật và cảnh sát.

Được biết có một thời kỳ đã khá lâu, “sóng ngầm” giữa một số người Việt nơi đây trong cung cách làm ăn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin và cuộc sống mưu sinh nơi xứ người. Không chỉ thế, nó còn làm cho người dân bản địa có cái nhìn không mấy thiện cảm tới người Việt. May sao, chuyện buồn không đáng có đó nó đã trở thành dĩ vãng. Hiện nay, công ty Volga-Việt do ông Dương Hải An lãnh đạo đã có những bước tiến vững chắc, gầy dựng cho bà con nơi này một cuộc sống tuy vẫn có nhiều khó khăn do hoàn cảnh khách quan đưa lại, nhưng nhìn chung là bình ổn. Bà con có nơi ăn chốn ở ổn định. Hội người Việt Nam tại Volgagrad cũng đoàn kết trong mọi mặt nên nhìn chung cuộc sống của cộng đồng gặp thuận lợi hơn.

Chị Phạm Thị Thủy, một tiểu thương cho tôi hay: “Tình hình ở chợ Volgagrad gần đây có gặp nhiều khó khăn do khách quan đưa lại, nhưng bà con luôn biết dựa vào nhau làm ăn nên cũng đã cố gắng vượt qua được những cái khúc mắc tạm thời đó. Chúng tôi vẫn luôn tin tưởng ở ban lãnh đạo công ty do ông Dương Hải An phụ trách sẽ biết chèo chống nhằm tạo điều kiện để giúp đỡ bà con có cuộc sống ổn định cũng như làm ăn có hiệu quả hơn”.

Còn anh Nguyễn Huy Hóa, một tiểu thương khác thì cụ thể hơn: “Trong chợ Vogagrad này thì thực tế như là xã hội Việt Nam thu nhỏ, người tốt có, người xấu có, người giàu cũng có, người nghèo cũng có, chứ không phải ai sang Nga cũng đưa được tiền của về. Thực tế thành phố tôi ở đây một năm cũng có dăm ba người mua vé trở về vì làm ăn không tốt. Trong khi đó chợ vẫn có người làm ăn khấm khá, mỗi năm có thể kiếm được vài chục ngàn đô, có ít quà gửi về gia đình. Hàng năm cũng có tiền giúp đỡ nuôi sống gia đình”

Tiếp tôi tại nhà ở ốp 3, ông Phạm Quang Diệm, ban quản trị công ty Volga-Việt cho biết: “Nhìn chung là việc làm ăn buôn bán của bà con tại đây có nhiều lúc gặp khó khăn như khủng hoảng năm 2014 vừa qua, có nhiều người từ chỗ có vài chục ngàn đô bỗng dưng mất trắng! Có nhiều người phải về nước. Ngay địa hình chợ cũng bị xáo trộn làm ảnh hưởng ít nhiều tới thu nhập của bà con. Hội người Việt Nam tại Volgagrad đều được tham gia các chương trình hoạt động văn hóa, thể thao…của thành phố, quận. Tại đây ngoài 3 thành phần là cộng đồng Apganistan, Azecbaigian, Armenia thì cộng đồng Việt Nam là được tôn trọng nhất, riêng với người Trung Quốc thì chính quyền lại khá thờ ơ. Lãnh đạo chính quyền đối với cộng đồng Việt Nam mà nhất là ông Dương Hải An thì họ rất ủng hộ. Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại đây (với con số 70 hội viên tham gia) luôn quan tâm đến đời sống của anh chị em cựu chiến binh từ những việc hiếu hỉ”

Quả thật, tôi nhận thấy bà con ta ăn ở sinh hoạt rất sạch sẽ, ngăn nắp. Đang giờ làm ăn nên bà con còn bận bịu ngoài chợ do đó mà ốp vắng vẻ, không khí yên tĩnh bao trùm, chỉ có làn gió hè từ sông Volga thổi vào mang hơi mát mơn man…

(còn nữa)
Võ Hoài Nam
(Từ Mátxcơva)