1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Người Trung Quốc tạo tuyết như thế nào?

(Dân trí) - Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết lượng tuyết rơi kỷ lục ở Bắc Kinh mới đây là sản phẩm của việc “gieo trồng” mây, “kích thích” tuyết rơi ở các vùng miền bắc khô cằn của nước này.

 

Người Trung Quốc tạo tuyết như thế nào? - 1

Tuyết rơi trên quảng trường Thiên An Môn ngày 1/11.

 

Trước đây ở Trung Quốc từng có câu nói: “Mọi người luôn phàn nàn về thời tiết, nhưng không ai có thể làm gì”. Câu nói đó có vẻ như chỉ đúng cho đến trước thời điểm hiện nay. Đợt tuyết rơi vào ngày 1/11 vừa qua ở Bắc Kinh, đợt tuyết rơi sớm nhất kể từ năm 1987, theo các nhà khoa học Trung Quốc là nhờ chiến dịch “gieo trồng mây” khuyến khích tuyết rơi của họ. Nếu quả đúng như vậy, đó là thành công mới nhất trong nỗ lực suốt nhiều năm qua, nhằm mang sự ẩm ướt nhân tạo tới các vùng miền bắc khô cằn của Trung Quốc.

 

Vậy họ đã làm như thế nào? Về nguyên tắc, không khí càng lạnh thì càng khuyến khích tuyết rơi, vì vậy khi nhiệt độ trên cao giảm, nước sẽ ngưng tụ trong không khí. Mây được hình thành khi nước được đọng thành giọt hoặc dạng tinh thể gặp nhân ngưng tụ (hạt bụi hoặc băng nhỏ được thổi lên trên bầu khí quyển). Không có các hạt ngưng tụ này mây không thể hình thành.

 

Trung Quốc dùng phương pháp “trồng mây” bằng cách cho máy bay phun bạc iodua (hoặc bắn từ dưới mặt đất) vào bầu khí quyển. Ngoài ra, còn có phương pháp dùng muối hoặc băng đá khô khác. Các phân tử bạc iodua làm tăng quá trình hình thành mây. Khi mây hình thành chúng sẽ “tỏa” ra hơi nóng, tạo ra một dòng khí hướng lên trên, dòng khí này “kéo” thêm hơi ẩm từ dưới mặt đất vào trong khí quyển.

 

Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Hiệu quả của việc “trồng mây” vẫn còn nhiều tranh cãi. Trận bão tuyết kéo dài 11 giờ đã làm gián đoạn các chuyến bay ra và vào Bắc Kinh, gây ảnh hưởng đến tàu bè ở ngoài khơi Trung Quốc. Tuy nhiên đây là đợt tuyết rơi dày nhất ở Bắc Kinh trong vòng 1 thập kỷ qua và nó chứng tỏ rằng Trung Quốc đang trên đường trở thành nhà “điều khiển” thời tiết giỏi nhất thế giới. Năm ngoái, các nhà khoa học nước này đã “trồng mây” trước Thế vận hội Bắc Kinh, đảm bảo thành công một bầu trời quang đãng cho lễ khai mạc.

 

Phan Anh

Theo Time