1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Trung Quốc ở nước ngoài băn khoăn chuyện về hay ở

(Dân trí) - Khi châu Âu trở thành ổ dịch Covid-19, hồi hương là lựa chọn của nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài. Nhưng những người khác vẫn ở lại do giá vé máy bay cao và lo ngại nguy cơ nhiễm virus khi đi lại.

Người Trung Quốc ở nước ngoài băn khoăn chuyện về hay ở  - 1

(Ảnh minh họa: EPA-EFE)

Trung Quốc những ngày gần đây đã công bố những con số khả quan bước đầu trong công tác chống dịch Covid-19. Trong 2 ngày liên tiếp 18 và 19/3, nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào ở trong nước.

Tuy nhiên, Yu Jiahui, một công dân Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Đức, cho biết anh quyết định không về nước ở thời điểm hiện tại. “Ở thời điểm này thì quyết định quay trở về Trung Quốc cũng chưa thích hợp. Giá vé máy bay hiện tại vẫn đắt và bạn không biết liệu bạn có thể bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển hay không”, SCMP dẫn lời Yu.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, thế giới đã ghi nhận hơn 214.000 ca nhiễm và hơn 8.800 ca tử vong. Tuy nhiên, trải qua 3 tháng kiên cường chống dịch, tâm dịch đã chuyển từ Hồ Bắc sang các nước tại châu Âu.

Hiện Trung Quốc có tới 35 triệu công dân đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài. Trong giai đoạn hiện nay, việc quyết định trở về quê nhà để tránh dịch cùng người thân hay không đang là câu hỏi khó khăn đối với từng người, nhưng với anh Yu thì không.

“Tôi nghĩ lúc này mọi người nên ở nguyên vị trí hiện tại sẽ là tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày một lây lan với tốc độ rất nhanh. Sắp tới công ty của tôi sẽ phải tạm thời đóng cửa nên có lẽ tôi cũng sẽ phải hạn chế ra ngoài”.

Không chỉ anh Yu mà nhiều người Trung Quốc khác cũng đang quyết định lựa chọn phương án ở lại nước sở tại hơn là về nước vào lúc này, trong đó có Stephen. Hiện đang theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Cranfield ở Anh, Stephen cũng đồng quan điểm với anh Yu khi cho rằng lúc này mọi người không nên di chuyển để tránh nguy cơ lây nhiễm.

“Lúc này, những ảnh hưởng từ đại dịch đối với tôi đang nhỏ hơn so với những gì mà tôi tưởng tượng, có lẽ vì trường của tôi nằm tại một vùng nông thôn không đông dân. Việc trở về Trung Quốc lúc này tôi nghĩ khá nguy hiểm bởi sẽ có nhiều nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng trên đường tôi di chuyển”, Stephen nói.

Cũng cùng quan điểm trên, Dominic Huang, một nghiên cứu sinh về hóa lượng tử tại Đại học Sheffield của Anh, cho biết anh đã nhận thấy những tác động ban đầu của đại dịch tới cuộc sống hàng ngày khi phòng thí nghiệm nơi anh làm việc phải tạm đóng cửa.

“Trường đại học của tôi đã phải hủy bỏ tất cả các tiết học trên lớp để chuyển sang dạy trực tuyến kể từ ngày 16/3 vừa qua. Trong lúc này tôi không hề nghĩ tới việc sẽ quay trở lại Trung Quốc bởi tôi không muốn bản thân mình trở thành một gánh nặng cho đất nước trong công tác chống dịch”, anh Huang cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có những người Trung Quốc quyết định hồi hương để có được cảm giác an toàn hơn. Yi Ming, một sinh viên thạc sĩ tại Đại học thiết kế nghệ thuật Dublin, cho biết quyết định trở về nhà lúc này được cô đưa ra rất nhanh chóng và dễ dàng.

“Trường đã bắt đầu việc dạy và học online, tất cả bài tập tôi có thể nộp và trao đổi với giáo viên thông qua internet nên tôi quyết định sẽ quay trở lại Trung Quốc dù giá vé trong lúc này là không hề rẻ”, Yi nói.

Yi cho hay, cô sẽ chuẩn bị đồ bảo hộ cần thiết để mặc trong suốt quá trình di chuyển nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Đặng Long

Theo SCMP