1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người nông dân Australia kể chuyện "thách thức" tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Trong chuyến đi tới bãi Luconia gần đây, nông dân người Australia, ông Hans Berekoven, đã gặp nhiều khó khăn trước sự cản trở của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông.

Ông Hans Berekoven (giữa) và những người bạn Malaysia cắm cờ trên bãi Luconia. (Ảnh: ABC)
Ông Hans Berekoven (giữa) và những người bạn Malaysia cắm cờ trên bãi Luconia. (Ảnh: ABC)

Khi không làm nông tại trang trại của ông ở bang New South Wales của Australia, ông Hans Berekoven là một nhà khảo cổ học hàng hải nghiệp dư và đang tham gia vào quá trình phục hồi những cổ vật trên con tàu đắm cho một bảo tàng ở Malaysia.

Trả lời phỏng vấn hãng ABC News của Australia, ông Hans Berekoven ngày 7/8 cho biết chuyến đi tới bãi Luconia, cách thành phố biển Miri thuộc bang Sarawak của Malaysia khoảng 84 hải lý, gần đây của ông đã bị một tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu.

Ông Berekoven nói: "Họ tìm cách đẩy chúng tôi ra ngoài. Khi chúng tôi tới đó và bắt đầu lặn tìm cổ vật, tàu của họ thả neo và đứng vòng tròn xung quanh chúng tôi, đôi lúc tôi và bọn họ đã ở rất gần nhau. Tôi cho rằng đó là lời đe dọa nhẹ gửi tới chúng tôi".

Năm ngoái, ông Berekoven cũng chọn ngày Độc lập của Malaysia 31/8 để phản đối sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này bằng cách cắm cờ Malaysia trên bãi Luconia.

Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, một máy bay của Malaysia đã tiếp cận tàu của ông Berekoven và tới bãi Luconia. Ông cho biết: "Tàu của lực lượng tuần duyên Malaysia đã có mặt. Họ tới đó và nhổ lá cờ".

Về vấn đề trên, giáo sư người Australia chuyên về các vấn đề pháp lý thuộc hàng hải, ông Clive Schofield, cho biết ông không bất ngờ vì hành động của Malaysia. Theo đó, Kuala Lumpur thường có xu hướng giải quyết nhanh chóng qua đường ngoại giao những vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, qua đó hạn chế xung đột.

Về phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 liên quan tới vụ Philippines kiện "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, Giáo sư Schofield cho rằng bãi Luconia rõ ràng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Ông khẳng định: "Malaysia mới là bên được phép và có quyền hoạt động ở bãi Luconia, thay vì Trung Quốc".

Ngoài ra, Giáo sư Schofield cũng nhận định căng thẳng ở Biển Đông về vấn đề tranh chấp chủ quyền, cũng như các vấn đề khác như trữ lượng dầu mỏ và khí đốt hay tự do hàng hải, đã làm ảnh hưởng tới hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển này. Ông nói: "Tầm quan trọng của hoạt động đánh bắt cá đã bị bỏ qua. Biển Đông là nơi ước tính cung cấp khoảng 12% sản lượng cá đánh bắt trên toàn cầu hàng năm".

Ngọc Anh

Theo ABC