1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người gốc Á tại Mỹ ít bị mắc Covid-19 nhất

(Dân trí) - Dữ liệu thống kê sơ bộ cho thấy người gốc Á tại Mỹ có số ca bệnh Covid-19 và tử vong thấp nhất dù là nhóm bị kỳ thị chủng tộc trong đại dịch vì bị coi là nguồn bệnh.

Người gốc Á tại Mỹ ít bị mắc Covid-19 nhất - 1

Một phụ nữ đi bộ qua các cửa hàng ở Brooklyn, New York hồi tháng 5 (Ảnh: AFP)

Cindy Song, một nhân viên chính phủ về hưu sống ở Washington, từ tháng 3 đã bắt đầu lên kế hoạch bảo vệ bản thân mình khi Covid-19 ập tới. Được những người bạn Trung Quốc cảnh báo trên mạng xã hội, bà đã hủy bỏ mọi kế hoạch di chuyển, lịch khám bác sĩ, không tới nhà hàng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi ra ngoài.

Song nói rằng bà và bạn bè hiểu rằng SARS-CoV-2 có thể gây chết người và là mầm bệnh tồi tệ nhưng có nhiều người lại cho rằng bà chỉ đang “làm quá”.

Theo SCMP, dữ liệu thống kê số ca bệnh và thiệt mạng vì Covid-19 cho thấy người gốc Á dường như là nhóm ít bị nhiễm và tử vong vì virus corona mới nhất nếu so với các nhóm sắc tộc khác đang sinh sống ở Mỹ. Tuy nhiên, điều trớ trêu hơn cả chính là việc nhiều người trong số họ lại là nạn nhân của phân biệt chủng tộc vì bị coi là nguồn bệnh.

Tại vùng dich lớn nhất Mỹ - thành phố New York, nhóm người gốc Á có số ca bệnh và tử vong thấp nhất. Cứ 100.000 người, có 122 châu Á thiệt mạng vì Covid-19, trong khi, tỉ lệ này với nhóm gốc Phi là 265, nhóm gốc Tây Ban Nha là 259 và nhóm da trắng là 130. Tương tự, dữ liệu ở Los Angeles cũng cho kết quả khá tương đồng, trừ tỉ lệ tử vong của nhóm gốc Á cao hơn nhóm da trắng.

Nghiên cứu của tổ chức Henry J. Kaiser Family phân tích các dữ liệu sơ bộ và chỉ ra rằng người gốc Á  dường như có nguy cơ mắc bệnh nặng thấp nhất trong số các nhóm sắc tộc, kể cả nhóm da trắng.

Có nhiều yếu tố được các nhà nghiên cứu đưa ra, trong đó, có một nguyên nhân được cho là liên quan tới việc cộng đồng này nhìn chung có tính cảnh giác cao với dịch bệnh và thường xuyên cảnh báo lẫn nhau về nguy cơ dịch bệnh.

Ngoài ra, những kinh nghiệm về đại dịch trước đó, như SARS (2002-2003), được cho thúc đẩy những người gốc Á bắt đầu tích trữ thực phẩm từ sớm. Họ cũng chủ động giữ khoảng cách an toàn cần thiết ngay cả trước khi chính quyền yêu cầu.

Ngoài ra, cũng do nạn phân biệt, kỳ thị chủng tộc cả bằng lời nói và hành động, nhiều người gốc Á được cho đã tránh xuất hiện ở nơi đông người vì sợ trở thành mục tiêu bị tấn công. Điều này được xem cũng góp phần làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Song cho biết trong những tuần gần đây, một người đàn ông da trắng đã nhổ nước bọt về phía bà, trong khi, một nhân viên cửa hàng tạp hóa cố gắng chặn không cho bà chạm vào rau củ. “Tôi lo sợ mọi người sẽ nhằm vào tôi”, bà Song nói.

Trong khi đó, một số người gốc Á đã bị tấn công trong thời gian qua vì đeo khẩu trang để bảo vệ mình.

Ngoài ra, một nhà dịch tễ học cũng cho biết tại thành phố New York, phần lớn những người Trung Quốc sống tại đây là người nhập cư thời gian gần đây - nhóm có chế độ ăn uống ít dầu mỡ, thịt đỏ và đường hơn so với các nhóm khác. Điều này được xem cũng là yếu tố khiến họ có thân hình thon gọn hơn và ít nguy cơ mắc bệnh hoặc bị chuyển biến nguy kịch hơn.

Thêm vào đó, nhóm gốc Á nhìn chung đi vào Mỹ theo đường hợp pháp nhiều hơn so với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha - những người buộc phải tránh bệnh viện vì sợ bị bắt và trục xuất. Nghiên cứu của Viện chính sách Nhập cư ở Washington cho thấy 90% số người vào Mỹ bất hợp pháp ở các hạt đông người nhập cư, tới từ Mexico và Trung Mỹ.  

Đức Hoàng

Theo SCMP