1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người em gái song sinh của Vua Iran Pahlavi Shah:Công nương “báo đen” đơn độc

Trên trang Facebook ngày 7-1-2016, Reza Pahlavi II - người đứng đầu gia tộc Pahlavi, là cháu gọi Ashraf Pahlavi bằng cô ruột - tuyên bố bà vừa qua đời hôm 7-1 vì bệnh già, hưởng thọ 97 tuổi.

Công chúa Ashraf Pahlavi là em gái song sinh của Vua Iran Pahlavi Shah (Mohammad Reza Pahlavi).

Bà từng thú nhận với Hãng tin AP: “Ban đêm, khi tôi lên giường đi ngủ, những ký ức ùa về như thác lũ. Tôi thường thức thâu đêm đến 5 - 6 giờ sáng. Tôi cố không suy nghĩ gì nữa, nhưng ký ức cứ bám riết lấy tôi”…

Ghét ngay cả hình bóng mình trong gương

Ashraf Pahlavi là người cuối cùng trong Hoàng gia Pahlavi - cai trị Iran từ năm 1925 đến Cách mạng Hồi giáo 1979. Bà đã sống một cuộc đời dài suốt triều đại Pahlavi, trải qua bao biến cố xung đột ở Iran và trên thế giới. Cuộc đời nhiều sôi động, xa hoa nhưng cũng lắm gian truân của bà là đề tài thu hút giới báo chí, giới văn nghệ sĩ.

Đặc biệt, bà còn khiến cho nhà lãnh đạo Xôviết Joseph Stalin khâm phục vì tính cách hoạt bát, mạnh mẽ, quật khởi của một phụ nữ Hồi giáo những năm đầu thế kỷ XX. Stalin từng nói với bà rằng, nếu anh trai bà có được 10 người như bà thì ông ấy không cần phải lo lắng gì cả.

Ashraf Pahlavi sinh ra ở Tehran vào tháng 10-1919, là em gái song sinh của Vua Iran Pahlavi, sinh sau ông 5 giờ. Anh chị em bà - tất cả 10 người - là con của ông Reza Pahlavi, một chỉ huy quân sự, về sau trở thành một thế lực mạnh ở Iran. Đó là thời kỳ suy tàn của triều đại Qajar.

Người em gái song sinh của Vua Iran Pahlavi Shah:Công nương “báo đen” đơn độc - 1

Vua cha Reza Pahlavi và 3 anh chị em Mohammad Reza, Shams và Ashraf (phải).

Reaz Pahlavi âm thầm thâu tóm quyền lực, và khi triều đại Qajar sụp đổ vào năm 1925, ông chính thức lên ngôi vua, mở ra triều đại Pahlavi. Reza bắt đầu loạt cải cách theo kiểu phương Tây lấy văn hóa làm trọng tâm, như chống lại lệnh bắt buộc phụ nữ đội khăn trùm đầu. Ông chính thức đổi tên nước từ Ba Tư (Persia) thành Iran - cái tên phản ánh mối liên hệ với các bộ lạc Aryan cư trú ở vùng đất ngày nay là nước Nga.

Ashraf Pahlavi lớn lên trong một môi trường đầy nhung lụa nhưng bị bao bọc trong kỷ luật nghiêm khắc sau khi cha bà nắm lấy quyền hành, lên làm vua. Cho nên, năm 18 tuổi (1937), Ashraf không được học tiếp đại học mà bị ép phải lấy chồng, đó là Mirza Khan Ghavam, con của một gia đình đầy quyền thế, đồng minh của nhà vua. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, hai người đã ly hôn vì cuộc sống hôn nhân quá ngột ngạt.

Ngay từ nhỏ, Ashraf đã sớm nổi bật hơn người bởi cá tính mạnh, những cử chỉ táo bạo và lời nói gay gắt. Bà thường không tự hài lòng về chính bản thân mình, và đặc biệt là bà rất ghét phải nhìn thấy… chính mình trong gương (sau này, năm 1980 bà có viết một quyển sách về chủ đề này). Bà ghét vóc dáng thấp nhỏ, nước da ngăm đen của mình. Bà luôn tự hình dung rằng "thế giới này có quá ít người thấp hơn tôi" - bà viết trong quyển hồi ký "Những khuôn mặt trong gương (Faces in the Mirror), xuất bản năm 1980.

Chính sự không hài lòng về chính mình là tiền đề căn bản thúc đẩy bà trở nên mạnh mẽ, táo bạo. Bà và chị gái, Shams, là hai trong số ít những phụ nữ Iran đầu thế kỷ XX dám xuất hiện trước công chúng mà không đội khăn trùm đầu.

Người em gái song sinh của Vua Iran Pahlavi Shah:Công nương “báo đen” đơn độc - 2

Ashraf (phải) cùng anh trai, Pahlavi Shah, và chị gái Shams Pahlavi.

Đồng ý hỗ trợ người Mỹ làm cuộc đảo chính vì tiền bạc và…chiếc áo lông chồn?

Ashraf  đã chứng kiến việc đổi ngôi trong chính gia tộc mình khi các quốc gia Đồng minh trong Thế chiến II đã ép cha bà thoái vị vào năm 1941 để đưa anh trai bà lên ngôi. Lý do của sự "đổi ngôi" này được lý giải là do các cường quốc Đồng minh lo ngại Vua Reza quá thân với Đức (Quốc xã).

Trong giai đoạn đỉnh cao thời anh trai bà trị vì, bà sống một cuộc sống giàu sang, "đi mây về gió", có nhà ở New York, Paris và French Riviera, lui tới các sòng bạc như "đi chợ".

Nguồn thu từ dầu mỏ khi đó đã tạo nên sự giàu có cho Hoàng gia Pahlavi. Đây cũng là giai đoạn Ashraf có được ảnh hưởng đặc biệt ở Iran, trở thành cánh tay đắc lực, cố vấn thân cận nhất của Vua Pahlavi, được ông cử làm đại diện Iran sang Liên Xô gặp mặt Stalin vào năm 1946 để thảo luận về việc Liên Xô "thôi chiếm đóng" Azerbaijan, đất nước có nhiều mối quan hệ sắc tộc với người Iran.

Quyền lực của Ashraf lên cao vào đầu thập niên 50, với vai trò cố vấn cho Vua Pahlavi Shah. Từ đó, bà đóng một vai trò trong cuộc đấu quyền lực giữa Vua Pahlavi Shah với Thủ tướng Mohammad Mossadegh, mà kết cục là Thủ tướng Mossadegh bị lật đổ vào năm 1953, do Thủ tướng Mossadegh cố tìm cách quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu hỏa Iran và kiềm chế quyền hành của nhà vua.

Người em gái song sinh của Vua Iran Pahlavi Shah:Công nương “báo đen” đơn độc - 3

“Báo đen” Ashraf Pahlavi.

Ban đầu, Vua Pahlavi không mặn mà với kế hoạch đảo chính do người Mỹ đưa ra, nhưng sau đó các điệp viên Mỹ và Anh tiếp cận và thuyết phục bà Ashraf, mang biếu bà tiền mặt và một chiếc áo lông chồn. Rốt cuộc, bà Ashraf "xiêu lòng" và tích cực giúp người Mỹ vận động Vua Pahlavi ủng hộ cuộc đảo chính, lật đổ Thủ tướng Mossadegh, mở ra một thời kỳ cai trị độc tài của Pahlavi Shah kéo dài hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, một số sử gia lại cho rằng, một khi các điệp viên Mỹ (CIA) và Anh (MI-6) muốn can thiệp để thay đổi một cục diện chính trị theo ý muốn của lãnh đạo quốc gia họ, không sớm thì muộn, cho dù có sự góp sức của bà Ashraf hay không, ông Mossadegh cũng bị mất chức.

Không nguôi ngoai về một thời oanh liệt

Kể từ sau sự kiện đảo chính, Ashraf tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị trong chính quyền do anh trai mình lãnh đạo, đồng thời thụ hưởng cuộc sống xa hoa, sung túc của một công chúa hiện đại. Vương triều Pahlavi trị vì trên túi dầu hỏa của Iran, đã thâu tóm tài sản, tiền bạc từ việc khai thác và bán dầu mỏ, khí đốt.

Trong giai đoạn này, Iran trải qua thời kỳ bùng nổ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp dầu mỏ. Tài sản của cá nhân Ashraf và các con bà cũng tự nhiên phình to ra nhờ vào việc hưởng hoa hồng 10% giá trị cổ phiếu của công ty để công ty được cấp phép, được hoạt động xuất nhập khẩu hay giao dịch với chính quyền được thuận lợi hơn.

Ashraf ly dị người chồng thứ hai, Ahmad Chafik Bey (người Ai Cập), và vào năm 1960 bà lấy người chồng thứ ba, Mehdi Bushehi, một người gốc Iran ở Pháp, quản lý một trung tâm văn hóa Iran ở Paris. Nhưng bà Ashraf lại dành nhiều thời gian lưu trú tại ngôi nhà riêng của mình ở New York, và hai người duy trì cuộc sống kiểu "nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn", dù là vợ chồng.

Rồi bà bắt đầu phát huy vai trò là người đi tiên phong đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ. Năm 1967, bà làm đại diện cho Iran tại một số tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, như Cao ủy Nhân quyền LHQ, Hội đồng Kinh tế - xã hội LHQ, Ủy ban Quy chế phụ nữ LHQ, Ủy ban Tham vấn Hội nghị Phụ nữ Quốc tế thường niên,…

Một số người ganh ghét Ashraf đặt vấn đề đối với uy tín và độ tin cậy của bà, bởi họ cho rằng bà thiếu sự hoạt động trực tiếp và trong thực tế những người phụ nữ chống đối đều bị Vua Pahlavi Shah bắt bỏ tù. Nhưng bản thân Ashraf tự xem mình là một biểu tượng giải phóng phụ nữ Iran, và sau chuyến tháp tùng anh trai đi Liên Xô vào năm 1978, bà bắt đầu có suy nghĩ về sự đi xuống của triều đại Pahlavi, như câu nói của bà với một tác giả người Anh: "Hành trình cuối cùng của Shah".

Người em gái song sinh của Vua Iran Pahlavi Shah:Công nương “báo đen” đơn độc - 4

Ashraf Pahlavi cùng người chồng thứ hai, Ahmad Chafik.

Cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã xô đẩy gia đình bà ly tán - kẻ bị giết, người còn sống cũng trôi dạt nhiều nơi. Shahriar Shafik, con trai lớn của bà với người chồng thứ hai đã bị một tay súng cách mạng Hồi giáo Iran bắn chết ở Paris; còn anh trai bà và gia đình đưa nhau sang Paris lưu vong. Bản thân bà đến sống tại nhà riêng ở New York; người chị gái Shams sang California. Những người khác trong Hoàng tộc Pahlavi sống lưu vong ở nhiều nơi.

Chính trong thời gian sống lưu vong là thời kỳ bà sống an nhàn, tự tại, không bị ràng buộc điều gì. Phát biểu trên tờ New York Times của Mỹ năm 1980, Ashraf đã công khai nhận mình thích biệt danh "Báo đen" (La Panthère Noire) mà báo chí đã đặt cho bà cách đó 20 năm ("báo" là do tính cách, còn "đen" là do nước da ngăm đen của bà). Ashraf thừa nhận tính cách bà giống như loài báo, tức là quay cuồng, nổi loạn và tự tin.

Năm 1980, bà xuất bản quyển hồi ký đầu tay "Những khuôn mặt trong gương" năm 1980, Ashraf đã quyết liệt bảo vệ uy tín, danh dự cho gia đình, dù hiện tại điều đó cũng không còn mấy ý nghĩa, vì gia đình bà đã phải sống lưu vong. Cũng trong năm này, anh trai bà, Pahlavi Shah, qua đời ở Ai Cập vì bệnh ung thư. Cái chết của Pahlavi Shah đã làm cho Ashraf hụt hẫng, một sự mất mát bà không thể hình dung nổi.

Từ sau sự kiện này, Ashraf trở thành người bảo vệ cho gia đình. Bà bắt đầu lớn tiếng công kích "kẻ thù", kể cả có thật và trong trí tưởng tượng. Bên cạnh Đại giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini và những người đi theo ông làm cuộc cách mạng Hồi giáo, danh sách kẻ thù của bà còn có cả Tổng thống Mỹ khi đó là ông Jimmy Carter, người bị bà cáo buộc đã bỏ rơi anh trai bà chỉ vì những lý do chính trị không xứng đáng.

Rồi Ashraf  phản bác những người đối nghịch với bà, những người cáo buộc Hoàng gia Pahlavi đã bòn rút tài sản quốc gia làm tài sản riêng. Ashraf tuyên bố, tài sản bà và gia đình có được là do những hoạt động làm ăn và tài sản thừa kế từ cha mình. Bên cạnh đó, Ashraf cũng dịu giọng xin lỗi dư luận vì hoạt động đầy tai tiếng của đội cảnh sát mật vụ Savak khét tiếng của anh trai bà, đơn vị chuyên bắt bớ, bỏ tù, tra tấn, khảo cung những người chống đối vương triều.

Những năm tháng cuối đời, Ashraf lánh xa công luận, sống ẩn dật trong căn hộ chung cư Hữu ngạn sông Sein ở Paris, dành nhiều thời gian chơi bài với bạn bè, xem truyền hình và xem lại các cuộn băng video ghi lại những hình ảnh về một thời vang bóng ở Iran những thập niên đầu thế kỷ XX. Năm 2014, Hãng tin FARS của Iran có đăng ảnh bà xuất hiện một lần hiếm hoi trước công chúng, bên cạnh Ardeshir Zahedi, một cựu đại sứ Iran tại Mỹ thời Pahlavi Shah.

Bà thú nhận với Hãng tin AP: "Ban đêm, khi tôi lên giường đi ngủ, là lúc tất cả những suy nghĩ, những ký ức ùa về như thác lũ. Tôi thường thức thâu đêm đến 5 - 6 giờ sáng. Tôi đọc sách, tôi xem băng video. Tôi cố không suy nghĩ gì nữa, nhưng ký ức cứ bám riết lấy tôi"…

Theo Nguyên Khang (tổng hợp)

An ninh thế giới