1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Anh lên tiếng: Đã đến lúc rời EU (Bài I)

Brexit đã trở thành sự thật trước sự ngỡ ngàng của hàng triệu người cùng nhiều chuyên gia phân tích. Hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần tìm hiểu về nguyên nhân của quyết định này và hệ luỵ của Brexit trong thời gian sắp tới.

Ai sẽ quan tâm đến Brexit?

Câu trả lời ngắn gọn là: người Anh, người Mỹ, người dân Liên minh châu Âu (EU).... và tất cả mọi người!

Đối với người Anh, quyết định rời EU không khác gì “mở chiếc hộp Pandora", một khi đã mở thì không biết cái gì sẽ nhảy ra. Tương lai của họ tràn ngập sự bất định, nhất là khi đồng Bảng Anh đã sụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 và có thể tiếp tục sụt giá trong thời gian tới, ít nhất là cho tới khi thị trường đã lấy lại được niềm tin vào sự ổn định của nước Anh.

Tương lai của nước Anh với châu Âu hiện là một dấu hỏi lớn, một điều đặc biệt khó chịu đối với những người dân Anh đang sinh sống và học tập ở các nước EU. Họ sẽ không còn là công dân EU nữa và sẽ không còn được hưởng những đặc quyền của một công dân EU như bấy lâu nay.

Người Mỹ quan tâm tới Brexit không kém và bản thân Tổng thống Obama - người đã chủ động vận động khá mạnh cho chiến dịch “Ở lại" khi tới thăm nước Anh. Vì sao? Đơn giản vì nước Mỹ tìm kiếm sự ổn định ở châu Âu.


Brexit là mối quan tâm của tất cả mọi người (Nguồn: politicuk)

Brexit là mối quan tâm của tất cả mọi người (Nguồn: politicuk)

Hơn ai hết, người Mỹ không muốn có sự xáo trộn và hỗn loạn ở châu Âu bởi một tương lai bất định tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh và người Mỹ đã tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và xương máu ở lục địa già này rồi. Hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy ở châu Á và hoành hành ở Biển Đông, điều cuối cùng nước Mỹ cần là một châu Âu biến động bởi họ không thể nào xoay trục về châu Á nếu họ cảm thấy bất an ở châu Âu - khu vực sát sườn nhất đối với Mỹ.

Đồng thời, việc người Anh chọn rời EU rất có thể sẽ tiếp lửa cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump, một người ủng hộ nước Anh rời EU và từng gọi EU là “một thảm hoạ". Đối với nhiều cử tri Mỹ, đặc biệt những người theo Đảng Dân chủ, đây là một tin đáng buồn.

EU đã cam kết rằng họ sẽ tôn trọng quyết định của người Anh. Họ sẽ không níu kéo. Chắc chắn rằng nhiều người dân ở các nước EU không hề thích người Anh và muốn họ ra bởi từ hàng trăm năm nay người Anh đã có tư tưởng rằng mình “đặc biệt" hơn phần còn lại của châu Âu.

Tuy nhiên, chắc chắn sẽ nhiều người cảm thấy hoang mang và lo lắng bởi kết quả này bởi cuộc sống của họ ít nhiều phụ thuộc vào việc nước Anh là một phần của cả khối EU.

Hơn nữa, đây là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, chưa bao giờ có một nước thành viên lại ra khỏi khối EU cả. Chính vì vậy, kể cả khi họ không quá quan tâm tới việc nước Anh ra đi hay ở lại, có lẽ nhiều người vẫn sẽ lo rằng Brexit sẽ châm ngòi cho một phong trào đòi rời khỏi EU ở các nước khác, khiến Liên minh này tan rã và quay ngược thời gian trở lại thời Thế chiến. “Giấc mơ thiên đường” về một châu Âu ngọt ngào rất có thể sẽ biến thành một cơn ác mộng. Không thể nói trước điều gì về tương lai của EU nói riêng và châu Âu nói chung.

Người Việt Nam, người Trung Quốc... có cần quan tâm tới Brexit hay không? Có, vì thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán thế giới chắc chắn sẽ lao đao sau vụ này. Bạn đang giữ tiền Bảng Anh? Bán ngay! Bạn đang định cho con đi du học Anh quốc? Tuyệt vời! Không, chưa chắc đã tuyệt vời vì rất có thể Brexit là tín hiệu cho thấy làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở châu Âu đang trỗi dậy mạnh mẽ và đương nhiên đây là điềm chẳng lành cho những người nước ngoài như chúng ta. Nói chung, có thể bản thân Brexit không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta nhưng hệ luỵ lâu dài của nó thì chưa thể nào nói trước được.

Tại sao Brexit?

Không phải bỗng dưng mà người Anh ủng hộ quyết định rời châu Âu. Những ai từng tìm hiểu về lịch sử châu Âu đều biết rằng, người Anh từ trước đến giờ vẫn luôn luôn nghĩ mình có gì đó đặc biệt hơn phần còn lại của châu Âu. Nếu như người Mỹ có “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” (American exceptionalism) thì người Anh cũng có một cái gì đó tương tự. Dù gì thì họ cũng từng là một đế chế thống trị gần như cả thế giới, từng là một nước tự hào rằng “mặt trời không bao giờ lặn".

Trong suốt vài thế kỷ trước hai cuộc chiến tranh thế giới, người Anh vẫn luôn đóng vai trò người giữ cán cân quyền lực ở châu Âu (balancer). Sở dĩ người Anh bị chê là “xảo trá" (perfidious Albion) bởi họ luôn sẵn sàng đổi các phe liên minh, miễn là đảm bảo được rằng quyền lực giữa các cường quốc ở châu Âu luôn ở trạng thái cân bằng và không có cường quốc nào đủ mạnh để nuốt trọn tất cả các nước còn lại.

Đó là mục tiêu số một trong chính sách đối ngoại của Đế chế Anh quốc trong hàng trăm năm liền. Tuy nhiên, khi không có mối đe doạ nào ở châu Âu lục địa thì người Anh luôn thu mình và “bơ” đi toàn bộ phần còn lại của châu Âu. Chỉ khi có mối đe doạ tiềm tàng nào thì họ mới “ra tay”.

Cũng chính vì vậy, mối quan hệ của nước Anh với EU chưa bao giờ thật sự mặn mà cả. Anh quốc không phải là một trong những thành viên sáng lập ra EU và họ phải xin gia nhập đến hai lần mới được nhận vào bởi Pháp dưới thời Tổng thống Charles De Gaulle đã phủ quyết sự gia nhập của Anh vào EU.

Nhưng ngay cả đến khi gia nhập rồi, đây vẫn là một cuộc “hôn nhân" đầy trục trặc bởi nhiều người dân Anh vẫn luôn phản đối việc Anh gia nhập EU, nhất là khi họ tin rằng điều này sẽ xâm phạm vào chủ quyền của nước Anh, trói tay nước Anh kể cả trong những công việc nội bộ.

Có thể nói rằng, lý do mấu chốt khiến nhiều người dân Anh đòi ra khỏi EU là họ muốn “chiếm lại" đất nước của mình. Nếu nước Anh ra khỏi EU, họ sẽ có lại được toàn bộ chủ quyền của mình, sẽ không có một đạo luật nào ở nước Anh được ban hành ở Brussels - trụ sở của các cơ quan EU. Sẽ không còn chuyện người Anh phải chấp nhận các đạo luật mà họ cho rằng bị áp đặt bởi người ngoài, một điều hết sức phi dân chủ, đặc biệt khi mà nhiều quan chức EU ở Brussels không phải do người Anh bầu nên.

Người dân nước Anh đặc biệt muốn giành lại quyền kiểm soát đất nước của mình trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng, do hàng triệu người đang trốn chạy khỏi chiến tranh ở Syria và các nước Bắc Phi lân cận.

Hơn ai hết, người Anh không muốn nhận nhiều người nhập cư vào đất nước của họ không chỉ bởi nó tạo ra những gánh nặng vô cùng to lớn cho hệ thống an sinh xã hội ở nước này (như hệ thống chăm sóc y tế vốn đã bị quá tải) rồi lấy đi công ăn việc làm của người Anh bản địa, mà còn bởi họ tin rằng nó sẽ làm mất đi bản sắc văn hoá của nước Anh.

Những người ủng hộ việc nước Anh rời EU tin rằng những người nhập cư tới nước Anh sẽ mang theo bản sắc riêng của họ và đặc biệt là người tị nạn Hồi giáo từ Trung Đông, Bắc Phi sẽ làm hỗn tạp nền văn hoá lâu dài của nước Anh, khiến cho đất nước của họ “không còn là chính mình" nữa.

Như đã nói ở trên, người Anh bản địa da trắng có sự nhận thức rất rõ về sự đặc biệt của mình, về tầm vóc và vị thế của nước Anh và chính vì vậy họ không muốn nó trở thành một đất nước tạp nham, một cường quốc hạng hai.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng khoản phí mà nước Anh đang nộp cho ngân quỹ của EU hàng năm (gần 20 tỷ USD) vừa quá cao, vừa không cần thiết. Chiến dịch vận động nước Anh rời EU cho rằng mỗi tuần nước Anh đang nộp cho EU 350 triệu Bảng Anh và khoản tiền đó thay vì gửi cho EU thì nên được đầu tư vào giáo dục hay hệ thống chăm sóc y tế...

Đây là một cái gai trong mắt rất nhiều người. Đặc biệt, vì họ đã chán ghét EU sẵn rồi và vì thế càng cảm giác rằng cho EU tiền thay vì giữ lại để đầu tư cho nước Anh là một sự phản bội.

Theo Ngô Di Lân