1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngư dân Philippines thực sự được phép đánh bắt ở bãi cạn Scarborough?

(Dân trí) - Truyền thông và giới chức Philippines trong những ngày qua vẫn đưa tin về việc ngư dân nước này được quay trở lại đánh bắt tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, mà không bị cản trở như trước, tuy nhiên các hình ảnh được chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy diễn biến trên thực tế chưa hẳn đã đúng như vậy.

Ngư dân Philippines ra khơi gần bãi cạn Scarborough (Ảnh: NYT)
Ngư dân Philippines ra khơi gần bãi cạn Scarborough (Ảnh: NYT)

Từ cuối tuần trước, truyền thông Philippines đã đưa tin về việc ngư dân nước này được quay trở lại đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012, mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết đã không còn tàu Trung Quốc, kể cả tàu cảnh sát biển hay tàu hải quân, hiện diện ở Scarborough, đồng thời nhấn mạnh việc rời đi này là một “diễn biến đáng hoan nghênh” từ phía Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo Business Insider, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ ngày 1/11 đã công bố những bức ảnh mới nhất được chụp từ vệ tinh hôm 29/10, cho thấy những gì đang diễn ra tại bãi cạn Scarborough hiện nay không có nhiều khác biệt so với trước đó, nghĩa là ngư dân Philippines vẫn chưa được phép tiếp cận ngư trường dồi dào ở khu vực này như kỳ vọng.

Cụ thể, xuất hiện trong bức ảnh chụp từ vệ tinh là một tàu Trung Quốc đứng ngay ở cửa ngõ ra vào bãi cạn Scarborough. Khi neo đậu ở vị trí đó, con tàu này dường như chặn lối vào của ngư dân Philippines và hình ảnh từ vệ tinh cũng không cho thấy bất kỳ một tàu cá nào của Philippines xuất hiện phía trong Scarborough. Thay vào đó, các tàu cá Philippines chỉ lảng vảng bên ngoài và đánh bắt ngoài rìa bãi cạn. Cùng lúc, báo cáo của Hải quân Philippines cho biết tàu Trung Quốc vẫn hiện diện xung quanh Scarborough.

Hình ảnh vệ tinh do CSIS công bố, trong đó chấm màu đỏ là tàu chính phủ Trung Quốc, chấm màu cam là tàu phi chính phủ Trung Quốc và chấm màu vàng là tàu cá Philippines (Ảnh: CSIS)
Hình ảnh vệ tinh do CSIS công bố, trong đó chấm màu đỏ là tàu chính phủ Trung Quốc, chấm màu cam là tàu phi chính phủ Trung Quốc và chấm màu vàng là tàu cá Philippines (Ảnh: CSIS)

Như vậy, căn cứ trên hình ảnh do CSIS cung cấp, tàu cá Philippines có lẽ chỉ được tiếp cận gần hơn tới bãi cạn Scarborough so với trước đó, chứ chưa được phép ra vào thoải mái và đánh bắt tự do như họ từng làm trước khi Trung Quốc chiếm bãi cạn này cách đây 4 năm.

CSIS nhận định, nếu ngư dân Philippines vẫn bị cản trở và chưa thực sự được phép đánh bắt ở ngư trường Scarborough thì nội dung cuộc hội đàm giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình nhân chuyến thăm tới Trung Quốc của nhà lãnh đạo Philippines hồi giữa tháng trước có chăng cũng chỉ dừng lại ở việc nới lỏng thêm một chút quyền kiểm soát của tàu Trung Quốc ở khu vực này, sau khi tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông hồi tháng 7.

CSIS cho rằng những gì đang diễn ra ở bãi cạn Scarborough chỉ là thay đổi một chút so với hiện trạng được duy trì trong suốt 4 năm quá, chứ không thể hiểu là Trung Quốc đã trả lại hiện trạng như trước năm 2012, khi ngư dân Philippines có thể ra vào đánh bắt thường xuyên ở bãi cạn này.

“Đây có thể là một nhánh ô liu tạm thời mà Trung Quốc đưa ra (cho Philippines) trong khi các cuộc hội đàm về thỏa thuận dài hạn, điều mà có thể không bao giờ xảy ra, vẫn đang được tiến hành với chính phủ của ông Duterte”, Gregory Poling, lãnh đạo Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, cho biết.

Trước đó, ông Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh cấp cao của chính phủ Philippines, cho biết Tổng thống Duterte đã đàm phán với phía Trung Quốc về thỏa thuận hợp tác chung tại bãi cạn Scarbrough khi tới thăm Bắc Kinh. Theo đó, hai nước đã đạt được hiểu biết chung mang tính “hữu nghị” về việc cho ngư dân Philippines được đánh bắt tại bãi cạn này, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó, còn trên thực tế, hai bên không ra được bất kỳ bản thỏa thuận nào bằng văn bản về vấn đề này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 31/10 cho biết Bắc Kinh vẫn đang “điều hành bình thường” ở bãi cạn Scarborough, đồng thời khẳng định tình hình ở khu vực này không và sẽ không thay đổi.

Thành Đạt

Theo BI