1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại trưởng Malaysia: Cần chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu trên Biển Đông

(Dân trí) - Ngoại trưởng Malaysia cho biết nước này cần nâng cấp lực lượng hải quân để đối phó với kịch bản xảy ra xung đột trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Malaysia: Cần chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu trên Biển Đông - 1

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (Ảnh: AP)

Phát biểu trước Quốc hội về việc các tàu tuần duyên Trung Quốc hiện diện 24/7 xung quanh bãi cạn Nam Luconia ở ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah ngày 17/10 thừa nhận rằng các tàu Hải quân Hoàng gia Malaysia “nhỏ hơn so với các tàu tuần duyên Trung Quốc”.

“Mặc dù không muốn xảy ra xung đột, song các thiết bị của Malaysia cần được nâng cấp để chúng ta có thể quản lý tốt hơn vùng biển của chúng ta, nếu có một cuộc xung đột xảy ra giữa các nước lớn trên Biển Đông”, ông Abdullah nói.

Ngoại trưởng Abdullah cảnh báo mặc dù Malaysia có thể gửi công hàm phản đối khi các nước khác xâm phạm vùng biển của Malaysia, song việc thiếu năng lực thực thi luật pháp trên biển là một điểm yếu của quốc gia Đông Nam Á.

Tuyên bố của ông Abdullah được đưa ra trước khi Malaysia công bố Sách trắng Quốc phòng được chờ đợi từ lâu. Sách trắng của Malaysia dự kiến sẽ vạch ra lộ trình 10 năm cho lực lượng vũ trang nước này.

Giới phân tích nhận định Malaysia đang có nhu cầu cấp bách về việc phát triển các thiết bị tuần tra hàng hải mới, bao gồm máy bay. Một trong số các thương vụ hải quân mới nhất của Malaysia là mua 4 tàu tác chiến ven biển do Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc chế tạo. 2 trong số 4 tàu này đã được bàn giao tại Trung Quốc hồi tháng 4, trong khi 2 chiếc còn lại sẽ được đóng và bàn giao tại Malaysia vào năm 2021.

Thỏa thuận mua tàu với Trung Quốc được Malaysia ký trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng “tai tiếng” Najib Razak - người đang bị xét xử vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Theo Shariman Lockman, nhà phân tích cấp cao tại Chương trình Nghiên cứu An ninh và Chính sách Đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Malaysia, mặc dù chính phủ Malaysia sẵn sàng trao công hàm phản đối về vấn đề Biển Đông, song các diễn biến thực tế tại vùng biển này vẫn không thay đổi.

Trung Quốc tiếp tục duy trì sự hiện diện gần bãi cạn Luconia, nơi Malaysia coi là vùng đặc quyền kinh tế của nước này và là khu vực Malaysia có quyền quyết định đối với các tài nguyên biển theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong việc đối đầu với các hoạt động dầu khí của Malaysia tại vùng biển này.

Thành Đạt

Theo SCMP