1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghĩa tình người Việt ở Ulyanovsk

(Dân trí) - Ở thành phố xa, chuyện làm ăn sinh sống của bà con còn nhiều vất vả gian truân lắm, đó luôn là đề tài hấp dẫn lôi cuốn tính tò mò của tôi. Chính vì lẽ ấy mà tôi quyết định làm một chuyến du hành kí nữa tới Ulyanovsk.

Hàng mới từ Mátxcơva đưa về chợ Ulyanovsk.

Hàng mới từ Mátxcơva đưa về chợ Ulyanovsk.

Chờ khách

Chờ khách

Đón khách mở hàng

Đón khách mở hàng

Một đêm trên xe “ăn hàng”


Ngày 8.6, phần vì hết vé tàu hỏa do cận ngày đi, phần lại muốn du hành theo xe thành phố xa lên “ăn hàng” để nếm trải đủ vị ngọt ngào cay đắng như thế nào, tôi alô cho chú em tên Đức dưới Uly (gọi tắt tỉnh Ulyanovsk, Nga) để giúp đặt chỗ.

Thực ra mà nói, chuyến đi này (tiếp theo chuyến đi dịp 9.2014, chưa kể chuyến đi dịp Tết 2015 để viết bài) là theo lời mời của bà con ở Ulyanovsk để viết phóng sự và đưa tin về việc lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk tiến hành kí kết khởi công xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Hồ Chí Minh, cũng như dự án làm nhà trung tâm thương mại Nghệ An tại Ulyanovsk. Những việc này nằm trong kế hoạch của lãnh đạo hai tỉnh cũng như tâm huyết của bà con dưới đó ấp ủ bấy lâu nay…

Cái nắng trưa hè tháng 6 của nước Nga tuy không oi ả như ở Việt Nam nhưng cũng… chẳng vừa đâu dù chỉ ở mức 27, 28 độ C!  Đã thế lại còn phải chờ bà con đi lấy hàng tại chợ Liu (trung tâm thương mại Mátxcơva – ấy là bà con mình cứ thích gọi tắt như vậy), rồi còn phi sang chợ Chim (gọi tắt từ trung tâm thương mại Sadovod) nữa. Qua hai chặng, mãi tới 13 giờ 30 phút xe khách mới khởi hành.

Nói là xe khách chứ thực ra toàn hàng hóa chất đầy là chính. Bịch lớn bịch bé nhét tứ tung từ gầm để hàng cho tới hai hàng ghế, bên trên lót nệm cho các “thượng đế” nằm! “Ôi dào, mùa này còn đỡ đấy, mùa đông hàng hóa nhiều ý à, là bọn em phải lách vào khe nào hở mà chợp mắt đó bác à!” - cô em tên Hằng nhanh nhảu kể.

Bà chủ xe cũng tên Hằng, có ông chồng là người Nga, cao to khỏe mạnh và khá vui tính. Cả 2 vợ chồng đều tỏ rõ sự tháo vát, tận tình với bà con nên ai cũng thích đi lấy hàng cùng xe của họ. Anh chồng rất tự hào có cô vợ Việt Nam vừa khéo léo vừa đảm đang, khoe ngay với tôi khi thấy Hằng đi tới: “Vợ tôi đây!” (chuyện đời của hai anh chị tôi dự định sẽ kể trong một dịp khác).

Cuối cùng thì xe cũng chạy bon bon trên đường về thành phố xa cách thủ đô Mátxcơva cả ngàn km (khoảng hơn 14 tiếng đồng hồ chạy xe) Khách Nga. khách Việt đều là dân Uly cùng đi lấy hàng, ai nấy nhanh chóng vào chỗ của mình. Khách Nga đặt chỗ ngồi ở phía trước, khách Việt đặt giường nằm phía sau. Tôi cũng được cậu em đặt chỗ nằm cho giãn xương cốt – đường xa mà!

Khổ nỗi muốn vào được chỗ ngả lưng thì phải bò nhé, ngồi còn phải còng lưng xuống nữa là, bởi trần xe sát sàn sạt ngay trên đầu. Tôi đùa với đám anh chị em đang nửa ngồi nửa nằm trên xe: “Chà, chuyến xe bão táp đây! Không khác gì dân công hỏa tuyến nhỉ!” làm ai nấy cùng cười khúc khích.

Một chị quê Quảng Ngãi cất lời bằng chất giọng nằng nặng âm sắc miền trung nam bộ: “Bác giờ mới đi lần đầu, chứ bọn em thì "bão táp với dân công hỏa tuyến" từ bao năm nay rồi! À mà bác đừng có chụp ảnh hay viết gì về tụi em nhá, xấu hổ chết!” Được thể tôi càng trêu: “ Hừ, chốc nữa các cô các cậu khò khò rồi, tớ sẽ chụp vài kiểu ảnh để thể hiện là "dân công hỏa tuyến trên chuyến xe bão táp", cho ở nhà cũng hiểu thế nào là làm ăn vất vả ở trời Tây chứ!”

Những nụ cười vui với câu đùa của tôi nhưng vẫn vương thêm tiếng thở dài khe khẽ cùng nỗi buồn ẩn giấu trong ánh mắt mỗi người…

Ở Nga đã mấy mươi niên mà tôi vẫn phải loay hoay với cái kiểu đi xe kì lạ này… Thôi thì mình đã chấp nhận du hành theo xe “ăn hàng” cơ mà. Giày cẩn thận cho vào túi pakét (túi nilon) nhét vào một ngách rồi mới bò lên “giường” nằm. Túi hành lí, đồ nghề máy móc cùng với chân máy ảnh, camera kềnh càng gấp lại nhét đại chỗ nào đó trên xe.

Trời nóng quá, may mà xe có máy điều hòa nên cũng đỡ chứ không thì cái trần xe nó nướng chả mình như chơi! Nằm xuống bên cạnh anh bạn khác mới quen tên L. lập tức chuyện trò nở như ngô rang. Tay này cũng “háo” chuyện nên hai chúng tôi cứ thi nhau chém gió, chém bão. Chuyện đời, chuyện khắp trái đất, chuyện nhân tình thế thái…nhưng chuyện làm tôi chú ý hơn cả là chuyện bà con ở Uly lâu nay làm ăn vất vả theo đủ cả nghĩa đen, nghĩa bóng như thế nào.

L. cũng có quá nhiều điều “tâm sự”, nhưng tôi nghe rồi cũng chỉ biết an ủi chứ còn làm gì được hơn đâu.

…Đêm hè xuống muộn, mãi khoảng 22 giờ 30 phút bóng tối mới phủ xuống dần cảnh vật bên ngoài. Tiếng trò chuyện râm ran lặng dần, chỉ còn nhịp xe rung lắc theo lộ trình, tiếng khò khò của hai khách đi xe người Trung Quốc (cũng tạm trú và làm ăn tại Uly) nằm mé bên kia đã vang vang theo nhịp xe. Anh bạn L. nằm bên cạnh cũng đã thở đều…Họ vất vả cả đêm qua hành trình từ dưới Uly lên, sáng nay lại vội vã lấy hàng, bây giờ mệt mỏi thiếp đi lấy sức mai về lại lo “chiến đấu” tiếp…Nghĩ mà thương!

Còn tôi cứ trằn trọc mãi vì lạ “giường”, vì xe lắc, vì chật chội khó xoay trở, vì bao cảm giác là lạ đan xen…

Để có được miếng cơm manh áo, bà con ta xa nhà cũng vất vả lắm…Tôi biết có những chuyến cả xe bị các đối tượng giả mạo cảnh sát trấn lột  hoặc bọn cướp dọc đường hành hung. Người Việt ta bươn chải đi lấy hàng tận Mátxcơva  cách Uly hàng ngàn km với bao nỗi lo nguy hiểm nguy rình rập, nhưng không đi lấy gì mà bán? Giá cả lại lên xuống thất thường theo giá Xanh (USD)… Phải tính đau đầu sao cho mua vào bán ra có chút lời lãi, cùng lắm thì hòa vốn. Nhưng chỉ cần thời tiết trái chứng là hàng mua về thành công toi.
 
Nhìn họ tay xách nách mang bao nhiêu là túi to túi nhỏ, hay rảo bước theo sau những xe đẩy hàng nặng ì ạch thuê người Tazikistan làm cửu vạn tất bật giữa trưa hè lúc ở chợ Liu, lúc ở chợ Chim – trong tôi lại dội lên bao câu hỏi mà câu trả lời thì nhiều năm qua rồi vẫn thấy còn… mịt mờ lắm!

Gần tới Uly tôi mới thiếp đí, bỗng nghe tiếng cô chủ xe khẽ kêu lên song vẫn không giấu được vẻ thảng thốt đầy lo lắng:

 - Mọi người dậy đi, xuống phía trước ghế ngồi, có cảnh sát ngoại kiều kiểm tra giấy tờ, mọi người lấy hộ chiếu ra nhé!
 
 Sau này mới biết sở dĩ có sự kiểm tra bất thình lình này là do một anh chàng tên M. ở Uly vừa trốn thoát sau khi bị bắt để chuẩn bị bị trục xuất về nước do không có… hộ khẩu. Thật đến khổ! Khoảng 30 phút sau, chúng tôi lại tiếp tục hành trình (nghe nói trong đoàn xe về Uly cùng đi hôm đó có một khách Trung Quốc chắc cũng không có giấy tờ, đành chịu trận vào toa lét ngồi “thiền”, may là cảnh sát không kiểm tra kĩ ).

Dịp hè các bé được tập trung chơi đùa với nhau thật vui. (Ảnh chụp trong căn hộ nhà anh Bình)


Dịp hè các bé được tập trung chơi đùa với nhau thật vui. (Ảnh chụp trong căn hộ nhà anh Bình)

Dịp hè các bé được tập trung chơi đùa với nhau thật vui. (Ảnh chụp trong căn hộ nhà anh Bình)

Đi đâu lang thang cho đời mỏi  mệt

Đã vận vào thân cái nghiệp bán hàng thì đúng là... đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt. Nói vậy cũng là để biện minh cho cái sự chẳng đi đâu được vì còn phải lo...chờ khách. Hàng về rồi, dỡ ra, đưa vào, ngồi bán. Cái vòng quay của những người Việt ở đây cứ luẩn quẩn hết ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác như con ong cái kiến nhẫn nại tha mồi vậy.

Vợ chồng con cái cháu chắt hoặc dắt díu nhau từ Việt Nam sang hoặc thế hệ mới được sinh ra ở đây, gọi là thế hệ F2, lo tàm tạm nơi ăn chốn ở rồi là phải còng lưng ra mà bán hàng chứ còn biết làm gì khác ở đất này?

Theo tôi được biết, dân Việt Nam sinh sống, làm ăn và học tập tại Uly khoảng từ 700-800 người. Có 3 khu chợ hoạt động với vài ông bà chủ Nga và Việt Nam ta. Ở đây chưa có những nông trại như ở Mátxcơva hay Vongagradsk…Xưởng may thì cũng chưa phát triển rầm rộ như ở Mátxcơva hay Vladimia, Tula... Xây dựng cũng không phát triển. Chủ yếu là dân đi chợ bán hàng.

Tóm lại, nhìn bên ngoài thì có vẻ không khí khá bình lặng nhưng tôi được biết là cũng có “sóng ngầm” đấy! Tuy nhiên,  nghe nói họ cũng đã tự dàn xếp với nhau nên nay tình hình đã đỡ đi nhiều, hi vọng đúng là thế. Tiền thuế hàng tháng nhẹ nhàng hơn nên bà con xem ra cũng “dễ thở” hơn bởi vùng sâu vùng xa này mức mua của khách hàng Nga nói chung còn hạn chế vì túi tiền không đầy.

Ulyanovsk là tỉnh nghèo. Tôi biết rõ điều đó. Cứ nhìn dân cư sinh sống, đường sá đi lại ổ voi ổ gà nhiều, đủ biết kinh phí được rót vào đây như thế nào. Năm ngoái tôi xuống vẫn vậy, đầu năm nay xuống chưa có gì thay đổi, rồi bây giờ giữa năm xuống cũng thế, chả khác gì trước.

Chú em tên Đức dẫn tôi đảo một vòng qua 2 khu chợ ngoài và chợ trong là có thể nhận thấy không khí mua bán khá lặng lẽ. Bà con Việt Nam ta người tíu tít lo dỡ hàng từ xe vào quầy, người sốt ruột chờ khách… Khách Nga dạo bước không vội vã, không ồn ào. Có khi họ chỉ lướt qua ngó ngó nghiêng nghiêng rồi đi. Cũng có khi dừng lại hỏi giá, xem hàng, thử ướm, lắc đầu …Tuy nhiên cũng có vị khách hài lòng khi mua được món đồ cần thiết với giá cả phải chăng.

Ở khu chợ bán lẻ, chị Phạm Thị Huyền, khi được tôi phỏng vấn (để đưa lên truyền hình kĩ thuật số), sau ít phút ngại ngần trước ống kính chị cũng từ tốn trải lòng về những khó khăn vất vả của bà con nơi đây:
 
- Vâng, ở Ulyanovsk này trước đây thì bà con làm ăn cũng bình thường nhưng sau khủng hoảng rất khó khăn. Đôla chưa trượt thì còn kiếm được. Ai có giấy tờ còn đỡ chứ thiếu nó thì cũng chạy ngược chạy xuôi rất khổ. Cũng chỉ mong kinh tế nước Nga trở lại bình thường để cuộc sống đỡ hơn. Được cái anh chị em ở đây khá đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau…

Sang khu chợ ốptôm (bán sỉ) khác, tôi tranh thủ gặp và phỏng vấn anh Phạm Văn Quang, anh không giấu được nỗi lo lắng:
 
- Năm nay chúng tôi làm ăn khó khăn, nước Nga khủng hoảng, giá đôla bị đẩy lên cao, dân tình tiết kiệm nên mua sắm cũng kém mặc dù hàng hóa nhiều và khá phong phú chủng loại, giá cả cũng phải chăng.

Còn anh Nguyễn Quang Thành, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk (mà mọi người hay đùa là cán bộ “tuyên huấn” vì tài ăn nói lưu loát, sống vui vẻ hòa đồng lại rất có khiếu bắt chước tiếng nói của các vùng quê đủ 3 miền Nam – Trung - Bắc nên luôn mang lại tiếng cười cho bà con những lúc tụ họp) bộc bạch:

 - Năm 2014, do tình hình kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi "trừng phạt" nên làm ăn buôn bán cũng bị tác động mạnh. Thời điểm này quả là khó khăn cho bà con. Thời kì làm ăn thuận lợi đã qua rồi, lúc đó bà con kiếm được thì cũng tiết kiệm được nên có đồng ra đồng vô. Với tư cách là những người trong Hội, chúng tôi luôn giúp đỡ bà con nhất là để có giấy tờ hợp pháp mà yên tâm sinh sống và làm ăn. Đồng thời cố gắng gìn giữ tình hữu nghị với chính quyền địa phương nên cũng được bạn ưu ái tạo điều kiện giúp đỡ.

Qua quan sát, tôi nhận thấy các chợ ở Ulyanovsk vẫn chưa được nâng cấp nên cơ sở vật chất còn sơ sài. Cũng phải, ở thành phố xa đâu được như ở thủ đô có kinh phí lớn và phải tuân thủ theo yêu cầu khắt khe của chính quyền.

Dịp hè các bé được tập trung chơi đùa với nhau thật vui. (Ảnh chụp trong căn hộ nhà anh Bình)


Dịp hè các bé được tập trung chơi đùa với nhau thật vui. (Ảnh chụp trong căn hộ nhà anh Bình)

Bà con ta dù ở chợ trong hay chợ ngoài cũng quây quần gắn bó bên nhau cùng làm ăn, sinh sống bao năm qua

An cư rồi cũng lạc nghiệp

Chú em tên Đức cũng là Phó Chủ tịch, phụ trách mảng văn hóa của Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk, sau đó tâm sự:
 
- Bà con nơi đây giờ đã gắn bó với Uly lắm rồi. An cư lạc nghiệp mà!

Đức nói đúng. Như vợ chồng anh Đức - chị Hằng có 2 gian hàng nho nhỏ tại 2 khu chợ, chồng một nơi, vợ một nơi, bán buôn nhì nhằng đắp đổi qua ngày. Có hai con thì một con gái ở Việt Nam đang làm trong ngành cảnh sát, vừa mới xây dựng gia đình. Con trai sau đang học phổ thông. Cũng nhờ tằn tiện dành dụm nên không chỉ kiếm được cái hộ khẩu Nga mà còn mua được căn hộ 3 buồng do một người đồng hương để lại cách đây mấy năm khi mọi thứ đang còn dễ dàng mua sắm.

Tôi cũng mừng thay cho bà con ta vì giờ đây khá nhiều người như vậy, họ không chỉ đã có hộ khẩu Nga mà còn sở hữu được cả căn hộ (dù là cũ) mua lại của người địa phương. Giỏi thật, chắc cũng nhờ ở cơ chế thoáng của địa phương nơi đây nên bà con mới có cơ hội thuận lợi hơn.

Giá nhà nơi đây nhìn chung  rẻ hơn ở thủ đô hay các vùng khác gần Mátxcơva nhiều. Nếu ở thủ đô giá nhà là hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu đôla Mĩ, thì ở đây với khoảng vài chục ngàn đôla Mĩ là có thể mua được căn hộ cũ rồi tu sửa lại. Tằn tiện gom góp khoảng chục năm cũng có thể mua được chỗ chui ra chui vào cho đỡ tiền thuê nhà.

Ngoài ra, cuộc sống của họ rất bình lặng mang vẻ thôn dã hơn là phố thị khiến tôi cảm thấy thích thú. Sau mỗi buổi chợ họ lại alô cho nhau đến nhà này nhà khác… làm một chén. Chỉ một tuần tôi ở Uly mà đã được mời dự 2 đám vừa giỗ vừa tân gia. Nhiều khi vợ chồng nhà này phải chia nhau mỗi người đi mỗi nhà khác…Tình cảm hàng xóm láng giềng mà, không khí ấm cúng cứ như ở ngay quê nhà ta vậy.

Tôi nói: “Các cô chú tuy vất vả một chút nhưng lại vui vẻ hơn dân thủ đô bọn tôi rồi đấy, lại được sống quây quần ấm áp tình làng nghĩa xóm”. Nghe nói chả biết tự bao giờ ở đây đã hình thành cái lệ ai về phép là cả “làng” đến tiễn từ nhà ra tới tận ga tàu, lại còn “lì xì” phong bao nữa, vui thật!

Anh Trịnh Xuân Quế, Chủ tịch Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk, một người có công gây dựng Hội cho hay:
 
- Bà con nơi đây sống yên ổn được là nhờ ở lãnh đạo địa phương, nhất là ngài thống đốc, quan tâm giúp đỡ tạo nhiều điều kiện thuận lợi, bởi thế mình cũng phải sống làm sao cho phải đạo. Bà con trong Hội luôn nhắc nhở bảo ban nhau đoàn kết, thương yêu tôn trọng, giúp đỡ nhau lá lành đùm lá rách…

Nén hương tưởng nhớ nơi xa xứ trong ngày giỗ Mẹ

Nén hương tưởng nhớ nơi xa xứ trong ngày giỗ Mẹ

Nhà hơi chật nhưng nghĩa tình thật ấm áp


Nhà hơi chật nhưng nghĩa tình thật ấm áp

Nhà hơi chật nhưng nghĩa tình thật ấm áp

Nhìn cảnh bà con tụ họp thân ái, trẻ em chơi đùa vui vẻ bên bố mẹ sau giờ làm việc, gia đình ấm cúng bên mâm cơm…tôi cũng thấy vui lây với cuộc sống bình dị nhưng ấm áp nghĩa tình nơi này. Ước mơ giản dị là mong sao mọi ngày cứ trôi qua như thế trong tình làng nghĩa xóm nơi xa xứ.
 
Mong hãy luôn sống đoàn kết và thân ái như tên gọi của Hội “Đoàn kết”, bà con Ulyanovsk nhé!

Phóng sự và chùm ảnh của Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)