1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghị sĩ Mỹ thăm Syria, gặp ông Assad: Sứ mệnh ai giao?

Chuyến thăm của nghị sĩ Tulsi Gabbard đến Syria và gặp gỡ Tổng thống Assad như thông điệp của chính quyền Trump gửi tới bốn bên, hai phía trong ván cờ Syria...

Mỹ tìm cách hợp pháp hóa vai trò tại Syria

Theo Reuters đưa tin, ngày 25/1/2017, nữ nghị sĩ Mỹ Tulsi Gabbard của đảng Dân chủ cho biết bà đã có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Syria và gặp Tổng thống Bashar al-Assad để thảo luận về khả năng tìm kiếm một giải pháp khả dĩ cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Trả lời CNN, bà Gabbard cho biết muốn tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của người dân Syria.

Nữ nghị sĩ bang Hawaii nêu rõ, một trong những lý do khiến bà cần có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Assad là vì "chúng tôi muốn gặp bất cứ ai nếu nhận thấy họ có khả năng và cần thiết cho một giải pháp hòa bình tại Syria. Và đó cũng chính là những gì mà chúng tôi đã bàn bạc trong cuộc gặp gỡ”, Reuters tường thuật.

Nữ nghị sĩ Mỹ Tulsi Gabbard vừa có chuyến thăm Syria và gặp gỡ Tổng thống Assad
Nữ nghị sĩ Mỹ Tulsi Gabbard vừa có chuyến thăm Syria và gặp gỡ Tổng thống Assad

Cũng nên biết rằng nữ nghị sĩ Tulsi Gabbard là một quân nhân đã tham gia cuộc chiến tranh Iraq, từng thẳng thắn chỉ trích chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama trong việc hỗ trợ phe đối lập Syria chống lại chính quyền Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại đất nước Syria.

Trong khi đó, quan điểm của tân Tổng thống Donald Trump về cuộc nội chiến Syria đã được ông thể hiện rõ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 rằng ông có khả năng từ bỏ sự ủng hộ đối với lực lượng nổi dậy Syria, để tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS) - lực lượng khủng bố đang kiểm soát một số phần lãnh thổ Syria.

Điều đó cho thấy quan điểm của cựu quân nhân Tulsi Gabbard khá tương đồng với quan điểm của chính quyền Donald Trump. Dư luận đặt câu hỏi : Phải chăng nữ nghị sĩ Tulsi Gabbard đến Syria và gặp gỡ, trao đổi với Tổng thống Assad là thực hiện sứ mệnh của Trump, qua đó chuyển thông điệp của vị tổng thống doanh nhân tới tất cả các phe phái trong cuộc chiến Syria?

Có thể thấy rằng, sự khác biệt lớn nhất giữa Washington – dưới thời chính quyền Tổng thống Obama – với Moscow – thực thể đang đạo diễn ván cờ Syria hiện nay – là xoay quanh vấn đề vai trò của chính quyền Syria và cá nhân Tổng thống Assad trong bàn cờ chính trị tại Syria. Và chính từ sự khác biệt đó mà Tổng thống Putin và Tổng thống Obama có các nước đi khác nhau.

Trong khi Washington chọn vấn đề vũ khí hóa học của Syria làm công cụ để lật đổ chính quyền Assad, thì ngược lại Moscow lại khai thác vấn đề này thành vũ khí lợi hại bảo vệ nhà lãnh đạo Syria. Vì vậy, khi Tổng thống Obama nêu việc phá hủy vũ khí hóa học của Syria thì Tổng thống Putin lại chọn ngay biện pháp giao cho Washington giám sát và tiêu huỷ.

Tổng thống Obama đã bị việt vị trước Tổng thống Putin trong nước đi này nên Mỹ không thể xuất hiện một cách hợp pháp bên cạnh phe đối lập Syria. Hệ quả đó khiến Moscow hợp pháp xuất hiện bên cạnh Assad và dần đạo diễn ván cờ Syria. Việc phải “lấp ló bên cánh gà” khiến Washington nhận ra Assad là quân cờ không thể thiếu trong ván cờ Syria.

Tuy nhiên, Washington nhận ra vai trò tất yếu của Assad quá muộn khi Tổng thống Obama không còn đủ thời gian và điều kiện để xoay chuyển tình thế, vì vậy Mỹ đành phải chấp nhận làm khách mời tại hòa đàm Astana. Song Washington thừa hiểu ván cờ Syria nói riêng, bàn cờ chính trị Trung Đông nói chung, không thể được sắp xếp theo bất cứ trật tự nào nếu thiếu Mỹ.

Chính vì vậy, Washington cần phải trở lại ván cờ Syria, nhưng phải với một vị thế mới, mà quan trọng nhất là phải xuất hiện một cách hợp pháp thì mới có thể dùng thế và lực để xoay chuyển tình thế cho những lực lượng mà họ hướng tới cho bàn cờ chính trị tại Syria trong tương lai.

Rõ ràng, hiện nay chỉ có chính quyền Assad là thực thể chính trị hợp pháp, hợp hiến tại Syria, do vậy Washington cần và phải bắt tay với Assad thì mới hy vọng được mục đích của mình.

Washington buộc Moscow phải chia sẻ vai trò đạo diễn ván cờ Syria

Có thể thấy rằng, hòa đàm Astana chỉ là bước tiền trạm cho cuộc hội nghị quốc tế Geneve về hòa bình cho Syria, song qua những gì phe đối lập Syria thể hiện tại Astana cho thấy vị thế của lực lượng này không đủ cho Washington gửi gắm niềm tin. Do vậy, có thể nhận diện Mỹ sẽ tìm cách chuyển trọng tâm sang chính quyền Assad, vì nước đi này là nhất cử lưỡng tiện.

Điều đầu tiên nhất là, khi kết nối với chính quyền Assad thì Washington sẽ tránh được sự đối đầu với Moscow, thậm chí đó còn được xem là bắt đầu cho sự hợp tác. Khi cả Washington và Moscow cùng tạo thế cho chính quyền Assad trong bàn cờ chính trị Syria thì mọi việc sẽ tiến triển thuận lợi, song nó sẽ không hoàn toàn như Moscow mong muốn.

Như vậy là Washington đã buộc Moscow phải chia sẻ vai trò đạo diễn ván cờ Syria và qua đó giảm thiểu ảnh hưởng của Ankara và Tehran trong ván cờ này. Điều đó, ngoài nâng vị thế cho Mỹ, còn khiến tam giác Moscow – Ankara – Tehran sẽ có nhiều xáo trộn, thậm chí mâu thuẫn trong việc giải quyết vấn đề Syria. Thế là Washington bắn một mũi tên đã trúng vào nhiều đích.

Mặt khác, qua nước đi này Washington có thể xây dựng được quan hệ hai mang với cả chính quyền Assad và với phe đối lập. Thực tế đó là quá lợi hại với Washington trong việc sắp xếp lại bàn cờ chính trị tại Syria. Bởi đây là điều mà Moscow không dễ có được, mà nếu muốn có thì Moscow phải chấp nhận có những đánh đổi, thậm chí mất mát.

Khi Washington trở thành người điều tiết những khác biệt giữa chính quyền Assad và phe đối lập thì cũng là lúc vai trò đạo diễn ván cờ Syria nghiêng về phía người Mỹ nhiều hơn. Như vậy, khi sự thân thiện giữa cặp đôi Trump – Putin không dễ phá rào cản cho quan hệ Nga – Mỹ thì có lẽ vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã chọn đột phá cho mối quan hệ từ ván cờ Syria.

Quan hệ Nga - Mỹ có thể không thân thiện như Trump với Putin
Quan hệ Nga - Mỹ có thể không thân thiện như Trump với Putin

Chỉ có điều, một trang mới trong quan hệ Nga – Mỹ chưa hẳn là sự cải thiện tích cực, ngược lại có thể bắt đầu bằng một sự đối trọng khác. Có thể thấy rằng, nước Mỹ dưới thời chính quyền Trump là hết sức khó lường với cả đồng minh, đối thủ lẫn đối tác. Washington có thể chuyển đối tác thành đối thủ và đối thủ thành đối tác, nếu điều đó giúp cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Vì vậy, có thể nhận diện chuyến thăm của nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Tulsi Gabbard đến Syria và gặp gỡ Tổng thống Bashar al-Assad như một thông điệp của chính quyền Trump gửi tới bốn bên, hai phía trong ván cờ Syria. Đồng thời đó cũng có thể được xem là bước khởi đầu một trang mới cho quan hệ Mỹ - Nga, chỉ có điều sự thiện cảm giữa Tổng thống Trump dành cho Tổng thống Putin không có nhiều ảnh hưởng tới tính chất mối quan hệ Moscow – Washington dưới triều đại của Trump.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt