1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghị sĩ Mỹ đề xuất mua lại "rồng lửa" S-400 của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Một nghị sĩ Mỹ đề xuất một dự luật cho phép Washington có thể mua lại từ Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ S-400 do Nga sản xuất.

Nghị sĩ Mỹ đề xuất mua lại rồng lửa S-400 của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất (Ảnh: Sputnik)

Theo Sputnik, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Thune đã đề xuất một dự luật cho phép Mỹ mua lại S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, ông Thune đề nghị việc thay đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 và bổ sung thêm điều khoản cho phép Washington dùng ngân sách mua sắm quốc phòng để mua S-400, lá chắn phòng không do Nga sản xuất.

Defence News dẫn lời cựu quan chức Lầu Năm Góc Jim Townsend cho hay: “Tôi nghĩ việc Mỹ mua S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ là một cách làm thông minh để đưa Ankara ra khỏi tình trạng mắc kẹt. Chúng tôi chỉ muốn đưa hệ thống đó ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và nếu nó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35, mọi việc sẽ tốt hơn”.

Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của NATO - đã nhận xong các tổ hợp phòng không S-400 mà họ mua của Nga từ năm ngoái và đang chuẩn bị đưa các hệ thống này vào trực chiến, bất chấp cảnh báo trừng phạt của Mỹ. Mỹ thậm chí đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35, viện dẫn rủi ro an ninh S-400 có thể gây ra cho máy bay tối tân của Washington.

Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ kêu gọi của Mỹ về việc hủy thương vụ S-400, đồng thời bác các quan ngại về an ninh của Mỹ liên quan tới hệ thống của Nga.

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400, không sử dụng tổ hợp này, thậm chí đề nghị “phá hủy” S-400 đã mua từ Nga. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thương vụ là sự đã rồi và sẽ kiên quyết theo đuổi đến cùng.

Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch muốn chính quyền Mỹ ban hành lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên Đạo luật Chống lại Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đạo luật này cho phép Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như chống lại các quốc gia có hợp đồng mua vũ khí giá trị lớn với Moscow.

Khoảnh khắc “rồng lửa” S-400 lên nòng, dội hỏa lực uy lực vào mục tiêu

Đức Hoàng

Theo Sputnik