1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga và Ukraine đồng loạt điều động quân trước giờ Crimea bỏ phiếu

(Dân trí) - Quân đội Ukriane đêm qua (15/3) lần đầu tiên đã được huy động để chặn một đợt tiến quân được cho là của Nga, giữa lúc các lực lượng lính dù được Kiev cử tới bảo vệ một cơ sở khí đốt gần Crimea do căng thẳng leo thang trước giờ trưng cầu dân ý.

Theo tờ Telegraph của Anh, Bộ ngoại giao của chính phủ lâm thời Ukraine đã lên án “một cuộc xâm lược” của các lực lượng Nga vào lãnh thổ đại lục của mình, khi 80 binh sỹ Nga được sự hậu thuẫn của các trực thăng trang bị súng và các xe thiết giáp bao vây một trạm bơm khí đốt gần làng Strilkove trên mũi Arabat, nằm bên trong vùng Kherson ở phía Bắc Crimea.

Các binh sỹ vũ trang kiểm soát một khách sạn tại thủ phủ Crimea
Các binh sỹ vũ trang kiểm soát một khách sạn tại thủ phủ Crimea

Hiện chưa rõ liệu những binh sỹ Nga đổ bộ này - lần đầu tiên được Mátxcơva điều tới khu vực bên ngoài bán đảo Crimea - có báo hiệu cho sự mở màn một cuộc chiếm đóng hay chỉ là một hoạt động thăm dò.

Bộ quốc phòng Ukraine thì cho biết đã triển khai máy bay và lính dù tới để ngăn chặn một nỗ lực của các lực lượng Nga tiến vào khu vực Arbatskaya Strelka, một dải đất dài gần kề Crimea.

Ban đầu Bộ này khẳng định Nga đã rút đi sau khi lính dù và các đơn vị quân đội được triển khai để ngăn cản hoạt động đổ bộ. Tuy nhiên các hãng thông tấn địa phương sau đó cho biết lính Nga vẫn còn hiện diện tại đây.

Một quan chức giấu tên của Nga cho biết đợt điều động được thực hiện để đề phòng “các vụ tấn công khủng bố”.

Bộ ngoại giao Nga khẳng định đã nhận được “nhiều yêu cầu” bảo vệ người dân tại Ukraine. “Những kiến nghị này sẽ được xem xét”, một thông báo viết.

Trong khi đó, tại trung tâm Mátxcơva, hàng chục nghìn người biểu tình hôm qua đã xuống đường trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Mang theo cờ Nga, cờ Ukraine và cờ EU, người biểu tình đã phản đối việc can thiệp vào Ukraine và hô khẩu hiệu “Rút binh sỹ Nga về nước”.

Các nhà tổ chức, bao gồm lãnh đạo các phong trào đối lập ở Nga, cho biết có tới 70.000 người tham gia tuần hành. Tuy nhiên cảnh sát nói rằng chỉ khoảng 3000 người Mátxcơva xuất hiện, và xem những người này là “đối tượng chống lại sự tái hợp của Crimea với Nga”.

Phương Tây tiếp tục gây sức ép

Phát biểu trong ngày 15/3, Tổng thống Pháp François Hollande cảnh báo rằng việc Nga sáp nhập Crimea sẽ kích hoạt ngay lập tức các cấm vận về hợp tác quân sự. Có khả năng điều này sẽ ảnh hưởng tới hợp đồng đóng hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral mà Nga đang đặt hàng với Pháp.

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố phía Đông Ukraine
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố phía Đông Ukraine

William Hague, Ngoại trưởng Anh thì kêu gọi về một phản ứng “mạnh mẽ và nhất quán” từ Liên minh châu Âu. Ông Hague sẽ có cuộc nhóm họp với các ngoại trưởng EU khác trong ngày 17/3, nơi họ dự kiến sẽ công bố lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 120 – 130 người Nga có nhiều ảnh hưởng.

Lo ngại về việc Nga đang tạo tiền đề cho hoạt động can thiệp quy mô lớn hơn vào Ukraine, chia tách nước này thành hai khu vực Đông và Tây, đã làm gia tăng bạo lực tại các thành phố nói tiếng Nga ở Ukraine.

Một làn sóng biểu tình thân Nga đã diễn ra khắp các khu vực phía Đông Ukraine hôm thứ Bảy, sau khi hai người bị thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại thành phố Kharkiv, lớn nhất khu vực này.

Oleksander Turchinov, quyền Tổng thống Ukraine, đã cáo buộc các đặc vụ của Kremlin khiến làn sóng bạo động biến thành đụng độ chết người.

“Các bạn cũng như chúng tôi biết rõ ai tổ chức những cuộc tuần hành lớn tại phía Đông Ukraine – đó chính là các nhân viên từ Kremlin, những người đang tổ chức và tài trợ cho hoạt động này, những người khiến có người bị sát hại”, ông Turchinov khẳng định trong một cuộc phát biểu trước phe đối lập tại quốc hội.

Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Mátxcơva ngày 15/3
Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Mátxcơva ngày 15/3

Trong khi không ai nghi ngờ việc Nga có thể sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình, những cư dân phản đối cho rằng động thái trên sẽ khiến Mátxcơva chịu hậu quả.

“Nếu Putin tới Ukraine, thì ông ấy coi như xong”, Vasily Golovin, một người nghỉ hưu nói. “Tôi không thể hiểu ông ta nghĩ gì, nhưng nếu ông ấy cho rằng có thể xâm lược chúng tôi thì trò chơi của ông ấy đã kết thúc”.

Những ngày qua, trước thềm cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, các lực lượng Nga với cả các đơn vị pháo binh được cho là đã đào công sự tại thị trấn Dzhonkoi ở phía Bắc Crimea, trong một động thái đề phòng khả năng bị phản công từ lục địa Ukraine theo hướng này.

Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng nay, và kết thúc sau đó 12 giờ. Người Crimea sẽ được đề nghị chọn một trong hai lựa chọn: gia nhập liên bang Nga với tư cách một vùng mới, hoặc khôi phục hiến pháp của Crimea năm 1992, cho phép khu vực này có quyền tự trị rộng rãi trong khuôn khổ Ukraine.

Thanh Tùng
Theo Telegraph